Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.188.506
Truy cập hiện tại 2.444 khách
Chính sách thu hút nhân tài của Singapore: Bài bản và chuyên nghiệp
Ngày cập nhật 06/08/2008

Singapore là nước có diện tích nhỏ, dân số ít, tài nguyên thiên nhiên không có. Nhưng quốc đảo này cũng là một con mãnh sư không chỉ của Đông Nam Á. Vì sao đất nước nhỏ bé này lại phát triển mạnh mẽ đến như vậy?

Sự thần kì trong quản lý và phát triển kinh tế của nước này phải chăng xuất phát từ chính sách thu hút nhân tài rõ ràng và đúng đắn?

Chính sách rõ ràng và bài bản

Singapore được đánh giá là quốc gia có chính sách thu hút nhân tài nước ngoài bài bản nhất thế giới. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngay từ khi mới lên cầm quyền, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã xác định rõ nhân tài là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế. Chính vì thế, trong suốt những năm qua, thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài nước ngoài đã trở thành chiến lược ưu tiên hàng đầu của Singapore.

Là quốc gia được tạo dựng nên từ những người nhập cư, Singapore chào đón tất cả những ai có thể đóng góp phần mình vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, với dân số quá ít (4,5 triệu dân), tỷ lệ sinh liên tục sụt giảm, Singapore rơi vào cuộc khủng hoảng dân số. Rõ ràng, tình trạng dân số cũng như nguồn lực lao động bị "co lại" sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra nguy cơ khủng hoảng thiếu nhân tài.

Tự nhận biết người tài trong nước là có giới hạn, lãnh đạo Singapore bắt tay ngay vào việc hoạch định chính sách sử dụng người nhập cư (hay còn gọi là chính sách tuyển mộ nhân tài nước ngoài) như đòn bẩy về nhân khẩu học để bù vào sự thiếu hụt lực lượng lao động bản địa.

Năm 1998, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Singapore thành lập hẳn Ủy ban Tuyển dụng Tài năng Singapore. Tháng 10/2001, tại một diễn đàn đại học, ông Lý Quang Diệu nói với các sinh viên rằng: "Muốn thành công trong lĩnh vực nghệ thuật, y học, giáo dục..., cách duy nhất Singapore phải thực hiện là mở rộng nhân tài trên khắp thế giới. Chúng ta sẽ thất bại nếu không phát triển được đội ngũ này".

Hơn thế, lãnh đạo nước này còn xác định rõ rằng nhân tài "ngoại" không chỉ là "nguồn vốn đặc biệt" về kinh tế, mà họ còn là "động lực mạnh mẽ cho Singapore phấn đấu liên tục vì những chuẩn cao hơn" (Văn kiện chính sách của Singapore năm 2000). Thêm nữa, những người nhập cư cũng góp phần đem lại "sự phong phú, đa dạng, mang thêm màu sắc, sự giàu có và hương vị cho đời sống văn hoá của Singapore".

Trong 5 năm qua, Singapore đã thu hút được một bản danh sách ấn tượng những nhà khoa học lỗi lạc của thế giới. Nói đến nhân tài nước ngoài ở Singapore, có lẽ không thể không kể đến những nhà giải phẫu thần kinh học, các lập trình viên phần mềm, các giám đốc ngân hàng, các các siêu chuyên gia tầm cỡ thế giới và các giáo sư trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Có một điểm cần nói khi bàn về Singapore là chính sách nhân tài nước ngoài của nước này có nhiều điểm khá giống Mỹ. Cả hai nước đều đặt ra mục tiêu thu hút nhân tài trước, sau đó mới tiến hành phân công công việc cụ thể.

Đột phá: Chào đón nhân tài ngoại vào bộ máy nhà nước

Chính sách và đường lối táo bạo như vậy đã dẫn đến sự thay đổi mang tính đột phá trong con số thống kê nhân khẩu học. Trong số 4,5 triệu lao động Singapore có tới 25% là người nước ngoài. Nội các đầu tiên của Singapore cũng chỉ có duy nhất 2 người bản địa. Thậm chí, ông Lý Quang Diệu còn khẳng định, nếu một ngày nào đó, bộ máy chính quyền Singapore toàn là người có xuất xứ nước ngoài cũng không có gì quá ngạc nhiên.

Chính sách là vậy, còn thực hiện thì cần những quy định cụ thể hơn. Singapore có quy định rõ ràng, lương của lao động bình thường ở Singapore chỉ khoảng 2.000 USD/tháng hoặc cao hơn chút ít. Còn với lao động nước ngoài có kĩ năng, tay nghề, ngoài việc được hưởng lương theo mức của các nhân tài, họ còn được phép đưa người thân sang sống cùng. Họ được cấp giấy phép định cư và nhập tịch lâu dài tại Singpapre chỉ trong... vài ngày. Đây là tốc độ nhập tịch nhanh chóng mặt mà bất cứ người nhập cư nào cũng thèm muốn.

Đi liền với đó, Singapore cũng hạn chế lao động nước ngoài không có tay nghề bằng việc chi trả thu nhập thấp, không được phép đưa người thân sang sống cùng. Những chi phí khác cho dịch xụ xã hội của họ cũng cao hơn người bình thường.

Giống như Trung Quốc và Mỹ, Chính phủ Singapore tuyển chọn nhân tài dựa trên năng lực, khả năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước này chứ không phân biệt quốc tịch, chủng tộc của người nhập cư.

Mức lương tương xứng với giá trị của chất xám

Thực chất, trả lương cao là biện pháp không chỉ có một mình Singapore áp dụng. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ, Singapore có hẳn một chính sách rõ ràng để thực hiện điều này.

Các Bộ trưởng Singapore có mức lương cao hơn tất cả các Bộ trưởng ở những quốc gia giàu có nhất hành tinh. Ấy vậy nhưng năm ngoái, Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn quyết định tăng lương cho các Bộ trưởng, sao cho mức lương đó phải bằng mức lương của 6 người đứng đầu các ngành nghề trong khối tư nhân. Tạo ra sự yên tâm cho lãnh đạo, một phần chính sách này muốn hạn chế nạn tham nhũng, minh bạch hóa chính phủ, đồng thời tạo đà cho các Bộ trưởng dành hết tâm sức cho công việc quản lý hoạch định chính sách.

Ở Mỹ, lương của Tổng thống là 400.000 USD. Ở Anh, lương của Thủ tướng là 368.655 USD, lương của các Bộ trưởng trong khoảng 196.000-268.000 USD. Trong khi đó, lương của Thủ tướng Lý Hiển Long là 2,05 triệu USD/năm. Hiện tại, mức lương của Thủ tướng và các Bộ trưởng vẫn có khả năng tăng cao hơn con số 1,26 triệu USD.
Đầu tư, trợ cấp giáo dục - hoạt động không thể thiếu

Singapore có đội ngũ lao động cấp cao hàng đầu thế giới. Sở dĩ nói như vậy vì những người này tạo ra năng suất vô cùng lớn, thành thạo về chuyên môn, kĩ thuật và có thái độ làm việc tích cực. Nhưng để có được điều này, Singapore đã phải liên tục đầu tư vào việc đào tạo cả một thế hệ thông qua con đường giáo dục.

Singapore cũng xác định giáo dục là một kênh hữu hiệu thu hút du học sinh nước ngoài. Chính vì vậy, ngoài cải tiến hệ thống giáo dục, Singapore cũng có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các giáo sư tiến sĩ. Hiện tại, du học sinh đến Singapore là rất lớn và nước này cũng là một trong những trung tâm đào tạo uy tín của thế giới. Có thể kể đến các trường đại học danh tiếng như Công nghệ Nanyang (NTU), Học viện phát triển quản lý Singapore (MDIS), Đại học Quốc gia Singapore (NUS)...

Sinh viên nước ngoài đến học tập tại Singapore được vay tiền để chi trả cho những chi phí cần thiết về sinh hoạt và học tập. Sau khi tốt nghiệp với kết quả học tập cao, những cử nhân "ngoại" này phải cam kết làm việc cho một công ty nào đó của Singapore ít nhất là 3 năm để trả nợ.

Tạo niềm tin người tài luôn đứng ở vị trí cao

Biệt đãi người tài không chưa đủ, mà cần tạo niềm tin ở nơi họ. Những người tài ngoài thu nhập, nhu cầu được cống hiến, được tôn trọng và được vinh danh là rất lớn.

Thực tế quản lý bộ máy đất nước Singapore cho thấy, những người đứng đầu đất nước Singapore hiện nay đều là những người rất giỏi. Bản thân ông Lý Quang Diệu - Thủ tướng đầu tiên của quốc đảo tốt nghiệp ngành luật tại trường đại học danh tiếng Cambridge. Cựu Thủ tướng Goh Chok Tong cũng tốt nghiệp trường Williams College, Mỹ, về chuyên ngành Phát triển kinh tế. Đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long cũng tốt nghiệp trường Đại học Cambridge của Anh về ngành toán và vi tính. Sau đó ông Lý Hiển Long còn tham gia học về ngành Hành chính công tại Đại học Harvard - Mỹ.

Các Bộ trưởng Singapore cũng đều tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng tầm cỡ thế giới. Ông Lý Quang Diệu có quan điểm rất rõ ràng: Lãnh đạo giỏi là đầu tầu định hướng cho đất nước phát triển, nên không thể thăng quan tiến chức nhờ quan hệ cửa trước cửa sau hay sẵn sàng ngã giá để mua danh bán tước. Ông nói: "Lãnh đạo dốt sẽ ngáng chân những người giỏi, không cho họ ngồi vào những vị trí quan trọng". Ở Singapore, những người tài thực sự được coi là thịt, là da đắp vào bộ khung lãnh đạo quốc gia.

Yeo Cheow Tong - Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin của nước này từng nhận xét Singapore đang tham gia vào "cuộc chiến toàn cầu để giành giật nhân tài". Báo chí liên tục ca ngợi nhân tài là "người tham gia quan trọng đối với nền kinh tế, quyết định sự ổn định của nền kinh tế trong thời buổi cạnh tranh toàn cầu". Đặc biệt, cách đây gần 9 năm, ngày 21/8/1999, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu còn khẳng định trên tờ Straits Times Weekly rằng: "Nhân tài nước ngoài là chìa khoá bước tới tương lai", chính vì thế, "các công ty cần các nhân tài hàng đầu để cạnh tranh trên toàn cầu".

Không phải ngẫn nhiên tạp chí Foreign Policy xếp Singapore là quốc gia toàn cầu hóa nhất trên thế giới. Với một chính sách bài bản và đúng đắn như vậy, Singapore xứng đáng với tên gọi "Trung tâm thu hút nhân tài" của thế giới.

Hà Minh
Website báo Dân trí

Các tin khác
Xem tin theo ngày