Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.137.213
Truy cập hiện tại 114 khách
Bảo tồn di sản văn hóa bằng công nghệ số
Ngày cập nhật 19/10/2024

TTH - Ứng dụng công nghệ số trong tái hiện, khám phá di tích lịch sử văn hóa đang mang lại nhiều trải nghiệm thú vị, sinh động cho du khách, giúp di sản trường tồn với thời gian.

Nhiều du khách tham quan Hoàng cung - Đại Nội Huế rất thích thú khi có cơ hội “sống” trong khung cảnh cung đình xưa được tái hiện qua công nghệ thực tế mở rộng XR và thực tế ảo VR.

Dưới góc nhìn thực tế ảo, chị Thanh Thảo, du khách đến từ Cần Thơ có trải nghiệm cực kỳ chân thực như đang ngược dòng thời gian về quá khứ hàng trăm năm trước của hoàng cung Triều Nguyễn. “Mình được đưa trở về thế kỷ XIX. Có cảm giác như đang thực sự đi dạo trong những khu vườn rợp bóng cây của Tử Cấm Thành”, Thảo hào hứng chia sẻ.

Đi cùng chị Thảo, Thu Hiền chọn trải nghiệm trò chơi Đầu Hồ (trò chơi khá phổ biến dưới Triều Nguyễn, được vua và quan lại yêu thích) bằng công nghệ VR tiên tiến. “Một sản phẩm dịch vụ công nghệ rất thú vị, như trò chơi thật trong thực tế”, Hiền nói sau khi đeo Headset VR và chơi trò VR Đầu Hồ cùng 7 du khách khác.

Giám đốc Công ty CP IV COM bà Park Eunjung cho biết, IV COM phát triển VR Đầu Hồ với “mong muốn mang lại cho du khách trải nghiệm mới, sống động về trò chơi truyền thống của Việt Nam bằng nội dung thực tế ảo VR. Qua đó, góp phần quảng bá rộng rãi di sản văn hóa Huế”.

Tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, 10 cổ vật Triều Nguyễn được gắn chip NFC và được định danh bằng công nghệ Nomion – Định danh số vạn vật, đảm bảo tính minh bạch, độc bản của sản phẩm cả trên không gian thực và số. Theo đó, những cổ vật đã được định danh số sẽ đồng thời được trưng bày trên không gian số.

“Chỉ cần truy cập vào địa chỉ https://museehue.vn, bạn sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng trọn vẹn 360 độ sắc nét của vật phẩm, tương tác đa chiều và trải nghiệm câu chuyện lịch sử hấp dẫn trong không gian lịch sử, văn hóa chân thực”, Phó Giám đốc Bảo tàng CVCĐ Huế Trương Quý Mẫn chia sẻ.

Mới đây, Di tích Hải Vân Quan cũng được số hóa bản đồ du lịch 3D, mang đến hành trình khám phá mới lạ, kết hợp giữa lịch sử và công nghệ hiện đại tại thắng cảnh được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” này.

Du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để chạm vào bảng check-in gắn chip NFC tại các điểm tham quan, từ đó truy cập ngay thông tin về từng khu vực, sự kiện lịch sử và giá trị văn hóa của mỗi điểm tại Hải Vân Quan. Đây không chỉ là việc cung cấp thông tin mà còn là cách để người tham quan thực sự hòa mình vào dòng chảy lịch sử, cảm nhận rõ nét từng khoảnh khắc mà nơi đây đã trải qua và ghi dấu.

Bản đồ du lịch số 3D còn mở ra khả năng khám phá từ xa, cho phép người dùng tương tác với 9 điểm di tích quan trọng của Hải Vân Quan ở bất cứ đâu trên thế giới. Công nghệ số đã đưa di sản Huế vượt qua giới hạn về không gian và thời gian, đưa trải nghiệm di sản lên tầm cao mới.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản đã không dừng lại ở việc đơn giản là đưa dữ liệu lên internet, mà làm sao để di sản được tiếp cận dưới nhiều hình thức khác nhau trên môi trường số, từ đó tạo ra giá trị gia tăng từ di sản và cho di sản.

“Du khách trải nghiệm, khám phá di tích/hiện vật theo cách này không chỉ được ngắm nhìn một cách chân thực, mà còn được “sống” trong di sản thông qua những tương tác thực tế, thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa từ quá khứ đến hiện đại”, ông Trung bày tỏ.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày