Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.132.895
Truy cập hiện tại 5.644 khách
Nhận diện và phòng tránh tin giả trên không gian mạng
Ngày cập nhật 14/09/2024

TTH - Trước những thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu của trận siêu bão này gây ra, mỗi ngày, trên mạng xã hội (MXH) có hàng trăm ngàn thông tin liên quan. Trong đó, có không ít những thông tin sai sự thật, gây tâm lý hoang mang trong dư luận và gây khó khăn trong công tác phòng, chống thiên tai của các cơ quan chức năng.

Nhận diện để phòng, chống

Nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng trong đăng tải tin giả, nguy hiểm nhất là việc sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng và làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới. Nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề “giật gân”, “câu khách” về vấn đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực.

Trong thời điểm hiện nay, toàn hệ thống chính trị cùng quân dân miền Bắc đang gồng mình ứng phó với trận bão, lũ lịch sử, huy động tối đa các nguồn lực để phòng, chống và giúp đỡ Nhân dân khắc phục hậu quả của thiên tai. Trong khi cấp ủy, chính quyền, các địa phương và đồng bào cả nước đang hướng về miền Bắc, tích cực ủng hộ, giúp đỡ người dân ở những vùng gặp nạn theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQVN, thì trên MXH lại có những hình ảnh, bài viết thông tin giả về việc vỡ đập, vỡ đê, ngập lụt, sạt lở... dẫn đến người dân hoang mang, lo lắng.

Hiện nay, bạn có nhiều kênh để tiếp nhận thông tin, từ truyền hình, radio, các trang báo điện tử, trang thông tin điện tử, cổng thông tin của các cơ quan nhà nước… Nguồn tin còn đến từ MXH, các hội nhóm hay bạn bè, những người xung quanh bạn. Tuy nhiên, trong hàng trăm, hàng ngàn tin tiếp nhận mỗi ngày, có tin chính xác, có tin không chính xác.

Để nhận được những thông tin chính xác, chúng ta nên theo dõi tin tức trên truyền hình hoặc những trang báo uy tín. Các báo điện tử, website của báo chính thống thường có tên miền .vn và có thông tin đầy đủ của cơ quan báo chí tại chân trang. Tin tức được truyền tải trên những kênh này đã qua nhiều vòng kiểm soát.

Với mỗi thông tin đăng tải trên báo chí hay MXH, chúng ta vẫn cần kiểm chứng xem thông tin chính xác không bằng cách đọc và tìm hiểu nguồn tin đó có được cung cấp bởi người có thẩm quyền, đúng chức năng, được phép phát ngôn cung cấp thông tin hay không.

Tin giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả và ngữ pháp, không thống nhất. Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất. Ngoài ra, cần đọc kỹ nội dung xem thông tin đó là tin tức thật, hay trò đùa của người đăng.

Tin giả không chỉ là những dòng chữ viết, mà đôi khi, còn là các hình ảnh. Người dùng MXH luôn nghĩ, hình ảnh là minh chứng rõ ràng nhất, và tin ngay những thông tin trong hình ảnh đó. Nhưng thực sự, những hình ảnh có thể bị làm giả, bị cắt ghép, chỉnh sửa theo từng dụng ý khác nhau của người đăng tải thông tin. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh trên mạng hoặc được chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm tra xem ảnh có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google for image”.

Bản thân người dùng MXH nhận thấy nguồn tin đó không đáng tin cậy, khó kiểm chứng thì có thể hỏi ý kiến những chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong việc xác thực tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Hoặc có thể gửi thông tin mà bản thân cảm thấy nghi ngờ vào các trang website, MXH của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan Công an. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, người dùng có thể gửi thông tin ứng dụng Hue-S (dịch vụ đô thị thông minh) để được hướng dẫn, hỗ trợ hoặc tố giác về tin giả.

Về mốc thời gian sử dụng trong bài viết, tin giả được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải.

Cân nhắc kỹ trước khi “hành động”

Trước mỗi thông tin hay hình ảnh bất kỳ, chúng ta nên tỉnh táo, suy nghĩ một chút trước thông tin đó, xem những tin tức, hình ảnh đó mang lại giá trị gì với mình và người thân, bạn bè, có làm cho mọi người theo dõi mình trên MXH thêm hoang mang, lo lắng hay không. Nếu những tin tức đó mang đến suy nghĩ tiêu cực cho bạn, hãy mạnh dạn bấm ẩn những hàng tin đó.

Trước khi nhấn nút like, chia sẻ hay bình luận trên MXH, chúng ta nên cân nhắc xem những thông tin đó có hữu ích cho bạn bè, cho cộng đồng hay không. Chúng ta phải luôn giữ quan điểm chỉ là tham khảo khi sử dụng thông tin trên không gian mạng, nhất là thông tin được chia sẻ bởi MXH, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực. Chúng ta chỉ nên chia sẻ những thông tin tích cực, chính thống để bạn bè, người thân chúng ta được tiếp cận, được đọc, được xem những thông tin hữu ích, không nên chia sẻ những thông tin tiêu cực, thông tin mang ý nghĩa chỉ trích, phê phán khiến cho người xem cũng bị tác động xấu đến tâm lý.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày