Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.133.209
Truy cập hiện tại 5.807 khách
300 chuyến xe cứu người của chàng trai Bình Dương
Ngày cập nhật 02/03/2020

Chàng trai 23 tuổi này đã có hơn 2 năm chạy khoảng 300 chuyến xe cấp cứu miễn phí, kịp thời đưa người bị nạn vào bệnh viện.

 

Một ngày của chàng trai 23 tuổi

Chúng tôi gặp Lê Anh Tuấn (23 tuổi) ở một điểm bán rau củ tại chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) vào một buổi sáng.

Chợ đang đông. Tuấn cùng mẹ lấy hàng trao cho khách, thu tiền, thối tiền. Tất cả các thao tác đều nhanh nhẹn, gọn gàng. 

Bên cạnh, ông Lê Trung Tư 53 tuổi - bố của Tuấn vẫn đang gọt củ quả. Gia đình ông bán hàng tại đây đã gần 20 năm. Tuấn là đứa con duy nhất của ông bà.

'Cháu phụ việc với vợ chồng tôi từ khi chị cháu mất. Chị cháu lớn hơn cháu 8 tuổi, qua đời sau một cơn đột quị. Trước đó, chị cháu vừa học vừa phụ gia đình', ông Tư nói với chúng tôi.

Theo lời ông Tư, Tuấn học đến lớp 8 thì nghỉ học vì muốn phụ việc cùng cha mẹ. Đủ 18 tuổi, Tuấn thi bằng lái xe. Từ đó, cứ 3h sáng, Tuấn lái xe đến chợ đầu mối Thủ Đức lấy hàng. Về đến chợ Thủ Dầu Một đã 5h, Tuấn dỡ hàng rồi đem xe về nhà vì chợ không có chỗ đậu. Sau đó, Tuấn ra chợ phụ bố mẹ bán hàng đến trưa mới về nghỉ.

Không những thương cha mẹ, đỡ đần cha mẹ công việc nặng nhọc, Tuấn còn nghĩ tới những hoàn cảnh thương tâm khác.

'Gần 3 năm trước, có một lần tôi phát hiện trên xe có vết máu. Hỏi Tuấn, cháu mới thú thật trong lúc đi giao hàng, cháu gặp một tai nạn giữa đường. Nạn nhân bị thương, nằm bất động. Thế là Tuấn dừng lại, mở cửa xe kêu gọi người đi đường phụ đưa nạn nhân lên xe rồi chạy thẳng đến bệnh viện', ông Tư kể. 

'Cứu người là một việc tốt. Chúng tôi khuyến khích cháu. Rồi cứ thế, hết lần này đến lần khác Tuấn liên tục đưa người bị nạn đi cấp cứu. Chiếc xe chở hàng không thể chở người bị nạn một cách an toàn được, tôi sắm cho cháu thêm một chiếc xe mới. Từ khi có xe mới, công việc của Tuấn bận rộn hơn', ông Tư nói tiếp.

Hàng ngày, Tuấn đi lấy hàng và phụ bố mẹ từ 3h sáng. Từ 19h trở đi là thời gian Tuấn vừa nghỉ ngơi vừa chờ đợi. Tiếng chuông điện thoại vang lên, Tuấn sẽ bật dậy và lên đường.

'Có những đêm, Tuấn hầu như không ngủ. Vừa rời khỏi bệnh viện lúc 3h sáng là đến lúc Tuấn phải đi lấy hàng. Tuấn vẫn vui vẻ đi và chưa hề thấy cháu có một câu than vãn ...', ông Tú chia sẻ.

Những phút đáng nhớ

Tiếp chuyện chúng tôi bằng nụ cười hiền hòa và gương mặt tươi vui, Tuấn cho biết: 'Năm nay nhờ có Nghị định 100/2019, nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nên Tết này cháu khỏe lắm. So với mọi năm, năm nay rất ít cuộc gọi. Cháu chỉ mong thế. Không phải cháu lười nhưng cháu không muốn tai nạn xảy ra với bất cứ ai'.   

'Công việc cháu làm tính đến nay cũng đã gần 3 năm. Cháu không nhớ chính xác số vụ cháu đưa đi, nhưng cháu chỉ nhẩm tính thôi cũng đã có đã hơn 300 lần chuyển nạn nhân đến bệnh viện. Nhiều chuyến đi như thế thì cũng có vui buồn nhưng dù vui hay buồn, cháu vẫn cương quyết không nhận một đồng nào phía nạn nhân đưa.

Việc cháu làm hoàn toàn tự nguyện. Một chuyến đi như vậy nếu đơn giản thì một mình cháu làm, không thì cháu nhờ những người xung quanh. Xe nhà, cháu lại là tài xế nên tính ra chỉ có tốn tiền xăng thôi, khoảng 100.000 đồng/chuyến là cùng. Có đáng là bao'.

Trong số những lần đưa người tai nạn đi bệnh viện, Tuấn nhớ nhất là vụ việc lúc 0h30 ngày 31/7/2018 tại ngã tư Gò Đậu trên đường CMT8. 

'Ở đó xảy ra tai nạn nghiêm trọng giữa một xe 4 chỗ và xe gắn máy. Nạn nhân là 2 người đi xe máy nồng nặc mùi rượu, nằm sóng soài trên đường. Đang ngủ, cháu nhận được điện thoại. Cháu vội chạy ra hiện trường. Rất đông người bu quanh. Tiếp cận nạn nhân, cháu thấy một người chân bị dập nát và người còn lại bị gãy chân, máu chảy nhiều.

Một mình cháu không thể đưa cả 2 người lên xe. Cháu nhờ mọi người nhưng ai cũng muốn bế phần trên, phần chân nạn nhân, cháu đành phải ôm lấy. 

Về đến nhà, cháu phải rửa xe ngay. Thay quần áo lên giường, những hình ảnh trong vụ tai nạn vẫn ám ảnh khiến cháu không thể ngủ được. Thế là cháu thức luôn đến 3 giờ để đi lấy hàng về bán. Nhưng cũng từ tai nạn ấy, về sau, những trường hợp tai nạn nghiêm trọng không làm cho cháu sợ nữa', Tuấn nhớ lại.

5 tháng sau, một tai nạn khác cũng để lại cho Tuấn ấn tượng sâu sắc.

Hiện trường tai nạn xảy ra tại ngã tư Thủ Khoa Huân - Mỹ Phước Tân Vạn. Nạn nhân là một người đàn ông nặng khoảng 80kg, người nồng nặc mùi rượu, đi xe 2 bánh tông mạnh vào một xe container đang dừng.

'Khi cháu đến, chiếc xe máy còn dính trong xe container. Nạn nhân nằm co giật trên mặt đường. Cháu và các bạn cùng đưa lên xe. Giao cho bệnh viện xong, cháu lấy sim điện thoại của anh ta gọi về cho gia đình. Thì ra, gia đình anh đều ở Cà Mau.

Câu chuyện tưởng đến đây là xong, nào ngờ, vài hôm sau cháu nhận được tin anh ta đã mất. Đây là trường hợp đầu tiên nạn nhân được cháu đưa đến bệnh viện đã không qua khỏi. Cháu hụt hẫng vô cùng'.

Cùng với việc chở nạn nhân miễn phí, Tuấn còn từng trả lại cho nạn nhân 50 triệu đồng và chiếc điện thoại được Tuấn phát hiện trong lúc đưa nạn nhân bất tỉnh lên xe. Tuấn cũng đã từ chối món tiền mà nạn nhân tìm cách trả bằng cách chuyển vào quỹ giúp người nghèo của nhóm tài xế đường xa.

Gần 3 năm cứu người, ngày 3/1/2020 Tuấn đã được Trung ương Đoàn TNCS HCM tuyên dương và tặng giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019 với thành tích đã có hơn 2 năm chạy trên dưới 300 chuyến xe cấp cứu miễn phí, kịp thời đưa người bị nạn vào bệnh viện.

Nguồn: Vietnamnet

Các tin khác
Xem tin theo ngày