Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.356.514
Truy cập hiện tại 287 khách
Tấm gương Trần Hữu Hiệp
Ngày cập nhật 27/03/2014

 

Vụ chìm ca nô trên biển Cần Giờ (TP.HCM) xem như tấn bi kịch xét dưới nhiều góc độ. Sau những thông tin về thiệt hại nhân mạng là các mổ xẻ về nguyên nhân, trách nhiệm, những ẩn khuất khi xảy ra vụ việc đau thương.

 Và điều an ủi ở chỗ trong chính niềm đau đó đã bộc lộ vẻ đẹp con người, dấy lên niềm tin, sự cảm phục trước những hành động cao cả, hy sinh quên mình. Tấm gương ngời sáng ấy chính là chàng trai trẻ Trần Hữu Hiệp.

Ngay sau khi xảy ra tai nạn, báo chí đã nhắc nhiều đến người thanh niên 26 tuổi quê Thanh Hóa đó. Những người thoát nạn trong gang tấc kể lại rằng giữa sóng nước trùng khơi anh Hiệp đã dồn sức cứu sống được mấy người, và đáng khâm phục nhất là anh đã cởi chiếc áo phao đang mặc nhường cho một phụ nữ trong ranh giới sinh tử mong manh. Không cần phải săm soi việc anh Hiệp nhường áo phao cho ai, bởi vì cho ai thì cũng là dành phần sống cho người khác, và nhận cái chết mười mươi về mình. Cuộc sống, ai chả yêu chả quý. Nhưng nhường sự sống cho bạn bè đồng nghiệp, không mảy may do dự khi đón nhận cái chết về mình, chắc chắn điều đó chỉ có ở những người tràn đầy tình yêu thương đồng loại, và quan trọng nhất là mang trong mình phẩm chất của người anh hùng.

Một nhà thơ nói với tôi rằng nếu đặt vào hoàn cảnh của anh Hiệp, anh ấy tự biết mình không làm được như thế, và giả dụ có bộc lộ được điều gì phi thường, chắc cũng không vô tư trong sáng cao cả đến thế. Ngay cả thời chiến tranh, việc nhận cái chết về mình của con người vào lúc đó thường có động lực lý tưởng, niềm tin, khát vọng cao cả, chủ nghĩa anh hùng. Còn với anh Hiệp, tất cả đều bình thường, cả con người xung quanh lẫn cuộc sống hằng ngày. Chỉ khác ở chỗ, vào lúc bất thường, con người bình thường ấy đã làm được việc phi thường một cách tự nhiên mà chả mấy ai làm được. Nhà thơ bảo, với người như anh Hiệp, việc tặng huy hiệu, huân chương, công nhận liệt sĩ vẫn chưa đủ bởi anh xứng được truy phong danh hiệu anh hùng.

Điều đáng ghi nhận là trước sự hy sinh quả cảm của anh Trần Hữu Hiệp, gần như ngay lập tức T.Ư Đoàn đã tìm hiểu cặn kẽ và truy tặng kịp thời Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cao quý cho anh, phát động thanh niên cả nước học tập tấm gương anh. Liền sau đó, Bộ LĐ-TB-XH tiến hành lập hồ sơ để đề nghị công nhận anh Hiệp là liệt sĩ. Ngày 10.8 (chỉ 1 tuần sau vụ việc), Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Huân chương Dũng cảm cho anh Trần Hữu Hiệp. Những điều ấy thể hiện sự công nhận của nhà nước, đoàn thể, xã hội đối với con người đặc biệt anh hùng, nói như anh Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư T.Ư Đoàn, “sự hy sinh của anh Trần Hữu Hiệp đã trở thành biểu tượng về lòng dũng cảm phi thường, nghĩa cử cao đẹp. Đó là hành động cao thượng hiếm có. Tấm gương Trần Hữu Hiệp sẽ lan tỏa trong thanh niên cả nước, cổ vũ tinh thần sống đẹp, vì mọi người”. Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, mong sao xã hội chúng ta có thêm thật nhiều con người mang tinh thần, thái độ sống như Trần Hữu Hiệp để góp phần đẩy lùi cái xấu cái ác.

Một con người, như Trần Hữu Hiệp mất đi, nhưng lại nuôi dưỡng, làm nảy sinh thêm biết bao con người tốt đẹp như thế. Tôi cứ nghĩ, ngay cả khi sóng biển cuốn anh đi, trên môi anh vẫn nở nguyên nụ cười mãn nguyện.

Nguyễn Thông (nguồn thanhnien.com.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày