Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.108.165
Truy cập hiện tại 239 khách
Công vụ qua con mắt người nước ngoài
Ngày cập nhật 25/08/2008

Vốn là một chuyên gia về cải cách hành chính làm việc cho một dự án của bộ Nội vụ Việt Nam, ông David Ma vẫn còn nhớ một trải nghiệm thú vị khi đến thăm một tỉnh miền Trung Việt Nam hai năm trước đây. Lần đó, ở một khách sạn tư nhân, và ông đã rất xúc động…

Chuyên gia người Singapore này cần bất kỳ thứ gì tất cả đều có ngay. Một lần, ông ăn trưa trong nhà hàng của khách sạn và được phục vụ lâu hơn bình thường. Sau vài phút, một người phục vụ đến xin lỗi, giải thích rằng trong nhà hàng đang phục vụ một đám cưới và đầu bếp cần thêm một chút thời gian để chuẩn bị thức ăn. Sau đó, một nữ phục vụ lại đến xin lỗi và chuyển cho ông một dĩa đậu phộng với hy vọng giữ chân ông và để ông không phàn nàn. Trước đó, ông đã phải bỏ một khách sạn quốc doanh nằm ngay cạnh vì dịch vụ ở đó thật tệ và không ai trong khách sạn đó quan tâm.

Điều gì khiến nhân viên ở khách sạn tư làm việc khác nhân viên khách sạn quốc doanh đến vậy? Tìm gặp người quản lý, ông được biết, khách sạn chỉ tuyển những người quan tâm phục vụ khách hàng chứ không phải những người có bằng cấp. Khách sạn không trả lương quá nhiều, nhưng nếu họ làm tốt, họ sẽ được thưởng. Ông kể, càng nghe, ông càng thấy nhiều điểm chung giữa khách sạn tư này và nền công vụ Singapore khi quốc gia này bắt đầu độc lập cách đây khoảng năm thập kỷ.

Ông so sánh, điểm đầu tiên là họ có tầm nhìn. Khách sạn muốn khách hàng được phục vụ tốt. Singapore muốn trở thành một phần của thế giới thứ nhất. Cả hai đều tuyển dụng những người chia sẻ tầm nhìn đó. Họ không quan tâm đến việc người được tuyển có kỹ năng hay không. Họ quan tâm hơn đến thái độ của người được tuyển… “Lý do đơn giản là kiến thức, kỹ năng có thể dễ dàng tích luỹ được, nhưng thái độ khó thay đổi. Khi bạn có những cán bộ có thái độ đúng, bạn có cơ hội thành công”, ông nói.

Ông nói: “Chính phủ Việt Nam cũng có một tầm nhìn: xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, chỉ đặt ra tầm nhìn là chưa đủ. Lãnh đạo chính trị phải hỗ trợ công chức đưa tầm nhìn đó thành hiện thực. Khi công chức không muốn chia sẻ tầm nhìn đó, họ sẽ không làm việc nhiều để biến nó thành hiện thực. Thách thức là tuyển dụng những cán bộ chia sẻ tầm nhìn và làm việc hướng tới việc hoàn thành tầm nhìn đó. Thách thức này khó giải quyết được chừng nào nền công vụ Việt Nam còn tuyển dụng cán bộ theo bằng cấp và kiến thức lý thuyết về quản lý nhà nước”.

 

Câu chuyện này được ông David Ma kể đã lâu, nhưng tinh thần của nó lại được hâm nóng gần đây, khi hiện tượng công chức nghỉ việc đang trở thành một vấn đề lớn ở Việt Nam. Bộ Nội vụ cho biết, có đến 16.000 công chức xin thôi việc trong 23 cơ quan trung ương và 47 địa phương trong giai đoạn 2003 – 2007. Con số này là nhỏ so với hơn nửa triệu công chức mới đã gia nhập khu vực công trong năm năm qua. Nhưng, theo bộ Nội vụ, điều đáng nói là nhiều người trong số đã nghỉ việc có trình độ cao và đóng vai trò lớn trong quá trình lập chính sách vốn rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội.

Theo viện Khoa học thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ, có 65% ý kiến người dân được hỏi trong một điều tra xã hội học cho rằng, cán bộ công chức thực thi công vụ còn yếu kém về chuyên môn và yếu kém về giao tiếp ứng xử với người dân. Điều này thể hiện rõ tình trạng “đội ngũ công chức còn nhiều điểm yếu về phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn; tệ quan liêu, tham nhũng sách nhiễu nhân dân tiếp tục diễn ra nghiêm trọng”, như trong bản điều tra đề cập.

Lý giải sự yếu kém này, ông Ayumi Konishi, giám đốc quốc gia ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét, nền công vụ ở Việt Nam là một hệ thống dựa trên cơ sở nghề nghiệp suốt đời. Vấn đề chính đối với việc làm suốt đời sau khi được tuyển dụng là nó làm cho hệ thống quản lý nguồn nhân lực không linh hoạt, không thể thích nghi với hoàn cảnh thay đổi. Điều này dẫn đến kết quả là cán bộ công chức tự mãn vì biết rằng tương lai của họ không phụ thuộc vào việc thực hiện nhiệm vụ, họ sẽ không bị áp dụng hình phạt đuổi việc.

Trong khi đó, ông Matthieu Solomon, cố vấn về chống tham nhũng của Đại sứ quán Thuỵ Điển nhận xét rằng, trong nhiều trường hợp, ở Việt Nam công trạng không phải là tiêu chí để tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng chức cho cán bộ công chức. Hiện tượng này, vì vậy, làm giảm nghiêm trọng động lực tăng cường tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm của họ.

Ông nhận xét thêm, khi việc tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng tiến phụ thuộc vào “thiện chí” hay “thiên vị” cá nhân, cán bộ công chức sẽ trung thành với “ô dù” của họ, và không thấy trách nhiệm đối với Nhà nước và cơ quan của họ.

Ông David Ma kể rằng, ông và nhiều người thuộc thế hệ của ông đã về Singapore làm việc trong các cơ quan nhà nước đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi Singapore là một quốc gia trẻ, mới giành độc lập trước đó mấy năm. Với lương ít hơn, công việc nặng nhọc hơn nhưng họ đã cống hiến hết mình trong công việc, vì họ biết đang làm gì và cần làm gì để đưa Singapore từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất. Qua thời gian, ông Ma cho rằng, những công chức như thế hệ của ông, và kể cả sau này đã giúp Singapore xây dựng được cái mà những người ngoại quốc gọi là nền công vụ của chất lượng xuất sắc.

Trong khi đó, ông Konishi của ADB cho rằng, trong bối cảnh kinh tế – xã hội mới của một Việt Nam hội nhập, Chính phủ và các cơ quan hành chính cấp dưới phải hoạt động hiệu quả hơn. Tuy vậy, ông nhận xét, nguồn lực của Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân là rất hạn chế, và chương trình cải cách hành chính chưa theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế, dù đã có tiến bộ.

Các tin khác
Xem tin theo ngày