Tiện ích
Thời gian qua, Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch và đã đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, do có quá nhiều giải pháp công nghệ nên dẫn đến sự lúng túng cho người dân. Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ngày 17/9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 8600/UBND-NC về việc triển khai thẻ KSDB nhằm mục đích giúp người dân chủ động phòng, chống dịch, giúp các cơ quan chức năng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch, qua đó ngăn chặn và hạn chế dịch bệnh lây lan trên địa bàn.
Thừa Thiên Huế cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia cấp phát thẻ KSDB có mã QR.
Tại phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, công tác hỗ trợ người dân làm thẻ KSDB được địa phương tiến hành từ sớm. Đến thời điểm này, Hương Vân đã kích hoạt 5.989 thẻ/6.232 dân.
Chủ tịch UBND phường Hương Vân - ông Hoàng Anh Tuấn cho hay, ngoài thông báo rộng rãi để người dân được biết, phường cử cán bộ về tận tổ dân phố để hỗ trợ bà con. Trường hợp người già, lớn tuổi, không có smartphone, phường hỗ trợ cấp thẻ giấy, hướng dẫn sử dụng. “Tuy vậy, việc sử dụng như thế nào tùy thuộc vào ý thức của người dân”, ông Tuấn bày tỏ.
Đến nay, 9 xã, phường trên địa bàn thị xã Hương Trà đã kích hoạt 62.468 thẻ/65.256 dân, đạt tỷ lệ 96%. Trong đó, các xã, phường Hương Toàn, Hương Bình đạt tỷ lệ cao… Riêng xã Bình Tiến tỷ lệ đăng ký còn thấp, mới đạt gần 55%.
Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh, ông Nguyễn Đức Tường Thoại cho hay, đến 29/10, việc cấp mã thẻ đạt 85%, dù phường làm cật lực nhưng khó đạt tỷ lệ cao.
Theo ông Thoại, khó vì “chúng tôi không biết mỗi gia đình có bao nhiêu người đã cài, bao nhiêu người chưa để hướng dẫn. Mình đến hỏi tận nhà thì người dân trả lời đã cài rồi. Có trường hợp nói tôi chỉ ở nhà không đi đâu nên không cài đặt, hay có con cái làm thay. Ngoài ra, phường đã hỗ trợ cấp khoảng trên 1.000 thẻ giấy miễn phí cho người dân (thẻ được in màu, bọc ngoài và có dây đeo), kinh phí làm thẻ trích từ ngân sách phường”.
Tại phường Hương Vinh - địa phương vừa sáp nhập vào TP. Huế từ 1/7, Chủ tịch UBND phường - ông Trần Quốc Thắng cũng nhìn nhận, việc triển khai đã cơ bản (đăng ký 11.727 thẻ/hơn 14.400 dân) và tỷ lệ này khó tăng thêm do nhiều người dân đi làm ăn xa, sinh viên học tập ở các địa phương khác…
“Phường đã đầu tư đầu đọc thẻ, người dân khi đến giao dịch tại UBND phường sẽ phải quét thẻ KSDB cá nhân, giúp địa phương dễ dàng truy vết nếu trường hợp xuất hiện ca F0 cộng đồng, kiểm soát được có bao nhiêu người đã đến công tác, thông tin cá nhân, thời gian đến…”, ông Thắng nói.
Bà Lê Khánh Hà (65 tuổi), người dân phường Thuận Hoà cho biết, mỗi khi đi chợ hay siêu thị đều ngồi điền thông tin khai báo y tế vào giấy nộp lại cho nhân viên kiểm soát rất mất thời gian. Nay có tấm thẻ KSDB có mã QR cá nhân, chỉ cần mang theo bên người đến điểm nào đưa ra “quét” là xong. “Tuy vậy, hiện chưa có nhiều điểm công cộng triển khai việc quét mã cá nhân nên thẻ chưa phát huy tác dụng”, bà Hà bày tỏ.
Chưa có nhiều điểm quét
Hiện nay, để thuận lợi cho người sử dụng, thẻ KSDB có 3 hình thức, gồm: thẻ điện tử (hiển thị trong ứng dụng Hue-S), thẻ giấy và thẻ nhựa được in trực tiếp. Thẻ KSDB có thể được quét bằng các thiết bị: điện thoại di động thông minh, máy tính bảng – Ipad, thiết bị đọc QR có kết nối với máy tính hoặc các giải pháp công nghệ có thể đọc được mã QR.
Việc thay đổi hình thức kiểm tra bằng giấy sang quét mã tiết kiệm được khá nhiều thời gian, hạn chế tiếp xúc giữa người thi hành công vụ với người dân, đồng nghĩa với giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Giám đốc Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh - IOC - ông Bùi Hoàng Minh cho biết, hiện người dân đã đăng ký và kích hoạt gần 1,1 triệu thẻ/hơn 1,2 triệu dân.
Về cơ bản, “tỷ lệ phủ thẻ QR trên địa bàn tỉnh lớn nên việc triển khai quét sẽ thuận lợi, sắp tới chỉ cần “tăng dày” các điểm quét thì thẻ KSDB sẽ phát huy hiệu quả. UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, các địa phương đẩy nhanh việc triển khai điểm quét tại đơn vị, cơ sở và các địa điểm công cộng và việc thực hiện IOC đã có hướng dẫn, mỗi đơn vị tự cài đặt để triển khai. Toàn bộ tài liệu hướng dẫn được đăng tải tại http:/huecity.vn/quetqr”, ông Minh thông tin.
IOC cũng khuyến cáo người dùng tuyệt đối không nên để lộ mã QR cho bất kỳ ai, trừ các bên được cho phép vì mã QR có tất cả thông tin danh tính bao gồm họ tên, ngày sinh, số CMND, tình trạng tiêm chủng… Việc để lộ mã QR ảnh hưởng đến công tác chống dịch và có thể làm hại đến bản thân người bị lấy thông tin.