Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.176.600
Truy cập hiện tại 321 khách
Thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì mục tiêu phát triển bền vững ở nước ta hiện nay
Ngày cập nhật 10/07/2023

Bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là một trong những nội dung quan trọng để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Bình đẳng giới được hiểu là việc đối xử ngang nhau giữa nam và nữ trên mọi phương diện của đời sống xã hội. Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006 ghi rõ: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Bình đẳng giới được coi là một trong những tiêu chí quan trọng trong phát triển bền vững. Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030 của Liên hợp quốc (tháng 9-2015) đã đưa ra tiêu chí của sự phát triển bền vững là đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10-5-2017, của Thủ tưởng Chính phủ, “Về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” đã đề ra các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam, trong đó có mục tiêu “Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái”. Mục tiêu bình đẳng giới vì sự phát triển bền vững của cả nước chỉ có thể đạt được khi từng khu vực, từng địa phương đạt được, trong đó, bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng.

1. Luôn quan tâm đến thực hiện bình đẳng giới, Đảng và Nhà nước thường xuyên chỉ đạo tổ chức triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến việc thực hiện bình đẳng giới, như Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Đất đai; Bộ luật Lao động; Luật Giáo dục; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững…

Cùng với những chủ trương, chính sách thúc đẩy bình đẳng giới nói chung, Việt Nam cũng đã quan tâm ngày càng nhiều đến việc thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”; Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 10/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015”; Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới”; Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”,… đã tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Kết quả phát triển bền vững từng bước được cải thiện, với những thành tựu đáng ghi nhận. Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật về Chỉ số Cam kết giảm bất bình đẳng, đứng thứ hai trong khu vực ASEAN. Năm 2020, trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 77/158 quốc gia”(1). Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; có việc làm, thu nhập và ngày càng độc lập, tự chủ hơn về kinh tế; tham gia các hoạt động xã hội ngày càng nhiều hơn; được chăm sóc sức khỏe; thụ hưởng những giá trị văn hóa, tinh thần; có quyền tự chủ hơn trong quyết định kết hôn, sinh con,… Tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số có công việc hưởng lương; tỷ lệ nữ cán bộ, công chức; tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số làm kinh doanh ngày càng tăng. Ngày càng có nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hoạt động chính trị, đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo ở các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và hệ thống chính trị của đất nước. Chỉ tính riêng Quốc hội khóa XIV có 133 nữ đại biểu thì 41 nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số đã tăng rõ rệt qua từng khóa (từ 4,5% ở khóa IX lên 8,3% ở khóa XIV) và gần như ngang bằng với số đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số là nam giới (khóa XII có 42 nữ/45 nam, khóa XIII có 39 nữ/39 nam và khóa XIV có 41 nữ/45 nam)(2). Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về việc "Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”, tiếp tục nhấn mạnh việc xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ là người dân tộc thiểu số. Nhờ đó, ở Quốc hội khóa XV, tỷ lệ nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số tiếp tục tăng lên 8,8% (44 đại biểu nữ/89 đại biểu người dân tộc thiểu số/ tổng số 499 đại biểu Quốc hội) và gần tương đương với số đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số là nam giới (44 nữ/45 nam, đạt 49,43%)(3). Có thể thấy, vai trò, vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và xã hội đã ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015 và năm 2019(4), tỷ lệ nam và nữ người dân tộc thiểu số tương đối cân bằng (50,1% nam và 49,9% nữ), nhưng nhìn chung, phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới trên nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực kinh tế, ở các dân tộc không tuân theo chế độ mẫu hệ, do quan niệm đàn ông là người chăm lo gia đình, thờ cúng tổ tiên, nên hầu hết tài sản đều phải do nam giới quản lý, sử dụng, định đoạt, đồng thời được hưởng thừa kế mọi tài sản từ cha mẹ, cho nên có tới 74,2% số hộ gia đình dân tộc thiểu số, nam giới đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai và tín dụng, trong khi tỷ lệ này ở người Kinh chỉ là 40,6%. Đặc biệt, ở các dân tộc phụ hệ (như dân tộc Hmông, Dao, Brâu, Vân Kiều, Giáy…), thì tỷ lệ phụ nữ được đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ chiếm 11,3%(5). Phụ nữ dân tộc thiểu số phụ thuộc lớn về kinh tế vào người cha, người chồng, thậm chí cả người con trai và do đó, trở nên yếu thế, không được tham gia, quyết định nhiều vấn đề trong gia đình. Việc quản lý tài chính, chi tiêu trong gia đình phần lớn đều do nam giới quyết định.

Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các công việc của hệ thống chính trị các cấp, đảm nhận các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các ban, ngành, đoàn thể còn hạn chế. Các dân tộc thiểu số như Si La, La Hủ, Cống, Mảng, Lự… hiện nay chưa có cán bộ nữ tham gia vào đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị các cấp(6).

Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như trong giáo dục, đặc biệt là học tập ở những bậc học cao, như đại học hay trên đại học hoặc được tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, tay nghề, kỹ thuật… Chỉ có 5,9% lao động nữ dân tộc thiểu số có việc làm đã qua đào tạo, trong đó, số lao động có trình độ sơ cấp nghề là 0,2%, trung cấp là 2,5%, cao đẳng là 1,4% và đại học trở lên cũng chỉ đạt 1,7%. Một số dân tộc như dân tộc Hmông chỉ có 0,9% nữ lao động có việc làm đã qua đào tạo, 0% sơ cấp nghề, 0,6% trung cấp, 0,2% cao đẳng và 0,1% từ đại học trở lên, trong khi tỷ lệ lao động nam được đào tạo cao hơn nhiều, là 3,4%, 0,2%, 2,0%, 0,5% và 0,7 %(7).

Trong lĩnh vực lao động, việc làm, ở một số dân tộc, tỷ lệ nữ có việc làm thấp hơn so với nam giới, như dân tộc Ngái có tới 76,4% lao động nam có việc làm, trong khi nữ chỉ là 23,6%(8). Hơn thế, phụ nữ dân tộc thiểu số thường chỉ làm các công việc lao động giản đơn (61,64%), lao động nông, lâm nghiệp (16,78%), lao động thủ công (3,52%), bán hàng và dịch vụ (11,25%)…, là những công việc có mức thu nhập thấp. Tỷ lệ phụ nữ người dân tộc thiểu số làm những công việc yêu cầu trình độ kiến thức và kỹ năng cao như chủ doanh nghiệp hay tham gia vào lực lượng lao động kỹ thuật rất thấp(9).

Trong gia đình và trong cộng đồng, phụ nữ dân tộc thiểu số ít có “tiếng nói” quyết định trong nhiều vấn đề, mặc nhiên bị gắn trách nhiệm phải ở nhà lo toan công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình, phụng dưỡng cha mẹ, sinh con. Ở một số nơi, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình dân tộc thiểu số vẫn xảy ra, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số thường xuyên phải chịu sự bạo hành, đánh đập từ người chồng, người cha khi say rượu hoặc thậm chí chỉ là do thấy không vừa ý... Ngay cả việc kết hôn, phụ nữ dân tộc thiểu số nhiều khi không được lựa chọn bạn đời theo tình cảm của mình, mà do cha mẹ gả, ép hôn. Vẫn còn dân tộc thiểu số duy trì tục cướp vợ, bắt vợ.

Có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện bình đẳng giới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vẫn còn những hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là từ nhận thức, tập quán lạc hậu, tâm lý trọng nam khinh nữ, định kiến giới nặng nề đã ăn sâu, bám rễ từ rất lâu trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác, như: Điều kiện sống còn nhiều khó khăn, địa hình cách trở, bất đồng ngôn ngữ; phụ nữ dân tộc thiểu số ít có cơ hội tiếp cận thông tin, truyền thông, giao lưu cộng đồng, tâm lý e ngại, tự ti, không biết và không dám đòi hỏi quyền lợi, dễ chấp nhận chịu thiệt thòi, đối xử bất công bằng; việc phát huy vai trò của cấp ủy và chính quyền địa phương, cán bộ thôn, bản trong thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số còn hạn chế…

2. Trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện các chính sách theo hướng chú trọng hơn đến đối tượng phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số.

Cần nghiên cứu, ban hành những chính sách đặc thù đối với phụ nữ vùng dân tộc thiểu số để giảm thiểu những rào cản, khó khăn về điều kiện, cơ hội… của họ so với nam giới và so với phụ nữ ở các vùng, miền khác trên cả nước. Trong từng lĩnh vực cụ thể, cần đề ra những chính sách ưu tiên, ưu đãi, mở rộng thêm các cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tham gia học tập ở nhiều loại hình, phương thức đào tạo nhằm nâng cao trình độ, năng lực, bao gồm cả trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học… Xây dựng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực để tự chủ làm kinh tế; gia tăng cơ hội có việc làm với thu nhập ổn định; tăng cường đầu tư chăm sóc sức khỏe, bảo vệ sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số… Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, cần có chính sách thúc đẩy, gia tăng cơ hội tham chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở các cấp. Bên cạnh đó, cần bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định bình đẳng giới, có thái độ, hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị, ngược đãi, bạo hành, làm tổn thương phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số.

Thứ hai, nâng cao nhận thức cho cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới.

Chính quyền các cấp, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần tăng cường phổ biến, quán triệt, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu mang tính định kiến giới, coi thường, hạ thấp phụ nữ, đề cao nam giới, thông qua phát thanh, truyền hình, băng rôn, khẩu hiệu, sách, báo…; tích hợp, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào nội dung giảng dạy ở các cấp học, trong các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa cộng đồng…

Thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội.

Các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng và triển khai nhanh chóng, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường sự phối hợp, đoàn kết, thống nhất giữa các tổ chức trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới theo đúng chức năng, nhiệm vụ, vai trò của từng tổ chức. Đặc biệt, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ cán bộ thôn, bản, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, bởi lời nói, hành động của họ thường được đồng bào dân tộc tin theo, nghe theo và làm theo. Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường định hướng, chỉ đạo, động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ thôn, bản, các già làng, trưởng bản nâng cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, tích cực phát huy vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, không chỉ xóa bỏ những quan niệm lạc hậu, phân biệt đối xử, coi thường phụ nữ, mà còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để phụ nữ được học tập, lao động, đóng góp cho cộng đồng, xã hội như nam giới. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện về bình đẳng giới trong cộng đồng; lên án và phê bình, xử lý làm gương trước cộng đồng những hành động phân biệt đối xử, bạo hành, ngược đãi với phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số… Ngoài ra, cần nâng cao ý thức và phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ thôn, bản, các già làng, trưởng bản trong việc thực hiện bình đẳng giới để đồng bào người dân tộc noi theo và làm theo.

Thứ tư, đẩy mạnh phong trào thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng, tăng cường hợp tác quốc tế.

Đẩy mạnh các phong trào đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, như phong trào nam giới tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích chị em học tập, nâng cao trình độ, tham gia công tác xã hội; phong trào nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; phong trào hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế; xây dựng mô hình “nhà tạm lánh”, “nhà an toàn” phòng, chống bạo lực, bạo hành, xâm hại phụ nữ; thành lập các trung tâm tư vấn về hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản, câu lạc bộ giao lưu tìm hiểu về bình đẳng giới... Tùy vào điều kiện, đặc điểm từng địa bàn, đối tượng người dân tộc để triển khai các phong trào, chương trình phù hợp, hiệu quả, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tự vươn lên làm chủ cuộc sống, thể hiện năng lực và vai trò của mình. Bên cạnh đó, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, cần huy động các nguồn lực, các chương trình, dự án hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới từ các tổ chức, hiệp hội quốc tế, như các dự án cung cấp dịch vụ y tế, các chương trình đào tạo nâng cao trình độ, tăng cường năng lực cho phụ nữ, chương trình hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ; các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông, bệnh viện, trường học; chương trình giao lưu sinh hoạt văn hóa tinh thần ở các thôn, bản… nhằm gia tăng cơ hội được học tập, được chăm sóc sức khỏe, có việc làm, tham gia các hoạt động xã hội cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số./.

TS. HOÀNG THỊ KIM OANH
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

PGS. TS. VŨ THỊ THANH XUÂN
Chánh Văn phòng đại diện phía Nam,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các tin khác
Xem tin theo ngày