Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.176.453
Truy cập hiện tại 301 khách
Thừa Thiên Huế - 10 năm xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở
Ngày cập nhật 12/05/2009

                    Thạc sỹ La Đình Mão- Giám đốc Sở Nội vụ

Thực hiện và xây dựng Quy chế dân chủ (QCDC) là cụ thể hóa phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”, đặc biệt là nêu cao vai trò “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong đời sống xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp vì sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, ổn định chính trị và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trên cơ sở nhận thức đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) và các Nghị định của Chính phủ đã đạt được nhiều chuyển biến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội, tạo ra thế và lực mới cho tỉnh; đồng thời, tăng cường đoàn kết, trong nhân dân, nâng cao trách nhiệm trước công việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức                                                    

*Những kết quả nổi bật

Việc xây dựng và thực hiện dân QCDC ở xã, phường, thị trấn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức triển khai học tập, quán triệt, cụ thể hóa sâu rộng. Vì vậy đã nâng cao nhận thức, vai trò của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên các lĩnh vực: những việc thông báo, công khai cho nhân dân được biết; những việc nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; những việc nhân dân bàn, tham gia ý kiến, cấp có thẩm quyền quyết định; những việc nhân dân giám sát và kiểm tra, đã được sơ kết, tổng kết và ngày càng nâng cao chất lượng.

Có thể nói, triển khai QCDC ở xã, phường, thị trấn của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trên ba mặt, đó là được sự đồng tình của nhân dân, phong trào thi đua yêu nước được rộng khắp và góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ. QCDC đi vào cuộc sống đã tạo nên không khí mới trong nhân dân, nâng cao ý thức, thái độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ và ngăn ngừa hiệu quả, xử lý kịp thời những sai phạm của cán bộ và tiêu cực trong xã hội…Trong đó, với chế độ duy trì nền nếp công khai thông tin, nhân dân biết được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kế hoạch của địa phương; qua đó, nhân dân trực tiếp bàn bạc, quyết định và kiểm tra, giám sát trực tiếp việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh và sản xuất, quyết định công việc nội bộ cộng đồng dân cư (xây dựng đời sống văn hóa, quỹ khuyến học, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ hộ gia đình khó khăn, chính sách…), đồng thời tạo cơ sở cho chính quyền các cấp quyết định đúng đắn chủ trương, chính sách trong giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư ở các khu công nghiệp Chân Mây - Lăng Cô, các công trình thủy điện Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền, các bờ sông Hương, An Cựu, khu vực Thượng Thành; mở rộng đường sá, phòng chống tội phạm… đều có sự đồng thuận của nhân dân thông qua việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ. Huyện Quảng Điền trong 2 năm 2005, 2006 đã huy động nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công trị giá gần 5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Lãnh đạo thành phố Huế tăng cường đối thoại với nhân dân, phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, qua đó phát hiện 870 vụ việc, kiến nghị giải quyết 560 vụ, hòa giải tại cơ sở 1.269 vụ, góp phần tạo chuyển biến trong việc thực hiện các chủ trương và hạn chế tiêu cực, khiếu kiện, khiếu nại ở cơ sở. Huyện Nam Đông thực hiện tốt “Dân vận khéo” thông qua mô hình hoạt động cán bộ cốt cán thôn bản đã tạo được tính năng động, hiệu quả công việc của bộ máy thôn, đồng thời thúc đẩy nhanh việc quy hoạch, đền bù - giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các xã Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Nhật…

Đặc biệt về thực hiện Thông tri số 06 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, ngay từ năm 2006 UBND tỉnh đã chỉ đạo phối hợp cùng với UBMTTQVN tỉnh đã tiến hành đồng bộ việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt do HĐND xã bầu đối với chủ tịch HĐND (có 102 trường hợp đạt kết quả tín nhiệm từ 90-100%), chủ tịch UBND (có 95 trường hợp đạt kết quả tín nhiệm từ 90-100%), chức danh trưởng thôn (có 665 trường hợp đạt kết quả tín nhiệm từ 90-100%). Sau khi có Pháp lệnh 34/PL-UBTVQH XI của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội và Nghị quyết Liên tịch số 09/2008 của Chính phủ và UBTWMTTQVN đã tiếp tục chỉ đạo lấy phiếu tín nhiệm các chức danh theo quy định. Kết quả: đạt từ 70-100% số phiếu tín nhiệm được 86%; từ 50-69% được 13%; dưới 50%  số phiếu tín nhiệm chỉ có 1%. Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh quyền giám sát của nhân dân, phát huy một bước quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở, góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Một thực tế cho thấy, những địa phương trong tỉnh thực hiện tốt QCDC thì cán bộ gần dân hơn và ít sai phạm. Nhân dân giám sát hoạt động của cán bộ thông qua công việc hàng ngày ở cơ quan và nơi cư trú. Người dân trực tiếp tham gia góp ý cho cán bộ thông qua họp thôn, họp về QCDC có liên quan đến những việc người dân quyết định trực tiếp, hoặc tham gia để chính quyền quyết định và thông qua kiểm điểm của cán bộ chủ chốt cấp xã hàng năm. Do vậy, cán bộ cơ sở ít vi phạm kỷ luật hơn so với trước khi có QCDC.

Tổ chức tốt xây dựng và thực hiện QCDC cơ sở đã góp phần tích cực xây dựng dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt QCDC cơ sở còn góp phần quan trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của thủ trưởng cơ quan và giám đốc doanh nghiệp. Phong cách và lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, nhất là ở các đơn vị thường tiếp xúc với công dân, tổ chức, đã chuyển biến theo hướng gần dân, trọng dân và có trách nhiệm hơn. Triển khai QCDC đã góp phần tích cực vào công tác cải cách hành chính, xây dựng và giữ gìn cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, hiệu lực trong quản lý công việc, sản xuất - kinh doanh được nâng cao. Việc nâng lương, khen thưởng, tuyển dụng, đào tạo, đề bạt cán bộ và  thu chi tài chính, mua sắm tài sản hàng năm…đều được dân chủ đánh giá, chọn lựa công khai. Nhiều đơn vị như : Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công khai thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ, công khai tuyển dụng công chức, viên chức, tạo thuận lợi trong quan hệ giữa cơ quan công quyền với nhân dân. Mặt khác, nhiều đơn vị khác ở khối hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp đã bước đầu đề cao dân chủ, cởi mở, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động tại các hội nghị triển khai đầu năm và tổng kết cuối năm. Các quy chế, quy định, thỏa ước lao động được ban hành, thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật; vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ngày càng đi vào thực chất, thực quyền.

*Một số kinh nghiệm rút ra

Qua 10 năm thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh Thừa Thiên Huế đã rút ra được một số kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện như sau:

Một là, phải bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ dạo điều hành của các cấp chính quyền, lãnh đạo đơn vị, giám đốc các doanh nghiệp, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể. Trên cơ sở kế hoạch triển khai đã được cấp ủy, HĐND thông qua, UBND các cấp, lãnh đạo các đơn vị, giám đốc các doanh nghiệp cần bám sát mục tiêu và các nhiệm vụ cụ thể đã đề ra; phân công trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên trong Ban chỉ đạo; thực hiện tốt chế độ kiểm tra, đôn đốc, sơ kết và báo cáo định kỳ.

Hai là, mỗi xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp phải xây dựng cho được QCDC ở đơn vị mình, bao gồm các quy chế hoạt động, quy chế phối hợp giữa cấp ủy, chuyên môn, Công đoàn, thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, quản lý tài sản công, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; chính sách nâng lương, tổ chức tham quan, học tập…Những nội dung cụ thể ấy phải được tập thể công nhân viên chức, người lao động, nhân dân tham gia và nguời lãnh đạo phải điều hành cơ quan, đơn vị thông qua quy chế đó và được bổ sung, hoàn thiện quy chế qua sơ kết, tổng kết hàng năm.

Ba là, phải nhận thức sâu sắc việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở là một cuộc vận động lớn, có ý nghĩa góp phần đẩy lùi tình trạng suy thoái phẩm chất đạo đức trong cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu nhân dân trong bộ máy chính quyền các cấp để xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, phải thành lập Ban chỉ đạo để tham mưu và theo dõi thực hiện một cách thường xuyên, phải tổ chức quán triệt ý nghĩa nội dung QCDC trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong nhân dân bằng nhiều hình thức trực tiếp hoặc thông qua hệ thông tin; phải bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên nắm chắc các nội dung của quy chế. Việc tổ chức cho nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức học tập QCDC phải có sự linh hoạt, kết hợp việc phổ biến kỹ thuật về sản xuất với thông báo thực hiện QCDC các chính sách liên quan đến đời sống, phục vụ sản xuất để tạo sự sinh động, hiệu quả hơn; đồng thời, phải coi trọng phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm là, phải gắn việc thực hiện QCDC đi đôi với việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính và giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại - tố cáo của nhân dân.

Sáu là, Ủy ban MTTQVN các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng cùng cấp để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra đối với cấp ủy Đảng ở xã, phường, thị trấn. Hàng năm cần tổ chức kiểm điểm quy chế phối hợp công tác giữa Mặt trận với HĐND và UBND ở mọi cấp nhằm sửa đổi, bổ sung kịp thời những giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc, hạn chế để thực hiện QCDC ngày càng tốt hơn. Tiếp tục củng cố, kiện toàn MTTQ cấp xã đủ mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ban công tác Mặt trận để giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở, đồng thời động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình để góp phần tích cực trong quá trình giám sát thực hiện QCDC ở cơ sở.

Bảy là, gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng đơn vị, cơ quan văn hóa và việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư.

*Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sắp tới

Trước hết, phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Thông báo kết luận số 159-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), các văn bản của Chính phủ về nội dung QCDC,  trên cơ sở đó tiến hành tổng kết 10 năm đánh giá đúng thành tựu và kinh nghiệm, đồng thời tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các QCDC cơ sở trên đối với các đơn vị, địa phương.

Mặt khác, phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị và những nội dung cơ bản của QCDC ở ba loại hình cơ sở, coi việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở là những nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tăng cường công tác giáo dục để mọi người hiểu đúng và thực hiện đúng nội dung của quy chế, gắn với việc phổ biến pháp luật, nâng cao trình độ dân trí. 

Các đoàn thể chính trị-xã hội phải sâu sát nhân dân, tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình, làm “kiểu mẫu” cho quần chúng noi theo; gắn tuyên truyền thực hiện QCDC ở cơ sở với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của quê hương, đất nước, đặc biệt là chủ trương cải cách hành chính, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tư tưởng chủ quan, hình thức, đơn giản hóa vấn đề dân chủ; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải tiến lề lối làm việc; nâng cao tinh thần, thái độ trách nhiệm với dân của cán bộ, công chức, viên chức; khắc phục tình trạng độc đoán, chuyên quyền; từng bước xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh…

Đồng thời cần tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động và hoàn chỉnh quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp, bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn đều có quy chế hoạt động, trên cơ sở đó có sự phân công theo dõi chặt chẽ trong các thành viên Ban chỉ đạo. Đề nghị các cấp ủy các cấp cần phải quan tâm hơn nữa đối với việc thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp Nhà nước, nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, làm cho mọi cán bộ, công chức, viên chức thực sự phát huy dân chủ, tham gia tích cực vào các hoạt động của doanh nghiệp để tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ của doanh nghiệp.

Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp. Bảo đảm tốt việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 09 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do HĐND bầu và phối hợp trong việc củng cố, hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; lựa chọn, bố trí nhân sự Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và cơ quan, doanh nghiệp ngang tầm với nhiệm vụ theo pháp luật quy định.

Quá trình tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng thôn, làng, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị văn hóa. Đồng thời, nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân trong việc đưa cuộc vận động thực hiện QCDC ở cơ sở lên một bước mới, rộng rãi hơn, hiệu quả hơn và thiết thực hơn. MTTQ và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới hoạt động theo hướng rõ ràng công việc và trách nhiệm, hướng mạnh về cơ sở, tổ chức đông viên nhân dân tích cực tham gia và giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở, hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng tư cách phẩm chất người cán bộ, đảng viên và tham gia các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

Các cấp ủy đảng, chính quyền đề cao trách nhiệm trong việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, tự kiểm tra thường xuyên việc thực hiện QCDC ở cơ sở; thực hiện nghiêm túc cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”; thực hiện dân chủ, công khai về tài chính, tài sản, công tác tổ chúc, cán bộ và các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức; thực hiện tốt chế độ lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành các chủ trương, chính sách, các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội quan trọng, có liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân ở cơ sở và trước khi phân loại cán bộ, công chức... HĐND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể các cấp phải nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, đại diện nhân dân trong việc quyết định các chủ trương lớn ở địa phương, đồng thời quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo, định kỳ sơ kết tổng kết việc thực hiện QCDC để phát huy ưu điểm của các tập thể, cá nhân gương mẫu và xác định rõ những tồn tại để khắc phục. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt QCDC ở cơ sở để động viên, đẩy mạnh và tạo tính đồng đều trong việc tổ chức thực hiện QCDC trong các loại hình cơ sở; đưa việc xây dựng, thực hiện QCDC ở cơ sở thành một trong các tiêu chí để bình xét danh hiệu thi đua hàng năm đối với các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân. Đặc biệt, cần phải nhân rộng các mô hình thực hiện tốt QCDC ở cơ sở nhằm thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng và thực hiện QCDC trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và xây dựng vững mạnh hệ thống chính trị của tỉnh Thừa Thiên Huế./.   

 

Th.s La Đình Mão
Các tin khác
Xem tin theo ngày