Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.186.408
Truy cập hiện tại 1.814 khách
Từ năm 2009, thực hiện kê khai tài sản thường niên
Ngày cập nhật 02/09/2008
Kê khai tài sản là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng tốt (Ảnh minh hoạ)

Kê khai tài sản của cán bộ là tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng quản lý cán bộ, vì thế, không đặt ra việc kê khai đầy đủ, trung thực hay chưa, mà yêu cầu là phải kê khai. Cán bộ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong lời khai.

Đánh giá kết quả của đợt kê khai tài sản sản cán bộ, công chức từ đầu năm đến nay, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã đưa ra nhận định như vậy.

Chưa công khai tài sản của người kê khai

Sau hơn 7 tháng thực hiện Nghị định 37 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, đã có 35 cơ quan ở Trung ương và 57/64 tỉnh thành trong cả nước báo cáo kết quả, tiến độ kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Trong đó, có 15 bộ, ngành, cơ quan TƯ và 5 tỉnh hoàn thành xong báo cáo việc kê khai tài sản thu nhập với số lượng 300.905 người đã kê khai trong tổng số 317.344 người thuộc diện phải tiến hành kê khai.

Giải thích lý do vì sao đợt kê khai đầu tiên này, Thanh tra Chính phủ chưa đặt ra vấn đề các cán bộ, công chức đã kê khai đầy đủ, trung thực hay chưa, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cho hay đây là nghĩa vụ và thực hiện theo luật pháp quy định. Nó mang tính pháp lý đối với cán bộ, công chức. Ýnghĩa của việc kê khai tài sản lần này chỉ nhằm mục đích xác lập hồ sơ kê khai tài sản ban đầu của cán bộ, công chức.

Các cơ quan chức năng sẽ dựa vào bảng kê khai này như một lời cam kết, trình bày của cán bộ với tổ chức. Sau này, trong quá trình quản lý, nếu phát hiện cán bộ nào kê khai không trung thực sẽ bị xử lý. Hoặc sau này, tài sản của người đó có khác đi thì phải giải trình cho tổ chức một cách rõ ràng.

Khi đã xác lập được hồ sơ pháp lý kê khai ban đầu của cán bộ, công chức, cơ quan quản lý sẽ lấy số liệu này làm căn cứ để đối chiếu với đợt kê khai sau này. Bắt đầu từ năm 2009 sẽ thực hiện kê khai hàng năm. Nếu phát hiện có chênh lệch so với bản kê khai ban đầu thì cán bộ đó phải giải trình rõ nguồn gốc phát sinh thêm tài sản này. Giải trình không rõ, có nghĩa là không trung thực với tổ chức và phải bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, theo quy định thì thời điểm này chưa công khai tài sản của người thuộc diện phải kê khai.

Thiếu trung thực: về hưu cũng bị xử lý

Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, hồ sơ kê khai tài sản được theo dõi, quản lý theo cả một quá trình, ngay cả khi cán bộ đó nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác sang ngành khác, địa phương khác. Trong trường hợp đã về hưu mà phát hiện có tài sản bất minh, không giải trình được, lúc đó cơ quan pháp luật cũng sẽ căn cứ theo luật hiện hành để xử lý.

Việc công bố công khai tài sản của tất cả các cán bộ, công chức khi thực hiện kê khai đến đâu, sẽ do các cơ quan có trách nhiệm quyết định. Khi có yêu cầu về bổ nhiệm cán bộ, xác minh làm rõ theo đơn thư tố cáo, hoặc những việc mà cơ quan quản lý yêu cầu, sẽ tiến hành thẩm tra, xác minh. Kết quả thẩm tra, xác minh nếu không đúng, người kê khai sẽ bị xử lý tội không trung thực.

Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cũng đã đưa ra dẫn chứng về một trường hợp ở Cà Mau là nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Công Lộc kê khai tài sản không trung thực, bị người dân tố cáo. Các cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau cũng đã tiến hành thẩm tra, xác minh và đã kỷ luật khai trừ Đảng, cách chức viện trưởng Viện KSND tỉnh đối với trường hợp này.

Tại TPHCM, địa phương được coi là đi đầu trong cả nước hiện nay về việc thực hiện kê khai tài sản cán bộ công chức, UBND TPHCM vừa có báo cáo kết quả kê khai, xác minh, kết luận, công khai kết quả xác minh tài sản và thu nhập của nhóm cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai theo nghị định 37 của Chính phủ về "minh bạch tài sản và thu nhập".

Theo đó, đã có hơn 16.000 người kê khai (trong tổng số hơn 17.000 người thuộc diện phải kê khai), trong đó nhóm lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị hơn 5.000 người; nhóm thuộc cấp ủy quản lý hơn 4.000 người và nhóm đối tượng khác hơn 8.000 người.

Cũng theo báo cáo nói trên, có hai người đã được xác minh về tài sản và thu nhập, sáu người đã được công khai kết quả xác minh về tài sản và thu nhập. Báo cáo cho biết không có người bị xử lý do kê khai không trung thực cũng như không có người được kết luận là kê khai không trung thực.

UBND TP Hồ Chí Minh vừa tiếp tục chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc hệ thống chính quyền thành phố quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về kê khai tài sản, thu nhập và lập danh sách những người có nghĩa vụ phải kê khai. Sở Nội vụ được giao làm đầu mối hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc kê khai tài sản của các đối tượng và báo cáo kết quả trước ngày 31/12/2008.

HMT- nguồn từ Dân trí

Các tin khác
Xem tin theo ngày