Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.333.405
Truy cập hiện tại 2.949 khách
Thói quen xấu nhấn còi inh ỏi trên phố của người Việt
Ngày cập nhật 10/04/2014
Ông Robert Ackley

 Tiếp tục loạt bài về những thói quen xấu của người Việt, TTO vừa nhận được bài viết của ông Robert Ackley (người Mỹ, giáo viên dạy tiếng Anh ở ILA).

Ông thật sự ngạc nhiên khi nhiều người Việt vô tư bấm còi xe inh ỏi khi lái xe trên đường, một điều rất khác biệt với các nước.

 Khi mới đến TP.HCM, tôi rất ngạc nhiên và thậm chí thấy khó hiểu về văn hóa giao thông và luật giao thông ở đây.

Ám ảnh vì tiếng còi inh ỏi trên đường phố Sài Gòn

Điều khiến tôi ám ảnh nhất mỗi lần chạy xe là tiếng còi đinh tai nhức óc được nhấn vô tội vạ ngoài đường. Tôi đã cố gắng tìm hiểu và lý giải điều đó trong một thời gian dài nhưng giờ phải chịu thua và đành sống chung với nó.

Nếu cho rằng tình trạng giao thông lộn xộn ở TP.HCM là một vấn nạn và muốn bàn về cải tổ giao thông thì phải bắt đầu từ đâu? Chúng ta sẽ nói về việc thiếu kính chiếu hậu, thiếu đèn tín hiệu xinhan xin đường hay tập trung nói về luật lệ giao thông tùy tiện đã ăn sâu vào hệ thống giao thông của người Việt?

Tôi nghĩ không thể thay đổi mọi thứ một sớm một chiều. Để giảm bớt tình trạng nhức nhối này, chúng ta nên bắt đầu xử lý "ô nhiễm tiếng ồn" trước đã. Liệu có bất kỳ ai trong chúng ta có thể giữ bình tĩnh khi nghe những tiếng còi chát chúa không ngừng vang lên trên đường phố Sài Gòn mỗi ngày?

Hằng ngày, vào giờ tan tầm, khoảng 5g chiều, tôi cố gắng nhích từng chút một trên chiếc xe Honda Wave trong tình trạng kẹt xe hỗn loạn trên nhiều tuyến đường. Để kịp về nhà trước lúc trời tối hoặc trong lúc đang vội, tôi thừa nhận có lúc mình chạy xe lên lề và đi vào đường một chiều để tiết kiệm thời gian bởi theo tôi quan sát, hành vi này của người lái xe máy được chấp nhận trong thời điểm kẹt xe ở Sài Gòn.

Mặc dù tình trạng giao thông lộn xộn này có thể khiến bạn nhức đầu hoặc thỉnh thoảng gây tai nạn nhưng nó chẳng là gì khi so sánh với tiếng còi đinh tai nhức óc của các loại xe cộ trên đường. Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân để nhấn còi trên đường phố Sài Gòn.

Nếu bạn nói nhấn còi để bảo đảm an toàn cho những người đi đường, điều đó đúng trong trường hợp bạn biết chắc là xe chạy trước có ý định rẽ trái hoặc rẽ phải. Tuy nhiên, trong giờ cao điểm, nhiều xe cộ vẫn nhấn còi inh ỏi cố gắng vượt qua nhau, tạo ra quang cảnh khá hỗn loạn.

Có lần tôi trông thấy một người dừng đèn đỏ mà vẫn bóp còi vô tư. Người này liên tục bóp còi cho đến khi đèn đỏ chuyển thành màu xanh. Ở Mỹ và các nước phương Tây, rất hiếm khi bạn nghe tiếng còi xe trên đường phố ngay cả trong lúc kẹt xe.

Có thể nói những người góp phần lớn nhất vào tình trạng "ô nhiễm tiếng ồn" ở Sài Gòn là các bác tài taxi. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng theo quy định, taxi và xe hơi chạy làn đường bên trái nhưng câu hỏi cũ lại tiếp tục được đặt ra: những ai thực sự tuân theo luật lệ giao thông?

Tài xế taxi cho rằng họ có quyền nhắc nhở xe máy khi đi vào làn đường sai bằng cách bóp còi. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, thậm chí khi người lái xe máy ở một khoảng cách an toàn so với taxi, các bác tài taxi vẫn bóp còi inh ỏi. Do vậy, bạn có thể hiểu tôi đã bối rối như thế nào khi đến sinh sống và làm việc ở một đất nước dùng còi xe thoải mái như ở VIệt Nam.

Ở Mỹ có thể xử phạt hành vi bóp còi nếu không thực sự cần thiết

Ở Mỹ, nếu bạn bóp còi xe để nhắc nhở một xe nào đó, thực sự là có vấn đề lớn. Chẳng hạn như bạn thể hiện sự giận dữ đối với họ hoặc yêu cầu họ giải thích một điều gì đó khiến bạn không hài lòng. Thi thoảng cũng xảy ra các màn đấu võ mồm hay thậm chí đánh nhau xuất phát từ việc hai bên thay nhau bóp còi.

Một số thành phố ở Mỹ hạn chế tiếng ồn do còi xe gây ra, thậm chí xử phạt các bác tài bóp còi trong những trường hợp không thực sự cần thiết. Nói chung, ngoại trừ những trường hợp quá cấp thiết, bóp còi xe được cho là rất thiếu tôn trọng người khác. Ở phương Tây cũng có nhiều thành phố ồn ào do tiếng xe cộ gây ra, nhưng tôi chắc chắn rằng không có thành phố nào sánh với tiếng ồn không thể kiểm soát được như ở Sài Gòn.

Tìm giải pháp cho vấn đề này không phải dễ bởi vì nó buộc chúng ta lại phải đề cập đến luật lệ giao thông chưa hiệu quả của Việt Nam. Ở đây, tôi không thấy rõ quy định về quyền ưu tiên của người đi đường, dẫn đến sự chen lấn và giành đường lẫn nhau. Ví dụ ở Mỹ, nếu như hai tài xế đến ngã tư cùng lúc thì người bên phải được quyền đi trước.

Gần đây, tôi chứng kiến một tài xế taxi Vinasun bóp còi inh ỏi đến nỗi tôi muốn lái xe tông thẳng xuống cầu Sài Gòn để thoát khỏi âm thanh kinh khủng này. Hay như khi trở về nhà trên một con đường vắng ở quận 3, một người đàn ông chạy từ hướng khác xuất hiện cầm theo một cây chổi trên tay, phần đuôi của cây chổi hướng ngược lên trời. Ông này cứ bóp còi liên hồi khi ông ta tiến gần lại tôi và tiếp tục như vậy cho đến cuối con đường.

Tôi tự hỏi ông ấy đang ăn mừng chiến thắng của câu lạc bộ bóng đá mà ông ấy yêu thích nhất hay thể hiện tình yêu cuồng nhiệt với cuộc sống bằng một tràng âm thanh bíp bíp chói tai? Tôi không rõ lý do là gì. Có thể tôi đã say hoặc tôi đang nằm mơ, hay có thể cả hai chúng tôi đang sống ở Sài Gòn?

ROBERT ACKLEY (người Mỹ, giáo viên dạy tiếng Anh ở ILA) - QUỲNH TRUNG ghi
Các tin khác
Xem tin theo ngày