Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.156.619
Truy cập hiện tại 2.617 khách
Cần lập hồ sơ công nhận địa điểm sông Hai Nhánh là di tích lịch sử cách mạng
Ngày cập nhật 08/05/2024

TTH - Đọc được bài báo "Sông Hai Nhánh - dấu ấn hào hùng" của nhà báo Phạm Hữu Thu (đăng trên Báo Thừa Thiên Huế số: 9122 và 9123 ra các ngày 25, 26/4/2024), chúng tôi chợt nhớ mấy câu thơ trong trường ca “Mặt đường khát vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Họ đã sống và chết, giản dị và bình tâm. Không ai nhớ mặt đặt tên nhưng họ đã làm nên đất nước”.

Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã đi qua gần nửa thế kỷ, đất nước đã thay da đổi thịt từng ngày, cuộc sống của mọi người đã có nhiều khởi sắc nhưng đâu đó trong khuất nẻo mỗi người, ký ức về cuộc chiến tranh khốc liệt với những đau thương, mất mát còn ám ảnh từng ngày. Cái giá của hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay phải đổi bằng biết bao xương máu của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ta.

Câu chuyện mà nhà báo Phạm Hữu Thu đề cập diễn ra trong thời điểm từ khoảng năm 1960 đến 1970 ở địa phận xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy. Theo tác giả, “trước khi đổ về sông Tả Trạch, khe La Ma chia làm đôi dòng, dân gian lấy đặc điểm này để đặt tên sông là Hai Nhánh. Vì là nơi hẹp và cạn nhất nên trong chiến tranh, ta chọn vùng Hai Nhánh làm điểm vượt sông. Cán bộ, chiến sĩ từ hậu cứ về hoặc từ đồng bằng lên đều vượt qua quãng sông này… Quân đội Mỹ đã chọn cồn nổi ở cuối sông Hai Nhánh để lập căn cứ 229, dùng pháo để bắn phá khu vực xung quanh, tung quân kiểm soát sông Hai Nhánh”.

Thông qua các nhân chứng và tài liệu thu thập, tác giả đã thuật lại những hy sinh vô cùng to lớn của cán bộ, chiến sĩ ta khi phải vượt qua “tọa  độ” chết chóc này. Bài viết có đoạn: “Khi cả đoàn đang vượt sông thì bị máy bay Mỹ ném bom làm 40 chị hy sinh, do bị nước cuốn trôi, không tìm được thi thể”.

Nhiều người không thể kìm nén xúc động khi đọc được những dòng này. Ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chia sẻ trong lá thư gửi lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh: “Là người trong cuộc và trực tiếp chứng kiến, tôi kính đề nghị các đồng chí tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ công nhận địa điểm sông Hai Nhánh là di tích lịch sử cách mạng, qua đó lập đền tri ân những cán bộ, chiến sĩ đã vì nước quên thân nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của cha ông cho thế hệ hôm nay và mai sau. Kính mong các đồng chí lưu tâm”.

Theo thông tin chúng tôi được biết, hiện Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng phối hợp với thị xã Hương Thủy nghiên cứu, khảo sát, điều tra xác nhận thông tin. Tiến hành gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, tổ chức hội thảo khoa học và thu thập hồ sơ chứng cứ từ các nhân chứng sống, những người trong cuộc để báo cáo UBND tỉnh và lãnh đạo tỉnh trong thời gian sớm nhất. Được biết, xung quanh bán kính gần khu vực sông Hai Nhánh hiện có 2 di tích lịch sử cách mạng đã được công nhận, đó là: Di tích Địa điểm chợ kháng chiến và di tích Địa điểm chiến khu Dương Hòa. Hiện nay địa điểm sông Hai Nhánh chưa nằm trong danh mục các điểm có giá trị văn hóa lịch sử được UBND tỉnh phê duyệt. Khi được công nhận thì di tích địa điểm sông Hai Nhánh sẽ nằm trong cụm di tích lịch sử cách mạng tại vùng chiến khu xưa, là địa chỉ đỏ về nguồn của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nhà báo Phạm Hữu Thu thổ lộ: “Những ai trân quý quá khứ hào hùng của dân tộc, nhớ về những người đã hy sinh có thể ghé thuyền dâng một nén hương vì cần biết rằng dưới làn nước xanh thẳm kia là xương cốt của nhiều liệt sĩ mà đến nay thân nhân họ không còn cơ hội kiếm tìm”.

Hy vọng là mong ước đó của những người hôm nay sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày