Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.147.784
Truy cập hiện tại 155 khách
“Rộng cửa” cho tín dụng xanh
Ngày cập nhật 16/07/2024

TTH - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Quốc Sơn chia sẻ, Thừa Thiên Huế tiếp cận tăng trưởng xanh theo hướng đẩy mạnh các mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống, vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường.

Chuyển hướng tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh được hiểu đơn giản là quá trình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tại Thừa Thiên Huế, định hướng tăng trưởng xanh được tập trung vào các xu hướng như sử dụng năng lượng tự nhiên, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; đổi mới công nghệ, đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ xanh.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Quốc Sơn chia sẻ, Thừa Thiên Huế tiếp cận tăng trưởng xanh theo hướng đẩy mạnh các mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống, vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường. Theo đó, Thừa Thiên Huế ưu tiên thu hút các dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển lĩnh vực công nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch xanh. Đồng thời, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Huế đồng bộ theo hướng thành phố vườn, đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường.

Các doanh nghiệp cũng dần có định hướng rõ ràng trong tăng trưởng xanh. Có thể lấy ngành dệt may làm ví dụ.

Trước các yêu cầu khắt khe của các thị trường Mỹ, EU về tiêu chuẩn xanh và nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường, việc “xanh hóa” dệt may trở thành mục tiêu sống còn của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu đổi mới công nghệ, giám sát chặt chẽ quy trình, đảm bảo tiêu chí môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Cũng từ đây, việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không chỉ còn là nghĩa vụ, mà là động lực tìm kiếm lợi nhuận bền vững cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Tố Trang – Tổng Giám đốc Vinatex Phú Hưng cho hay, những năm gần đây, các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng dệt may khá khắt khe. Để đáp ứng được các điều kiện mà các đối tác đề ra, doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều cho công nghệ sản xuất theo hướng xanh hóa. Trong đó, doanh nghiệp đang dần sử dụng nguồn nguyên liệu sợi từ xơ tái chế; sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Trong 2 năm 2022-2023, công ty có 2 nhà máy sử dụng năng lượng mặt trời vừa tiết kiệm năng lượng, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo bà Trang, điều khó khăn nhất trong “xanh hóa” hoạt động dệt may là chi phí đầu tư lớn. Doanh nghiệp phải đầu tư mới hệ thống dây chuyền máy móc, chuẩn hóa các quy trình để đảm bảo các tiêu chí về môi trường… Vì thế, sự đồng hành của các ngân hàng trong giai đoạn này rất quan trọng.

Không riêng dệt may, nhiều ngành nghề khác cũng đã có những đầu tư nhất định trong việc xây dựng mô hình, sáng kiến xanh. Tuy nhiên, để có sản phẩm xanh, doanh nghiệp phải đầu tư chi phí lớn trong thời gian dài. Từ đây câu chuyện đầu tư, tài trợ cho các dự án và doanh nghiệp bền vững được các ngân hàng đặt lên bàn cân.

Đầu tư cho tín dụng xanh

Nhiều ngân hàng đã xây dựng bộ chính sách đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng; mục tiêu và lộ trình phát triển tín dụng xanh. Trong đó, Agribank triển khai nhiều chương trình tín dụng dành riêng cho đầu tư phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh hóa, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp, xuất khẩu… Ngân hàng này cũng cam kết triển khai tiêu chí môi trường trong toàn bộ hoạt động của mình, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Tại hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tổ chức gần đây, ông Lê Quang Mạnh, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Phú Xuân đã thông tin, BIDV đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất, kinh doanh lĩnh vực xanh (đáp ứng các tiêu chí chứng nhận VietGAP, Viet GaHP, Global Gap, OCOP…), với lãi suất cho vay từ 4,1%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và từ 6,2% năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Với các doanh nghiệp dệt may trong quá trình chuyển dịch xanh, BIDV đã triển khai gói tín dụng xanh 4.200 tỷ đồng (gồm 3.000 tỷ đồng và 50 triệu USD) với lãi suất tối thiểu 3,5% đối với VNĐ và 3,5% đối với USD.

Dù chưa có những thống kê đầy đủ về tăng trưởng trong tín dụng xanh, song trên địa bàn các lĩnh vực ưu tiên, như: Xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ luôn được các ngân hàng đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, dù tăng trưởng tín dụng chung trên toàn địa bàn rất thấp chỉ khoảng 1,85%, nhưng các lĩnh vực ưu tiên vẫn tăng trưởng mạnh. Trong đó, tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn đạt 16.300 tỷ đồng, tăng 10,47%; tín dụng đối với xuất khẩu đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 7,08%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 23,05% so với đầu năm.

Tín dụng xanh đang có nhiều cơ hội để phát triển khi không chỉ doanh nghiệp tập trung đầu tư để đạt theo các tiêu chuẩn xanh, mà ngay tại địa phương, tăng trưởng xanh đang ngày càng được hoạch định rõ ràng. Vấn đề là làm sao để doanh nghiệp biết đến các chương trình tín dụng cũng như những ưu đãi khi tiếp cận với các chương trình tín dụng xanh.

Bởi, theo bà Trần Thị Huyền, chủ doanh nghiệp tư nhân Nhựa Thế Phương, doanh nghiệp đang đầu tư dự án nhằm góp phần bảo vệ môi trường xanh và rất mong muốn tiếp cận được các chương trình ưu đãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp mới chỉ biết đến chương trình tín dụng xanh mà các ngân hàng đang triển khai khi tham gia hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp. Đây là thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp khi tiếp cận tín dụng.

Có lẽ vì thế mà trong hầu hết các chỉ đạo điều hành của mình, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phạm Bá Nam luôn nhấn mạnh về việc tăng cường các hoạt động kết nối, truyền thông các chương trình tín dụng đến người dân, doanh nghiệp. Thay vì, để doanh nghiệp chủ động tìm hiểu về các chương trình tín dụng thì ngân hàng phải đa dạng các hình thức hỗ trợ tiếp cận khách hàng, thường xuyên tổ chức chương trình kết nối, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng. Qua đó, mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày