Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.041.439
Truy cập hiện tại 77 khách
Xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương – sự quan tâm và kỳ vọng của nhân dân tỉnh nhà
Ngày cập nhật 28/04/2014

 Năm 2009, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á”. Chủ trương này đã có sự đồng lòng của người dân và mối quan tâm ngày càng lớn hơn khi có hàng trăm câu hỏi được các cá nhân, tổ chức gửi đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong buổi đối thoại trực tuyến vừa được UBND tỉnh tổ chức trên Cổng thông tin điện tử tỉnh vào sáng ngày 25/4 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cùng với Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lãnh đạo Sở Xây dựng; Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư; Lãnh đạo Sở Nội vụ chủ trì.

 Những chủ trương, nhiệm vụ đã và đang thực hiện

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, trong gần 160 năm là Kinh đô của Việt Nam - Huế đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, là nơi hội tụ và giao thoa của nhiều nền văn hóa các vùng miền trong cả nước. Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và gắn kết với giữ gìn, bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa, cảnh quan đặc sắc của Thừa Thiên Huế, Kết luận 48 của Bộ Chính trị đã mở ra cơ hội to lớn cho Tỉnh trong việc đẩy nhanh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra thế và lực mới để củng cố vững chắc vị thế của địa phương trong bối cảnh phát triển nhanh của đất nước. Vì thế, ngay sau khi có Kết luận, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện nhiều Nghị quyết, Quyết định, Chương trình, Kế hoạch để đầu tư xây dựng Thừa Thiên Huế đạt được các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật đối với thành phố trực thuộc Trung ương. Một trong những chủ trương lớn là Tỉnh ủy đã ban hành 04 Nghị quyết chuyên đề theo nội dung Kết luận 48 đó là Nghị quyết về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc, Trung tâm y tế chuyên sâu, Trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành - chất lượng cao và Trung tâm khoa học - công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định, cùng với những kết quả đã đạt được và với xu thế phát triển thì khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vị thế, vai trò hạt nhân phát triểncủa Thừa Thiên Huế sẽ được khẳng định và nâng cao; Thừa Thiên Huế sẽ phát huy tốt hơn vai tròmột trong những trung tâm lớn đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đây là tiền đề quan trọng để Thừa Thiên Huế kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng, mở văn phòng đại diện, tổ chức các sự kiện, hội nghị mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Là cơ quan tham mưu trong việc định hướng và hoạch định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Phan Thiên Định, Phó giám đốc sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết thêm: Hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát triển theo hướng “Tăng trưởng xanh trên nền tảng kinh tế tri thức; lấy phát triển dịch vụ - du lịch làm hạt nhân phát triển kinh tế; phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao làm động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế”. Định hướng này, không những phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của tỉnh mà còn phát huy những tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, từng ngành và phù hợp với xu thế phát triển đô thị hiện đại trong tương lai của đất nước và mô hình phát triển xanh mà các quốc gia tren thế giới đang thực hiện.   

Sau 5 năm triển khai, thực hiện kết luận 48, hiện nay tỉnh đang gấp rút hoàn thành đồ án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Vấn đề đặt ra là người dân sẽ hiểu như thế nào và hưởng ứng ra sao khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cũng như định hướng phát triển triển kinh tế - xã hội trong tương lai?.

Ông Nguyễn Minh Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trong đồ án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương, tỉnh đã xác định rõ: "Xây dựng đô thị Thừa Thiên Huế theo mô hình tập hợp đô thị di sản, văn hóa và cảnh quan”. Mô hình này được cấu thành bởi đô thị hạt nhân Huế (đô thị di sản văn hóa) và các đô thị văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường được phát triển bền vững trong mối quan hệ gắn kết đô thị - nông thôn - thiên nhiên". Trong đó, khu vực thành phố Huế hiện hữu là đô thị di sản văn hóa, giảm tải các chức năng về đào tạo, y tế, đầu mối giao thông... ưu tiên phát triển các chức năng dịch vụ, du lịch và văn hóa để không ảnh hưởng đến di tích. Các đô thị khác có vai trò hỗ trợ đô thị di sản Huế về phát triển nhà ở, dịch vụ, công nghiệp đa ngành, đào tạo, y tế và đầu mối giao thông. Đan xen giữa các đô thị là sự chuyển tiếp hài hòa giữa khu vực làng xóm và các vùng nông nghiệp, bảo tồn sinh thái, cảnh quan thiên nhiên,... được liên kết với nhau bằng mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại.

Đời sống của người dân khi Tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương

Người dân sẽ được hưởng lợi những gì nếu tỉnh Thừa Thiên Huế được trở thành thành phố trực thuộc trung ương? Những chính sách hỗ trợ cho người dân có bị cắt giảm không? Người dân Thừa Thiên Huế được thụ hưởng những lợi ích gì so với khi Tỉnh trực thuộc Trung ương và bị những tác động nào được cho là không có lợi so với hiện nay? nếp sống của người dân thành thị và nông thôn sẽ có thay đổi gì cũng như trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế?  Doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế phát triển, song kéo theo tăng lương cơ bản vùng, các ưu đãi cũng sẽ cắt giảm, giá thuê đất của doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên…Đó là những câu hỏi rất thiết thực, mối quan tâm lớn có thể coi là “miếng cơm, manh áo và điều kiện sống” của người dân khi Tỉnh lên thành phố trực thuộc trung ương.

Ông Bạch Chơn Đông, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trước hết, không thể nói rằng ngay sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì sẽ không còn những xã đặc biệt khó khăn. Chúng ta đang xây dựng mô hình thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường, trên cơ sở những thế mạnh đặc trưng về lịch sử, văn hóa của địa phương. Mô hình thành phố của chúng ta vừa có các khu vực đô thị, vừa có khu vực nông thôn, có miền núi, có vùng biển, đầm phá…Tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong từng thời điểm khác nhau; nếu ở địa phương nào vẫn còn đặc biệt khó khăn thì các địa phương đó vẫn được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, theo thời gian và tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đi lên của từng vùng, khi các địa phương của tỉnh hoàn thành các mục tiêu cơ bản của chương trình phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi thì sẽ không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn nữa, lúc đó sẽ không còn được hưởng các chính sách ưu đãi như hiện nay và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ở thời điểm đó sẽ được nâng lên rất nhiều.

Những năm qua, Tỉnh luôn coi doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn sức mạnh to lớn cho sự nghiệp phát triển của địa phương. Vì vậy, nếu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh vẫn tiếp tục quan tâm và có những giải pháp thiết thực, phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Lãnh đạo Tỉnh đã luôn quan tâm chỉ đạo là đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để xây dựng chính sách hỗ trợ sát với nhu cầu thực tế. Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

 Khi lên thành phố trực thuộc Trung ương, nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cải thiện việc cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội;  quyền lợi cụ thể của người lao động và việc đóng các khoản phí của người dân có thay đổi gì không?. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, dù là cấp tỉnh hay là thành phố trực thuộc Trung ương thì tất cả các chính sách đều phải thực hiện trên cơ sở pháp luật Nhà nước ban hành. Tuy nhiên, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cơ chế, chính sách và việc áp dụng sẽ được mở rộng hơn như chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cao hơn; sẽ kêu gọi được những nguồn vốn khác (ODA) theo chương trình phát triển đô thị của Chính phủ để đầu tư kết cấu hạ tầng, khi đó, người dân của Thừa Thiên Huế, bao gồm cả huyện A Lưới, sẽ được hưởng những điều kiện hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ công tốt hơn. Theo quy định tại các Luật thuế hiện hành và các văn bản hướng dẫn dưới Luật việc quy định mức đóng thuế được áp dụng chung cho cả nước không phân biệt thành phố trực thuộc Trung ương hay không trực thuộc Trung ương. Do đó, các loại thuế người dân phải đóng cơ bản không thay đổi. Còn việc quy định các khoản phí phải đóng trên địa bàn tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành dựa trên cơ sở thực trạng kinh tế - xã hội của từng địa phương, trong từng thời kỳ. Do đó, các loại phí người dân phải đóng cơ bản không thay đổi.

Ông, Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết dù ở trong giai đoạn phát triển nào, giữ gìn bản sắc văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh luôn được Tỉnh quan tâm, bởi văn hóa luôn là động lực tinh thần cho phát triển kinh tế - xã hội. Minh chứng là HĐND tỉnh đã có Nghị quyết 06/2013/NQ-HĐND về xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Đơn cử, hiện nay, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Văn hóa đang tập trung xây dựng và chấn chỉnh nếp sống văn minh đô thị, nhất là tình trạng đốt vàng mã trong các lễ cúng tế, rải vàng bạc trên đường đưa tang, tình trạng treo dán, quảng cáo rao vặt gây mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường...Hiện nay, thành phố Huế đang nghiên cứu và ban hành các quy định một số tuyến đường du lịch cấm rải vàng mã; một số phường của thành phố Huế, một số địa phương của các huyện, thị xã đã triển khai và hoàn tất việc tổ chức đam tang theo quy định đơn giản, tiết kiệm và để tại nhà ít ngày hơn.

Có thể nói, với hơn 3 giờ trực tuyến, từ những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội đến vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân đã được mổ sẻ, phân tích và giải đáp phần nào đã cho thấy được sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như sự quan tâm, đặt niềm tin và kỳ vọng của nhân dân tỉnh nhà trên bước đường xây dựng mới, là “bước ngoặt lịch sử” để đưa Thừa Thiên Huế lên một tầm cao mới.

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày