Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.088.233
Truy cập hiện tại 744 khách
Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020
Ngày cập nhật 25/07/2011

Theo Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong 10 năm tới sẽ có khoảng 30,5 triệu lao động qua đào tạo; dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nhân lực ước tính khoảng 2.135 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Mục tiêu của Quy hoạch là tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40% năm 2010 lên mức 70% năm 2020, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo ngành nông, lâm ngư nghiệp tăng tương ứng từ 15,5% lên 50%; ngành công nghiệp từ 78% lên 92%, ngành xây dựng từ 41% lên 56%; ngành dịch vụ tăng từ 67% lên 88%.

Đồng thời, phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực, tập trung ưu tiên những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Xây dựng được đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nhân lực có trình độ cho đất nước.

Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2015 khoảng 30,5 triệu người

Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã xác định nhu cầu nhân lực về mặt số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề cho từng ngành kinh tế.

Cụ thể, về phát triển nhân lực theo bậc đào tạo, phấn đấu tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2015 khoảng 30,5 triệu người (chiếm khoảng 55% trong tổng số 55 triệu người làm việc trong nền kinh tế) và năm 2020 tăng lên gần 44 triệu người (chiếm khoảng 70% trong tổng số gần 63 triệu người làm việc trong nền kinh tế).

Về phát triển nhân lực các ngành, lĩnh vực, quy hoạch xác định nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng từ mức 10,8 triệu người năm 2010 (bằng 22% tổng số nhân lực trong nền kinh tế) lên khoảng 15 triệu năm 2015 (27%) và khoảng 20 triệu năm 2020 (31%).

Trong khu vực dịch vụ, nhân lực tăng từ mức trên 13 triệu người năm 2010 (chiếm 26,8% tổng nhân lực trong nền kinh tế) lên khoảng 15-16 triệu năm 2015 và khoảng 17-19 triệu người năm 2020 (bằng khoảng 27-29%). Còn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2010 là 24,9 triệu người (chiếm 51% tổng nhân lực trong nền kinh tế), năm 2015 là trên 24-25 triệu (45-46%) và năm 2020 khoảng 22-24 triệu người (35-38%).

Ngoài ra, Quy hoạch cũng đề cập đến nhân lực của một số ngành/lĩnh vực kinh tế đặc thù như: Giao thông vận tải; tài nguyên, môi trường; du lịch; ngân hàng; tài chính; công nghệ thông tin; năng lượng hạt nhân; nhân lực đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh việc xác định nhu cầu nhân lực theo từng ngành kinh tế, bản Quy hoạch cũng xác định nhu cầu nhân lực cho từng vùng kinh tế (Vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long).

Dự kiến đến 2020 có 573 trường ĐH, CĐ

Cũng theo quy hoạch này, dự kiến mạng lưới trường Đại học (ĐH) và Cao đẳng (CĐ) vào năm 2020 sẽ có tổng cộng 573 trường, trong đó 259 trường ĐH và 314 trường CĐ; trong giai đoạn 2011-2015 sẽ thành lập thêm 158 trường (70 trường ĐH và 88 trường CĐ).

Đối với mạng lưới các cơ sở dạy nghề, đến năm 2015, có 190 trường CĐ nghề (60 trường ngoài công lập), 300 trường trung cấp nghề (100 trường ngoài công lập) và 920 trung tâm dạy nghề (320 trung tâm ngoài công lập). Đến năm 2020, có 230 trường CĐ nghề (80 trường ngoài công lập), 310 trường trung cấp nghề (120 trường ngoài công lập) và 1.050 trung tâm dạy nghề (350 trung tâm ngoài công lập).

Quy hoạch cũng đưa ra dự báo sơ bộ tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nhân lực (bao gồm cả giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế-chăm sóc sức khỏe và các chi phí khác dành cho phát triển nhân lực) cả giai đoạn 2011-2020 ước tính khoảng 2.135 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề dự kiến khoảng 1.225-1.300 nghìn tỷ đồng.

HMT-theo chinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày