Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.087.089
Truy cập hiện tại 409 khách
Quy định mới về thanh tra viên
Ngày cập nhật 26/10/2011

 Nghị định 97/2011/NĐ-CP về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra vừa được Chính phủ ban hành quy định cụ thể tiêu chuẩn các ngạch thanh tra viên; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm; điều kiện bảo đảm hoạt động đối với thanh tra viên...

 

 

Thanh tra viên là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sỹ quan Công an nhân dân được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước.

Thanh tra viên có 3 ngạch: Thanh tra viên, thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp.

Trong đó, thanh tra viên phải đáp ứng các yêu cầu về trình độ, thâm niên công tác như có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực đang công tác; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch thanh tra viên; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; có thời gian ít nhất 2 năm làm công tác thanh tra...

Đối với thanh tra viên chính thì phải có thời gian công tác ở ngạch thanh tra viên và tương đương tối thiểu là 9 năm. Còn thanh tra viên cao cấp thì phải có thời gian công tác ở ngạch thanh tra viên chính và tương đương tối thiểu là 6 năm...

Bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên

Nghị định nêu rõ, công chức được xem xét, bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra trong 2 trường hợp: 1- Công chức giữ các ngạch chuyên viên và tương đương, chuyên viên chính và tương đương, chuyên viên cao cấp và tương đương đang công tác trong các cơ quan thanh tra nhà nước có đủ điều kiện, tiêu chuẩn chuyển sang các ngạch thanh tra tương ứng; 2- Công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch thanh tra viên lên thanh tra viên chính hoặc kỳ thi nâng ngạch thanh tra viên chính lên thanh tra viên cao cấp.

Công chức đang công tác trong cơ quan thanh tra nhà nước, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định thì được xét chuyển ngạch để bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra. Việc xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra phải thông qua Hồi đồng xét chuyển ngạch.

Nghị định cũng quy định 7 trường hợp miễn nhiệm đối với thanh tra viên gồm: 1- Do điều động, luân chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác không phải là cơ quan thanh tra nhà nước; 2- Khi chuyển đổi vị trí việc làm và theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức phải chuyển sang ngạch công chức, viên chức khác để phù hợp với vị trí làm việc mới; 3- Tự nguyện xin thôi không làm việc ở các cơ quan thanh tra nhà nước và đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thôi việc; 4- Có quyết định thôi việc hoặc bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc theo quy định của pháp luật; 5- Bị tước danh hiệu Công an nhân dân hoặc tước quân hàm sỹ quan Quân đội nhân dân; 6-  Bị Tòa án kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật; 7- Vì lý do khác theo quy định của pháp luật.

(Theo chinhphu.vn)

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày