Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.174.947
Truy cập hiện tại 20 khách
Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay - Nhìn từ khía cạnh lãnh đạo học
Ngày cập nhật 21/08/2023

Khoa học về lãnh đạo, quản lý được hình thành từ hàng nghìn năm trước đây đã sản sinh ra nhiều tư tưởng, lý thuyết khác nhau, đặc biệt là có sự khác biệt tương đối giữa tư tưởng phương Đông và phương Tây. Mỗi tư tưởng, lý thuyết về lãnh đạo, quản lý đều có những giá trị riêng, là tham khảo nhất định đối với Đảng ta trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tư tưởng phương Đông về lãnh đạo học

Những giá trị cốt lõi của các học thuyết về lãnh đạo trong xã hội phương Đông là dựa trên yếu tố tinh thần, những phương diện thuộc về con người và gắn với cộng đồng. Điểm mạnh của các học thuyết này là khuyến khích sự phát triển đầy đủ các khía cạnh thuộc về con người, bằng cách nuôi dưỡng, chăm lo về tâm hồn, cảm xúc, tinh thần và sự tự do của mỗi cá nhân, tuy nhiên điểm yếu chính là thiếu đi tính kỷ luật, tư duy cụ thể, lạm dụng trực giác và kinh nghiệm chủ quan.

Nghiên cứu về một số lý thuyết lãnh đạo điển hình trong xã hội phương Đông cho thấy rằng, Đức trị, Pháp trị và Vô vi là ba hệ thống tư tưởng, lý luận đã đạt tới trình độ học thuyết, là sản phẩm có giá trị lâu dài, bền vững về khoa học lãnh đạo, quản lý của Trung Quốc thời kỳ cổ đại. Các học thuyết này được sinh ra trong thời loạn lạc, cơ sở hạ tầng của xã hội thấp kém, nhưng lại là thời các nhà cầm quyền trọng nhân tài, cho kẻ sỹ được tự do tư tưởng và ngôn luận, nên các học phái “trăm hoa đua nở”, cạnh tranh với nhau để gây ảnh hưởng tới hoạt động lãnh đạo và quản trị quốc gia.

Thuyết “đức trị” là hệ tư tưởng của Khổng Tử, là học thuyết chính trị có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần không chỉ đối với Trung Quốc, mà còn đối với nhiều nước khác trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Ma-lai-xi-a…; từ đó, hình thành nên không gian “Văn hóa Khổng giáo” của phương Đông. Hạt nhân lý thuyết lãnh đạo, quản lý “đức trị” của Khổng Tử là đạo Nhân. Con người sinh ra đều có bản chất “Người” (đức nhân), nhưng do năng lực, tài năng và hoàn cảnh sống khác nhau nên đã trở thành những nhân cách không giống nhau. Bằng sự học tập, tu dưỡng không ngừng, con người dần dần hoàn thiện bản chất người của mình - trở thành người có “Nhân”. Theo Khổng Tử, người có đạo Nhân (đủ tài đức) được gọi là “người hiền”, mẫu người hiền điển hình là người quân tử. Nhiều đặc điểm của người quân tử được Khổng Tử nói đến, như: Giữ vững tín nghĩa, không cố chấp điều nhỏ nhặt; thân với mọi người mà không kết đảng, hòa hợp với mọi người mà không a dua; lấy nghĩa làm gốc, theo lễ mà làm, nói năng khiêm tốn, nhờ thành tín mà nên việc; hiểu rộng, biết nhiều, làm được nhiều việc, làm việc tác phong nhanh nhẹn...

Nếu Khổng Tử dùng “nhân trị” và “đức trị”, Mặc Tử chủ trương hòa bình, kiêm ái, bình đẳng giữa người với người, thì Hàn Phi Tử kiên trì đề ra “luật pháp” để trị nước, một khái niệm còn mới thời bấy giờ. Trong bốn trường phái tư tưởng lớn của Trung Quốc (Nho, Mặc, Lão, Pháp), học thuyết “pháp trị”(1) của Hàn Phi Tử mang nhiều điểm khác biệt nhất, thể hiện tính thực tế và hiện đại của một nhà cải cách chính trị. Theo học thuyết này, pháp luật là công cụ đắc lực và hiệu nghiệm nhất để duy trì và củng cố quyền lực chính trị (uy thế) của nhà vua - công cụ của đế vương, chỗ dựa vững chắc nhất để bảo đảm an toàn cho sự ngự trị của vua, nên, nhà vua sáng suốt phải đặt pháp luật lên trên đức hạnh và trên cả người hiền (vụ pháp chứ không vụ đức): “Thánh vương không quý nghĩa mà quý pháp luật”(2). Trong học thuyết “pháp trị” của Hàn Phi, “pháp” phải được kết hợp với “thuật” và “thế”. “Pháp” là nội dung của chính sách cai trị được thể hiện bằng luật lệ; “thế” là công cụ, phương tiện tạo nên sức mạnh, còn “thuật” là phương pháp, cách thức để thực hiện nội dung chính sách cai trị. Theo Hàn Phi Tử, phải lấy “pháp” làm gốc để ổn định trật tự xã hội, nhưng chỉ có “pháp” mà thiếu “thế” tức là quyền lực thì dẫu người làm vua cũng không thể bảo đảm cho bề tôi phục tùng sự cai trị của mình.

Cách tiếp cận về quản trị xã hội và đời sống cá nhân của Lão Tử ngược hoàn toàn với quan điểm của Khổng Tử và Hàn Phi Tử. Ông cho rằng, xã hội ngày càng suy đồi, luân lý bị xem thường chính là do các nhà tư tưởng và các nhà cầm quyền can thiệp vào tính tự nhiên của đời sống, đưa ra nhiều giáo lý, chuẩn mực, luật lệ, quy định và duy trì một bộ máy nhà nước, quân đội lớn, tốn kém... Triết lý cơ bản nhất của Lão Tử về lãnh đạo, quản lý là phải thuận và học hỏi tự nhiên, không được làm trái với các quy luật và bản chất của thế giới tự nhiên có trước loài người. Lão Tử phê phán xã hội đương thời, vì đánh mất tính tự nhiên vốn có, tức là không theo Đạo. Ông cho rằng, giải pháp để xã hội phát triển không phải là cải tạo hiện trạng xã hội theo các mục tiêu, chuẩn mực của Nho gia hay Pháp gia, mà là ngược lại, cần đưa con người về những tình cảm hồn nhiên, bẩm sinh, trong sạch, không suy tính. Tuy nhiên, “vô vi” không có nghĩa là nhà lãnh đạo, quản lý không làm gì, mà chính là thuận theo Đạo để đạt được hiệu quả tối đa, làm ít nhưng được nhiều. “Vô vi nhi trị” mà Lão Tử hướng đến tức là phải thông qua “vô vi” để đạt tới mục đích của “trị”. Lão Tử cho rằng, người lãnh đạo cần biết rằng, trách nhiệm của mình chẳng qua chỉ là “phụ trợ vạn vật tự nhiên”, cần tránh xuất phát từ cái riêng của mình để quản lý một cách bừa bãi, chỉ có làm được như vậy mới có thể khiến hiệu suất quản lý đạt tới mức lớn nhất. Người lãnh đạo, quản lý không nên cố áp đặt ý chí của mình cho người khác, lấy tiêu chuẩn của mình làm tiêu chuẩn phán đoán sự vật. “Vô vi nhi trị” về bản chất chính là loại bỏ sức ép cao từ bên trên, tạo ra sức mạnh từ dưới lên. Thuật lãnh đạo này đòi hỏi người lãnh đạo cần thực hiện việc trao quyền đầy đủ, khiến cho cấp dưới có cơ hội và điều kiện phát huy đầy đủ tài năng, đồng thời bảo vệ và khuyến khích nhân tài một cách thỏa đáng.

Tư tưởng phương Tây về lãnh đạo học

Quá trình hình thành và phát triển các lý thuyết lãnh đạo ở phương Tây có thể chia thành ba giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của các lý thuyết này, tương ứng với ba nhóm lớn là: Lý thuyết tiền khoa học về lãnh đạo (lý thuyết về “Người lãnh đạo vĩ đại”); các lý thuyết cổ điển về lãnh đạo; các lý thuyết hiện đại về lãnh đạo.

Lý thuyết “Người lãnh đạo vĩ đại” được xem là lý thuyết sớm nhất trong các lý thuyết về lãnh đạo, quản lý. Những người đầu tiên đặt nền móng cho lý thuyết này có thể kể đến là N. Machiavelli, B. Bass, E. Borgatt, F. A. Woods, T. Carlyle, S. Klubek, F. Nietzsche, A. Wiggum(3). Lý thuyết này cho rằng, khả năng lãnh đạo có được là do bẩm sinh chứ không phải do rèn luyện mà có. Người lãnh đạo là người khi sinh ra đã được trời phú cho các tố chất lãnh đạo; đó là các tố chất khiến người lãnh đạo luôn có sự lôi cuốn người khác, có khả năng cống hiến và sự sáng suốt nổi bật lên và dù thế nào đi nữa, người đó sẽ gánh vác trách nhiệm lãnh đạo. Theo lý thuyết này, người lãnh đạo là các “vĩ nhân”, các “nhân vật xuất chúng” với những đặc tính bẩm sinh nổi trội hơn hẳn các cá nhân khác trong xã hội đương thời.

Thuyết “Chủ nghĩa Darwin về xã hội” (năm 1864)(4) của nhà tâm lí học và nhân chủng học người Anh Francis Galton được xem là một trong những nghiên cứu cuối cùng về “Người lãnh đạo vĩ đại”. Thuyết này nghiên cứu yếu tố di truyền (cha truyền con nối) của những người nổi tiếng. Chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ Học thuyết tiến hoá của Charles Darwin, trong những nghiên cứu của mình, Galton cho rằng, tầng lớp thượng lưu trong xã hội đã được thừa hưởng địa vị kinh tế, vị thế xã hội của cha, ông mình.

Điều đáng chú ý ở đây là, những người lãnh đạo xã hội phương Tây thời bấy giờ đều xuất thân từ tầng lớp thượng lưu. Do vậy, lý thuyết của Galton cho rằng, năng lực tổ chức của người lãnh đạo mang tính di truyền - di truyền xã hội. Nói cách khác, khả năng tổ chức của người lãnh đạo chịu ảnh hưởng lớn từ thế hệ cha ông, cùng với sự thừa hưởng các địa vị về kinh tế, xã hội của thế hệ trước trong dòng tộc.

Nhìn chung, các lý thuyết tiền khoa học về lãnh đạo tập trung mọi sự chú ý vào cá nhân của người lãnh đạo, mà không quan tâm đến hoàn cảnh bên ngoài. Đây chính là điểm bị nhiều người phê phán nhất; bởi vì, trên thực tế muốn lãnh đạo thành công, người lãnh đạo cần phải nắm vững hoàn cảnh môi trường bên ngoài, hiểu rõ đối tượng lãnh đạo và điều kiện thực hiện quá trình lãnh đạo của mình.

Các lý thuyết cổ điển về lãnh đạo bao gồm các công trình được nghiên cứu và công bố từ thập niên 30 đến đầu thập niên 80 của thế kỷ XX. Nhóm lý thuyết này nghiên cứu đặc điểm, tính chất của lãnh đạo thông qua ba yếu tố cơ bản sau: Tố chất của nhà lãnh đạo; yếu tố hành vi; yếu tố tình huống.

Nhóm các học thuyết về tố chất của nhà lãnh đạo được nghiên cứu chủ yếu trong những năm 1930-1940. Các học thuyết của nhóm này dựa trên cơ sở các nhà lãnh đạo vốn được sinh ra theo bản năng, năng lực sẵn có, chứ không phải do luyện tập hay cố gắng mà đạt được. Do đó, các nhà lãnh đạo phải là những người có tố chất siêu phàm, phải có những giá trị vượt trội so với đông đảo những người còn lại, và chính những tố chất này giúp họ trở nên xuất chúng và trở thành những người đứng đầu một quốc gia, một bộ tộc, một tôn giáo hay một tổ chức nào đó.

Lý thuyết về lãnh đạo dựa trên yếu tố hành vi được các nhà nghiên cứu quan tâm từ cuối những năm 40 đến giữa thập niên 60 của thế kỷ 20. Các nhà khoa học nghiên cứu hành vi ứng xử của những người lãnh đạo với hy vọng tìm ra những đặc trưng cơ bản trong phong cách của họ. Có thể coi lý thuyết lãnh đạo dựa trên cơ sở hành vi là một bước phát triển của lý thuyết lãnh đạo dựa trên cơ sở tố chất, lấy lý thuyết này làm nền tảng. Có hai vấn đề quan trọng trong hành vi của nhà lãnh đạo: sự quan tâm tới công việc và con người trong tổ chức, đây cũng chính là hai nhân tố quyết định tới hiệu quả lãnh đạo.

Quan điểm của các lý thuyết lãnh đạo theo tình huống dựa trên ý kiến cho rằng phong cách lãnh đạo phù hợp nhất sẽ phụ thuộc vào tình huống. Hầu hết các thuyết lãnh đạo theo tình huống đều giả định rằng người lãnh đạo hiệu quả phải vừa sáng suốt và vừa linh động. Các nhà nghiên cứu tập trung vào các yếu tố tình huống, như đặc điểm của công việc, đặc điểm của thuộc cấp và các yếu tố thuộc về môi trường bên ngoài. Các lý thuyết về lãnh đạo theo tình huống nhấn mạnh không có phong cách lãnh đạo nào là tốt nhất. Nhà lãnh đạo theo tình huống là người biết thích nghi với môi trường làm việc hiện tại mà không dựa trên một kỹ năng cụ thể nào. Thay vào đó, họ sẽ tìm cách chuyển từ phong cách lãnh đạo này sang phong cách lãnh đạo khác để đáp ứng nhu cầu thay đổi của một tổ chức và nhân viên của mình. 

Một số lý thuyết hiện đại về lãnh đạo. Sự cần thiết phải phát triển các phương pháp tiếp cận mới để nghiên cứu về lãnh đạo xuất phát từ thực tế là các phương pháp tiếp cận truyền thống chỉ nhấn mạnh một mặt vào đặc điểm nổi bật, hành vi của nhà lãnh đạo, hoặc vào tình huống mà người lãnh đạo phải lựa chọn phong cách phù hợp. Do đó, các lý thuyết về lãnh đạo mới xuất hiện trong những thập niên gần đây có xu hướng kết hợp được cả ba yếu tố này. Một số lý thuyết hiện đại nổi bật nhất về lãnh, điển hình như thuyết “lãnh đạo phục vụ” của Christopher F. Achua, Robert N. Lussier(5). Học thuyết lãnh đạo phục vụ hay quản lý theo đuổi việc xây dựng mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, trong đó lãnh đạo điều hành nhưng không có sự chi phối và kiểm soát nhân viên. Những người lãnh đạo quan tâm tới nhân viên và hỗ trợ nhân viên phát triển sẽ đạt được những mục tiêu cá nhân cũng như mục tiêu của tổ chức. Trong lý thuyết “lãnh đạo kết nối”, J. L. Brumen cho rằng, người lãnh đạo phải có khả năng thiết lập mối liên hệ giữa động cơ và mục tiêu của chính mình, cũng như mục tiêu và động cơ của những thành viên khác trong tổ chức.

Các lý thuyết về lãnh đạo trong xã hội phương Đông và phương Tây giống nhau ở chỗ: Các học thuyết này đều xoay quanh việc điều chỉnh hành vi của con người, lấy con người là trọng tâm của mọi lý thuyết. Mỗi một lý thuyết đều cố gắng phân tích để nhìn rõ bản chất con người để đưa ra những phương pháp điều chỉnh phù hợp. Sự khác biệt giữa lý thuyết quản trị phương Đông và phương Tây thể hiện ở việc người phương Tây lấy hiệu quả công việc làm mục tiêu, còn phương Đông thì đề cao “Đức” và “Tâm” của người lãnh đạo hơn.

Qua sự phân tích các lý thuyết về lãnh đạo của xã hội phương Đông và phương Tây giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tri thức quản trị nhân sự. Mỗi lý thuyết đều có chỗ hay, chỗ còn thiếu sót, tuy nhiên do lãnh đạo còn là một nghệ thuật, không thể cứng nhắc nên việc kết hợp các học thuyết trên là hoàn toàn có thể và hiệu quả đến đâu là còn tùy thuộc vào mỗi nhà lãnh đạo. Việc tìm hiểu các phong cách lãnh đạo cũng cho nhà quản lý biết cách chọn cho mình quan điểm lãnh đạo phù hợp với khu vực, đối tượng và lĩnh vực quản trị.

Vận dụng tư tưởng phương Đông và phương Tây về lãnh đạo học vào xây dựng đội ngũ lãnh đạo ở nước ta hiện nay

Thứ nhất, kế thừa, phát huy các chuẩn mực đạo đức của người lãnh đạo trong tư tưởng phương Đông nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo có phẩm chất đạo đức, có tâm trong sáng, luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.

Những yêu cầu cơ bản đối với người lãnh đạo của thuyết “Đức trị” là tham khảo có giá trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Trước hết, người cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất, tư cách theo hình mẫu người quân tử, đó là: Giữ vững tín nghĩa, không cố chấp điều nhỏ nhặt; thân với mọi người mà không kết đảng, hòa hợp với mọi người mà không a dua; Lấy nghĩa làm gốc, theo lễ mà làm, nói năng khiêm tốn, nhờ thành tín mà nên việc; Hiểu rộng, biết nhiều, làm được nhiều việc, làm việc tác phong nhanh nhẹn...

Người cán bộ lãnh đạo khi có đạo đức thì ắt sẽ thực hành được “trung dung”. Hiểu “trung dung” giúp người lãnh đạo tùy hoàn cảnh, thời thế mà đưa ra quyết định chính đáng. Thực hành đạo “trung dung” nghĩa là người cán bộ lãnh đạo khi đưa ra mọi quyết định đều phải đúng mực, không thái quá; trong triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết, nhiều văn bản quá sẽ gây ra cồng kềnh, kém hiệu quả, ít văn bản quá sẽ không đủ để kiểm soát chặt chẽ. Hiểu và thực hành được đạo “trung dung” mới là người cán bộ lãnh đạo lý tưởng ngày nay, bởi khi có quyền lực, địa vị, người cán bộ lãnh đạo thường có xu hướng ham quyền lực và coi thường đạo lý, thoả mãn với mình mà bỏ chuyện học hỏi, tự tu. Người cán bộ lãnh đạo đánh mất tâm thăng bằng chính là cái căn nguyên dẫn đến suy thoái, biến chất, trở thành “sâu mọt của dân”.

Thứ hai, nêu cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Hạt nhân thuyết “Đức trị” của Nho gia là giáo hóa, việc giáo hóa chủ yếu là bằng việc làm của người đứng đầu. Những quan điểm “Thân đoan chính, không lệnh mà làm; thân bất chính, tuy lệnh không theo”, “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Nho giáo là nền tảng để xây dựng một xã hội có kỷ cương, thái bình, thịnh trị. Nho giáo rất đề cao tính tự giác của người đứng đầu trong việc giữ lấy danh phận của mình, bởi vì nếu mỗi người tự chính được bản thân mình thì không cần hạ lệnh mọi việc sẽ được tiến hành, nếu ngược lại dù có hạ lệnh cũng chẳng ai theo. Khổng Tử nói, bậc minh quân muốn trị nước, trước tiên ắt phải sửa mình cho nghiêm, vì nếu việc chính sự là ngay thẳng, cứ làm gương về sự ngay thẳng thì không ai không dám ngay thẳng nữa. 

Thực hành “chính kỷ” tức tự sửa mình, quản trị bản thân là một nội dung quan trọng trong thực hành đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Quản trị bản thân chưa tốt là nguyên nhân chủ quan cơ bản nhất dẫn tới cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, tuỳ tiện, vô nguyên tắc... Người cán bộ lãnh đạo tốt, trước hết phải quản lý bản thân tốt. Bản thân lãnh đạo là người cương trực, liêm khiết thì nhân viên cấp dưới ắt không dám làm điều ngang tàng, vô đạo; ngược lại, thân là người lãnh đạo mà bất chính, bất liêm thì cấp dưới ắt sẽ lộng quyền, bè phái. Do đó, người lãnh đạo phải thực hành “chính kỷ” (sửa mình) cho ngay trong mọi mối quan hệ với mình, với người và với việc, tức đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đứng trước nhiều thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen đang đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng là mỗi cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, phải thường xuyên, liên tục thực hành trách nhiệm nêu gương.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tư duy đổi mới sáng tạo, tầm nhìn đột phá, chiến lược.

Mục tiêu tổng quát của công tác quản lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng ta đến năm 2030 là củng cố, phát triển một hệ thống cán bộ có năng lực và hiệu quả làm việc cao; có nhân cách chuẩn mực, làm chủ công việc lãnh đạo, quản lý đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế... Muốn đạt được mục tiêu này trước hết cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là lãnh đạo chủ chốt, có tư duy đổi mới sáng tạo, tầm nhìn chiến lược, đưa ra các quyết sách đột phá nhằm khơi thông các điểm nghẽn, tháo gỡ những khó khăn,…

Công tác cán bộ coi trọng nhân tài thực sự thì sẽ xây dựng được cơ chế sao cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp ngày càng năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không còn tâm lý sợ làm sai, sợ mắc lỗi dẫn đến bị kỷ luật khiển trách để rồi không dám đưa ra các ý tưởng sáng tạo, đổi mới, đột phá tạo ra giá trị. Chỉ như vậy mới có thể loại bỏ được kiểu cán bộ “tròn vo”, giỏi luồn lách, né tránh những việc khó, có suy nghĩ “làm ít sẽ sai ít”, nhưng lại muốn có con đường thăng tiến, hanh thông.

Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tiệm cận yêu cầu của các nước phát triển.

Chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, đảng viên làm việc trong các cơ quan đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay cần xây dựng theo xu hướng tiệm cận với yêu cầu của các nước phát triển trên thế giới. Đó là phát triển năng lực lãnh đạo cần chú ý cả 4 cấp độ: bản thân, nhóm, tổ chức và quốc gia (vĩ mô). Thiết kế các khung chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cần dựa trên cả 3 phương diện, khía cạnh: 1- Quản trị bản thân/quản trị cuộc đời; 2- Năng lực lãnh đạo, quản lý; 3- Kỹ năng hoạt động chuyên môn, chuyên ngành, công nghệ.

Công tác cán bộ của Đảng, nhất là trong công tác đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cần bám sát các tiêu chuẩn, tiêu chí về người lãnh đạo văn minh, như hiệu quả, liêm chính, công bằng, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình...

Tư duy định lượng chính là đặc trưng nổi bật nhất trong khoa học lãnh đạo phương Tây. Điều này đồng nghĩa việc đánh giá năng lực người lãnh đạo, quản lý thông qua các chỉ số hiệu suất công việc hết sức rõ ràng, cả trong khu vực công và tư. Các khung năng lực lãnh đạo từ lâu đã được các nước trên thế giới áp dụng rộng rãi như một phương tiện mang lại hiệu quả quản trị trong thời đại gia tăng khả năng cạnh tranh và khan hiếm nguồn lực. Đặc biệt trong khu vực công, việc xây dựng các khung năng lực lãnh đạo đã được nhiều quốc gia quan tâm và vận dụng. Điển hình như mô hình của Ô-xtrây-li-a sử dụng 5 nhóm năng lực cốt lõi và có 22 năng lực chung; mô hình của Hoa Kỳ xác định 5 năng lực cốt lõi và 28 năng lực chung, 6 trong số đó được coi là cơ bản (kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân, giao tiếp thông qua lời nói, tính liêm chính/trung thực, giao tiếp bằng văn bản, học tập và động lực phục vụ công)(6).

Tiêu chuẩn hóa cán bộ cần được xem là một cách tiếp cận chính thống trong công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay. Đây là cơ sở để xây dựng một hệ thống các tiêu chuẩn chung cho một bộ phận cán bộ, tiêu chuẩn riêng cho mỗi chức danh theo vị trí việc làm khác nhau, để từ đó thực hiện các công việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, đánh giá, đãi ngộ, luân chuyển, quản lý cán bộ một cách bài bản.

Trên cơ sở các khung năng lực cho lãnh đạo, các tiêu chuẩn về chức danh lãnh đạo trong hệ thống khu vực công, các chương trình bồi dưỡng cho đối tượng công chức lãnh đạo, quản lý ở nước ta cần tập trung vào mục tiêu nâng cao các năng lực như: năng lực lãnh đạo; năng lực tư duy chiến lược và quy hoạch; năng lực hoàn thành nhiệm vụ; năng lực quản lý nhân sự; năng lực giao tiếp; năng lực quản lý tài chính và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; năng lực công tác cá nhân, tư duy sáng tạo; năng lực phán đoán.

---------------------------------------------

(1) “Pháp trị” ở đây được tạm hiểu là tư tưởng chính trị chủ trương căn cứ vào pháp luật để quản lý đất nước. Tại Trung Quốc, pháp trị là tư tưởng đặc trưng cơ bản của phái Pháp gia thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Tư tưởng pháp trị này đối lập (hoặc có thể coi là phản thuyết) với tư tưởng chính trị “lễ trị”, “đức trị” hay “nhân trị” của phái Nho gia.

(2) Xem: Nguyễn Ngọc Huy: Đề tài người ưu tú trong tư tưởng chính trị Trung Quốc cổ thời, Nxb. Cấp tiến, Hà Nội, 1967, tr.219.

(3) Krylova T.A.: “Phát triển các lý thuyết lãnh đạo trong khoa học kinh tế về quản lý”, Tạp chí Kinh tế, Mát-xcơ-va, 2015, số 1, tr.53.

(4) Xem: Vergiles E. V.: Lý thuyết lãnh đạo, Nxb. Đại học Tổng hợp quốc gia Mát-xcơ-va, Mát-xcơ-va, 2001, tr.42.

(5) Christopher F. Achua & Robert N. Lussier: Effective leadership, South Western, 2013.

(6) Xem: Tim A. Mau, John Antony Xavier, and Magdalena Mendoza: Public-sector Leadership for Innovation and Productivity, Published in Japan by Asian Productivity Organization, 2018 (ISBN: 978-92-833-2475-1).

Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng
Các tin khác
Xem tin theo ngày