Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.173.955
Truy cập hiện tại 2.091 khách
Phát huy vai trò sinh viên Trường Cao đẳng Luật miền Trung tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày cập nhật 17/09/2023

Phát huy vai trò sinh viên Trường Cao đẳng Luật miền Trung tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 16 tháng 8 năm 2023, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phối hợp với Trường Cao đẳng Luật miền Trung tổ chức Tọa đàm “khảo sát về thực trạng và giải pháp, phát huy vai trò sinh viên Trường Cao đẳng Luật miền Trung tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số”. Tham dự buổi Tọa đàm có ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; ông Võ Khắc Hoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Trung; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Bình; Sở Tư pháp các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và giảng viên, sinh viên đang theo học, cựu học sinh, sinh viên của Trường.

 

Theo báo cáo của Trường Cao đẳng Luật miền Trung, trong hơn 10 năm kể từ khi thành lập (năm 2012), Trường đã tổ chức đào tạo hơn 1.500 học sinh, sinh viên trình độ trung cấp Luật. Trong đó, có 962 học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp (không tính số lượng đào tạo cho Lưu học sinh, sinh viên Lào). Với nhiệm vụ chính là đào tạo nguồn nhân lực pháp luật có trình độ trung cấp, cao đẳng nhằm nâng cao trình độ dân trí pháp lý cho người dân, đặc biệt là người dân tại những địa bàn có đông đảo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.Theo đó, học sinh, sinh viên của Trường chiếm hơn 97% là con em người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và một số tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, nhiều nhất là Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An chiếm hơn 70% số lượng tuyển sinh, đào tạo. Theo thống kê, khảo sát tình hình việc làm của học sinh, sinh viên tốt nghiệp thì trong tổng số 962 học sinh, sinh viên ra trường, có 469 học sinh, sinh viên tìm được việc làm, đạt 48%. Khảo sát tại Ủy ban nhân dân các xã, nơi có học sinh, sinh viên của Trường công tác thì có khoảng 87 người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận là tuyên truyền viên pháp luật. Ngoài ra, có hàng chục cán bộ, công chức là cựu học sinh, sinh viên của Trường được mời tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở tại thôn, bản, cụm dân cư.

Tham luận tại buổi Tọa đàm với nội dung “Vai trò của Sở Tư pháp trong hướng dẫn việc huy động, quản lý, sử dụng sinh viên đã tốt nghiệp các cơ sở đạo tạo Luật tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi – Thực trạng và giải pháp”, bà Hoàng Thị Lệ Hải, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình cho biết: Để đảm bảo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, Sở đã chú trọng tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện huy động nguồn nhân lực tham gia công tác này, đặc biệt là các sinh viên đã tốt nghiệp các cơ sở đào tạo tại Trường Luật.

Với đối tượng người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trình độ dân trí thấp, phần lớn không hiểu biết pháp luật, sống theo tập tục truyền thống, nên việc tuyên truyền pháp luật cho người dân cần đi sâu đi sát theo kiểu bắt tay chỉ việc. Để làm được điều này cần phát huy vai trò của lực lượng cán bộ chính quyền cơ sở tại địa phương, đặc biệt là đội ngũ công chức Tư pháp - hộ tịch, đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, hòa giải viên ở cơ sở và lực lượng bộ đội biên phòng cắm bản. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động nguồn nhân lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn: đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số, biết tiếng dân tộc còn ít, trình độ chuyên môn luật còn hạn chế, chưa đủ để đảm bảo thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; việc thu hút sinh viên có chuyên ngành luật tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn gặp nhiều khó khăn; chưa có “Chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng dân tộc, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”…

Bên cạnh đó, tại buổi tọa đàm cũng đã nghe thêm các ý kiến, đề xuất các giải pháp để phát huy vai trò sinh viên Trường Cao đẳng Luật miền Trung nói riêng, sinh viên luật của các trường nói chung tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ các đại biểu là đại diện của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị; Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế; các sở, ngành tỉnh Quảng Bình; các giảng viên, các sinh viên đang theo học cũng như các cựu học sinh, sinh viên của trường.

Kết luận buổi Tọa đàm, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá cao những ý kiến, tham luận, thảo luận, trao đổi của các đại biểu rất trách nhiệm, chất lượng và sát thực; đồng tình với việc xây dựng, ban hành Đề án "Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030" để tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ nhân lực này tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt hiệu quả, thực chất trong thời gian tới./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày