Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.014.655
Truy cập hiện tại 7.400 khách
Có một thế hệ học sinh Sài Gòn đã sống như thế
Ngày cập nhật 09/01/2017

Tháng 2-1970, giới báo chí Sài Gòn nổ ra cuộc đấu tranh nhằm chống việc chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tăng giá giấy in báo. Rồi sang đầu tháng 3, bộ trưởng Bộ Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh lại tuyên bố: “Chính phủ dự định thu học phí các trường trung học công lập”.

Rồi sang đầu tháng 3, bộ trưởng Bộ Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh lại tuyên bố: “Chính phủ dự định thu học phí các trường trung học công lập”.

Từ chỉ đạo của các anh chị Thành đoàn phụ trách Trường Cao Thắng như anh Triệu Công Tinh Trung (Tư Truyền), chị Nguyễn Thiên Chương (Ba Bình), Hoàng Đôn Nhật Tân (Sáu Triều)... là phải khai thác thời cơ, phát động cuộc đấu tranh từ Trường Cao Thắng, ngày 7-3-1970, nhân danh ban đại diện học sinh (HS) Trường kỹ thuật Cao Thắng, tôi ký tên phát hành bản tuyên cáo: “HS Cao Thắng ủng hộ cuộc đấu tranh chống tăng giá giấy của báo giới Sài Gòn”.

Sinh viên xuống đường đấu tranh - Ảnh tư liệu

Chống tăng giá giấy, chống thu học phí trường công

Chúng tôi triệu tập họp ban đại diện HS và hội đồng trưởng lớp bàn việc bày tỏ thái độ. Tất cả HS dự họp đều nhất trí sẽ nổ ra một cuộc bãi khóa toàn Trường Cao Thắng vào ngày 10-3-1970, với mục tiêu và khẩu hiệu: “HS Cao Thắng đòi Bộ Giáo dục hủy bỏ dự định thu học phí trường công”; “HS Cao Thắng ủng hộ cuộc đấu tranh chống tăng giá giấy in báo của giới báo chí Sài Gòn”.

Toàn bộ lực lượng đoàn viên bí mật lẫn công khai của Thành đoàn nằm vùng ở Trường Cao Thắng như các anh Hoàng Đôn Nhật Tân, Nguyễn Văn Phúc, Hà Duy Hưng... đều đêm ngày tập trung và vận động quần chúng HS tham gia chuẩn bị cuộc bãi khóa, từ vẽ bích chương trên giấy dày khổ lớn, vẽ băngrôn trên vải trắng để treo đến lo vũ khí tự vệ như bom xăng, 
gậy gộc...

Thời khắc quan trọng

Sáng thứ hai 10-3-1970, đang lễ chào cờ đầu tuần, theo kế hoạch đã tính, HS Nguyễn Đình Đắc Ý bất ngờ nhảy lên bục cướp micrô, nói Bộ Giáo dục sắp ban hành chủ trương thu học phí trường trung học công lập, trong khi HS chúng ta đều là con nhà lao động nghèo khổ, lấy đâu ra tiền đóng!

Vì vậy mời các bạn HS lên phát biểu ý kiến về cách thức phản ứng của HS trường ta nhằm ngăn chặn Bộ Giáo dục ban hành chủ trương này! Nhiều trưởng lớp đã hăng hái lên diễn đàn phát biểu đòi 
bãi khóa.

Ban đại diện HS liền bước lên tuyên bố: “Toàn thể HS Cao Thắng chúng ta quyết định bãi khóa một ngày hôm nay, nhằm đòi chính quyền hủy bỏ chủ trương thu học phí trường công và chống việc tăng giá giấy in sách giáo khoa, giấy in báo”.

Hàng ngàn HS reo hò náo động, tan hàng, túa ra khắp sân trường. Ban đại diện phân phát cho HS giấy khổ lớn loại làm báo tường và bút màu để tự sáng tác khẩu hiệu đấu tranh.

Chỉ độ mười phút sau, các bích chương được HS ghim dán đầy cửa lớp, bờ tường và thân cây trước cổng trường với những câu rất “lửa”: “Đả đảo thuế học trò!”, “HS Cao Thắng chống tăng giá giấy in sách giáo khoa”...

Phong trào đấu tranh của SVHS Sài Gòn giai đoạn 1970-1975 bùng nổ từ thời điểm này. Cuộc đấu tranh ngày càng lan rộng ở các trường trung đại học Sài Gòn đến các tỉnh thành lớn như Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt...

Trong thế cao trào đó, nhằm tập hợp đông đảo HS vào phong trào dân chủ, yêu nước, cán bộ đoàn viên Thành đoàn đang hoạt động bí mật tại các trường đã phối hợp, vận động ban đại diện HS 24 trường trung học Sài Gòn tham dự hội nghị đại diện liên trường tổ chức tại hội trường Đại học Văn khoa để thành lập Tổng đoàn HS Sài Gòn và bầu ban chấp hành tổng đoàn nhiệm kỳ 1970-1971 với 19 HS, trong đó chủ tịch là Lê Văn Nuôi 
(Trường Cao Thắng).

Ngày 30-4-1970 tại Trường Cao Thắng, Tổng đoàn HS Sài Gòn tổ chức đại hội HS với gần 1.000 HS tham dự, ra mắt ban chấp hành tổng đoàn và công bố chương trình hoạt động.

Khi đại hội vừa khai mạc được vài phút thì bị chìm trong khói đạn cay mịt mù và vòng vây siết chặt của đông nghịt cảnh sát dã chiến trang bị súng ống, lựu đạn, dùi cui... HS, lớp rút chạy ra ngoài, lớp cố thủ trong các tầng lầu.

Cuộc giao tranh giữa HS và cảnh sát dã chiến diễn ra dữ dội bằng vũ khí sắt thép, gậy gộc, bom xăng, đạn cay... kéo dài đến trưa. Báo chí Sài Gòn và các hãng thông tấn nước ngoài đều đưa tin.

Tổng đoàn HS ngày càng trở thành ngọn cờ hiệu triệu mạnh mẽ 200.000 HS Sài Gòn qua các mục tiêu, chương trình hoạt động: bảo vệ quyền lợi học tập của HS; đấu tranh đòi quyền sinh hoạt dân chủ trong học đường; tổ chức các chuyến công tác từ thiện, xã hội chăm sóc trẻ em mồ côi ở cô nhi viện...

Ngày 1-7-1970 tại TP Huế diễn ra đại hội đại biểu các tổng đoàn HS các tỉnh thành trên; đại hội thống nhất thành lập Tổng đoàn HS miền Nam VN và đề cử ban chấp hành do Lê Văn Nuôi làm chủ tịch.

Dù bị sự khủng bố dữ dội của chính quyền VN Cộng hòa nhưng anh chị em SVHS tham gia phong trào đô thị lại vẫn có mặt trong cao trào ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam năm 1973-1975 đấu tranh đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình Việt Nam, đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, đòi Mỹ rút hết quân đội khỏi miền Nam VN...

Thế hệ thanh niên HSSV Sài Gòn và các đô thị miền Nam với quá trình 20 năm dấn thân vì độc lập, thống nhất Tổ quốc Việt Nam - từ hai thập kỷ 1955-1975, đã góp phần cung cấp cho đất nước nhiều con người ưu tú. Từ đó góp phần xây dựng lực lượng hùng hậu trong các mũi tiến công và nổi dậy của Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Nhà báo LÊ VĂN NUÔI
Các tin khác
Xem tin theo ngày