|
|
|
Thống kê truy cập Tổng truy cập 7.187.659 Truy cập hiện tại 2.206 khách
|
|
Để công sở không phải là cái ao tù Ngày cập nhật 24/08/2008 Sống tù mù trong cảnh ao tù nước đọng hoặc trên một dòng nước lững lờ không biết đi đâu về đâu thì sự lo lắng cho tiền đồ, cho sự tiến bộ bản thân cũng dễ làm cho công chức nản lòng.
Trong thời đại ngày nay, có sự chuyển dịch chất xám, công chức nơi này xin chuyển sang nơi khác hoặc từ cơ quan nhà nước chuyển sang đơn vị tư nhân hay ngược lại… trong trạng thái lẻ tẻ là chuyện bình thường. Đó là hiện tượng biến động tự nhiên, là một trong những xu thế hiện đại.
Nhưng nếu sự chuyển dịch chất xám đó diễn ra ồ ạt một chiều như hiện tượng công chức nhà nước chuyển ra làm cho tư nhân nhiều và dồn dập như mấy năm qua là đáng báo động, đáng phải xem xét lại kế sách ổn định viên chức của ta.
Vấn đề thu nhập phải hợp lý, công bằng. Lương thấp quá không đủ sống, không đủ trang trải mọi khoản thì dù cơ quan có tốt, thủ trưởng có biết điều mấy, người ta cũng phải tìm đi nơi khác để tồn tại.
Người có chuyên môn giỏi, đặc biệt có tài, có tiếng mà chính sách đối xử với người ta cũng như đại trà, chẳng khác gì người bình thường, người kém thì người ta cũng dễ dàng theo tiếng gọi rủ rê của những ông chủ tư nhân thức thời để được hưởng một chính sách ưu ái hơn.
Vấn đề chế độ lương bổng là vấn đề của nhà nước, không phải là sự tùy tiện của từng nơi, các cơ quan tham mưu cần phải hết sức nhạy cảm, bám sát những diễn biến kinh tế tài chính của đất nước, bám sát sự diễn biến giá cả, mức sống của các tầng lớp trong xã hội để kịp thời có kế hoạch tham mưu điều chỉnh thích hợp.
Để chế độ lương bổng trở nên quá lạc hậu thì cũng dễ tạo ra biến động xấu trong tâm lý công nhân viên chức. Song từng cơ quan nhà nước cụ thể cũng có thể phát huy sự sáng tạo của mình trong sự vận dụng các chế độ chính sách của nhà nước thích hợp với thực tế nhân sự của mình, có thể thực hiện những kế hoạch hợp pháp để tăng thu nhập cho mọi người, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cơ quan.
Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần tích cực nhất ổn định hệ thống viên chức nhà nước.
Một yếu tố quan trọng nữa là các cơ quan nhà nước phải có kế hoạch phát triển – phát triển về chất lượng, hiệu quả công việc, phát triển về đào tạo bồi dưỡng tài năng nghiệp vụ…
Sống trong một giòng chảy của sự phát triển, viên chức nhà nước thấy rõ được tương lai, thấy rõ triển vọng sáng sủa của bản thân thì chẳng ai chịu bỏ đi nơi khác. Sống tù mù trong cảnh ao tù nước đọng hoặc trên một dòng nước lững lờ không biết đi đâu về đâu thì sự lo lắng cho tiền đồ, cho sự tiến bộ bản thân cũng dễ làm cho họ nản lòng.
Một môi trường lành mạnh, thông thoáng, thân thiện là một yếu tố làm cho viên chức gắn bó với cơ quan. Một thủ trưởng công minh, chính trực, có cái nhìn thông thoáng, có một cách xử sự đúng mực, phải chăng, có một quan hệ chan hòa dễ chịu cũng dễ tạo ra một không khí lành mạnh thân thiện trong cơ quan. Xây dựng một tập thể biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, không bè phái, đả kích lẫn nhau; tạo ra một môi trường tình cảm nhân văn như vậy ý nghĩa lắm, hấp dẫn lắm, chẳng ai muốn xa rời một tập thể như vậy.
Tuy vậy, chúng ta cũng phải làm quen với xu thế động của thời đại. Hiện tượng làm việc suốt từ trẻ đến già ở một cơ quan như thời trước thì cũng hiếm thấy trong thời đại đầy biến động ngày nay. Con người được học hành tiến bộ liên tục, xã hội xuất hiện ngày càng nhiều ngành nghề, nhiều loại cơ quan nghiên cứu, dịch vụ… con người có rất nhiều cơ hội để lựa chọn thi thố tài năng.
Do đó, sự thay đổi nghề nghiệp, đơn vị, môi trường công việc ở một số truờng hợp nào là điều tự nhiên, không phải là hiện tượng xấu. Xu thế động là xu thế thời đại, là xu thế của sự phát triển, là sự biến động tự nhiên của hiện tượng bùng nổ thông tin tri thức.
Xin đừng ai ngạc nhiên. Chúng ta tiếp nhận nó một cách tỉnh táo, khôn ngoan để nhìn nhận và xử lý từng trường hợp một cách thích hợp, có tình có lý.
Cần có kế sách ổn định hệ thống viên chức cả nhà nước nhưng cũng phải biết thích nghi với xu thế động của thời đại./.
HMT-Theo tuanvietnam.net Các tin khác
|
|
|
|
|
|