Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.099.413
Truy cập hiện tại 1.314 khách
Tỉnh Thừa Thiên Huế khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015
Ngày cập nhật 07/09/2010
Đ/c Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo Đại hội

 “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố thực thuộc Trung ương” đó chính là chủ đề của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010-2015, khai mạc sáng 6/9/2010, tại Trung tâm Văn hoá Thông tin tỉnh.

Tham dự có 349 đại biểu chính thức, tiêu biểu cho trí tuệ của 35.171 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đến dự và chỉ đạo Đại hội.

Các đồng chí Nguyễn Khoa Điềm - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; đồng chí Đinh La Thăng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Quynh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Đông Sương - nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương và các đồng chí Vụ trưởng, Vụ phó của Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Đỗ Hoài Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam; đồng chí Mai Trực - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các đồng chí Vụ trưởng, Vụ phó Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Hoàng Công Hoàn - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và các đồng chí Vụ trưởng, Vụ phó Văn phòng Trung ương; Trung tướng Nguyễn Hữu Cường - Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 4 và các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4; đại biểu lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, tướng lĩnh; các đồng chí nguyên là Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí nguyên là Tỉnh ủy viên khoá XIII, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh qua các thời kỳ cũng đến tham dự Đại hội.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội

Đọc diễn văn khai mạc Đại hội, đồng chí Hồ Xuân Mãn, UVTƯ.Đảng, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Trung ương và Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã dành nhiều công sức lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện và động viên, giúp đỡ cho Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế vượt lên khó khăn, thách thức, cùng cả nước vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội; cảm ơn sự giúp đỡ đầy tình nghĩa của các tỉnh, thành, đồng bào trong cả nước, bà con đồng hương, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế luôn ủng hộ kịp thời Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế vượt qua những lúc khó khăn, hoạn nạn, thiên tai và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; đồng thời nhiệt liệt biểu dương tinh thần đoàn kết, dũng cảm, kiên cường và ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các nhân sĩ, trí thức, các ngành, các giới trong toàn tỉnh đã lập nên những thành tích xuất sắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Nhìn lại chặng đường gần 25 năm đổi mới, đặc biệt là 5 năm qua và chặng đường 10 năm đầu thế kỷ XXI, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đã giành được những thành tựu quan trọng: Kinh tế tăng trưởng tốc độ khá cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, thế và lực của tỉnh không ngừng được tăng lên và đang trở thành một cực phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Văn hóa - xã hội có tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện, không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm mạnh và đã hoàn thành mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế thoát ra khỏi tỉnh nghèo và kém phát triển. Quốc phòng, an ninh được tăng cường và giữ vững; chính trị ổn định; hoạt động đối ngoại mở rộng. Bộ máy chính quyền được củng cố. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được những kết quả quan trọng.

Đ/c Hồ Xuân Mãn-UV BCHTW Đảng-Bí thư Tỉnh ủy, đọc diễn văn khai mạc Đại hội

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, trên cơ sở đánh giá và dự báo tình hình, đồng thời quán triệt đường lối của Đảng được thể hiện trong các văn kiện sẽ trình Đại hội XI và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đại hội có trách nhiệm thảo luận và quyết nghị phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp chủ yếu về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là tập trung nhiệm vụ xây dựng Đảng, làm cho các tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó máu thịt với nhân dân, đủ sức hoàn thành Nghị quyết mà Đại hội quyết định, trọng tâm là đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trung tâm lớn của miền Trung và cả nước, theo mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; ra sức phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao”.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh nhà được đón nhận một sự kiện rất quan trọng - ngày 25/5/2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48 về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Đây là một bước ngoặt lịch sử, tạo ra một thời cơ và vận hội lớn để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để thực hiện thắng lợi Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết Đại hội XIV mà Đại hội sẽ thảo luận và quyết nghị; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ, Đại hội và mỗi đại biểu chúng ta phải quán triệt kỹ yêu cầu, nội dung, phương hướng công tác nhân sự, trước hết là nắm vững các tiêu chuẩn cấp ủy được quy định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khoá VIII) về chiến lược cán bộ; phát huy cao độ tinh thần dân chủ, sáng suốt lựa chọn những đồng chí có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị, thực sự là trung tâm đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có quyết tâm cao và năng lực tổ chức thực hiện để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và bầu Đoàn đại biểu đủ số lượng và chất lượng, thay mặt cho toàn Đảng bộ tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Đ/c Trương Tấn Sang gặp gỡ, trao đổi các đại biểu bên lề Đại hội

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá cao sự đoàn kết một lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tựu quan trọng, có bước phát triển tương đối nhanh, toàn diện, đưa Thừa Thiên Huế ra khỏi tình trạng một tỉnh nghèo, kém phát triển; đang trở thành một tỉnh phát triển trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; tạo ra vị thế mới, tiền đề quan trọng để xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị, góp phần tích cực vào thành tựu chung của đất nước.

Đồng chí Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2010 - 2015 có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là nhiệm kỳ đầu tiên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu "Phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau". Đối với Thừa Thiên Huế, 5 năm tới là thời kỳ có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, thời kỳ mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phải phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, với tinh thần cách mạng tiến công quyết liệt hơn nữa để thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp, phát triển nhanh và bền vững, đưa tỉnh nhà thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trên tinh thần đó, đồng chí Trương Tấn Sang đề nghị Đại hội tập trung thảo luận kỹ hơn một số vấn đề như:

Thứ nhất, để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, vấn đề quan tâm hàng đầu là phát triển đô thị. Đô thị Thừa Thiên Huế hàm chứa sự đa dạng về địa hình - sông núi, gò đồi, đầm phá, biển và cảnh quan thiên nhiên phong phú. Đặc biệt, phải tạo cho Huế có hình ảnh riêng biệt, có sự hài hoà thống nhất giữa cái cũ và cái mới. Làm cho con người Huế tự hào về đô thị của mình, một nét riêng mà chỉ "đô thị mình" mới có. Sự phát triển của đô thị Thừa Thiên Huế có đặc điểm khác với các thành phố trong cả nước, đó là hình thành và phát triển theo chùm đô thị, trong đó, thành phố Huế là đô thị hạt nhân. Vì vậy, cần tập trung xây dựng đô thị Huế xứng tầm là đô thị hạt nhân, đô thị động lực, trung tâm tỉnh lỵ, là trung tâm du lịch, y tế, văn hoá, đào tạo, thành phố Festival, tạo nền tảng để thúc đẩy phát triển chuỗi đô thị trong tỉnh: đô thị Chân Mây - Lăng Cô, các thị xã Hương Thuỷ, Hương Trà, Thuận An,... và các thị trấn, thị tứ gắn với các khu công nghiệp, khu du lịch. Làm tốt công tác quy hoạch, nhất là các quy hoạch đô thị, xác định sự phát triển hợp lý của đô thị theo từng giai đoạn và định hướng phát triển lâu dài cho đô thị cả về mặt tổ chức sản xuất, tổ chức đời sống, kết cấu không gian kiến trúc, đặc biệt là cảnh quan môi trường. Việc quy hoạch sử dụng đất là vấn đề hết sức quan trọng để phát triển đô thị. Quy hoạch phát triển đô thị ở Thừa Thiên Huế phải gắn kết với phát triển nông thôn ven đô, gắn bó hài hoà giữa đô thị với các vùng nông nghiệp, nông thôn mới, những làng quê mang đặc thù của Thừa Thiên Huế.

Thứ hai, tập trung hoàn chỉnh và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng. Nâng cấp các tuyến giao thông gắn kết các trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh với hệ thống giao thông đối ngoại. Tổ chức lại không gian phát triển kinh tế, gắn các khu vực tập trung phát triển kinh tế của tỉnh với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia; tích cực mở rộng liên kết với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các nước nằm trong khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây. Tập trung xây dựng hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, cấp điện, hệ thống giao thông, thuỷ lợi, các khu công nghiệp; hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc.

Thứ ba, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm và các doanh nghiệp để phát triển nhanh và bền vững. Gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội và bảo vệ bền vững môi trường. Đồng thời, thường xuyên chăm lo công tác xoá đói, giảm nghèo, khắc phục tình trạng phân hoá giàu nghèo quá mức giữa các nhóm xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông. Mặt khác, phải có kế hoạch để triển khai đồng bộ, khai thác triệt để lợi thế của vùng kinh tế Tam Giang - Cầu Hai; phải xây dựng vùng Tam Giang - Cầu Hai thành một vùng kinh tế tổng hợp, năng động, gắn với bảo tồn, dự trữ sinh quyển, xây dựng trung tâm kinh tế mạnh.

Thứ tư, xuất phát từ tiềm năng, thế mạnh của vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử văn hoá đặc sắc để tập trung xây dựng ba trung tâm, đó là : Trung tâm văn hoá - du lịch đặc sắc của Việt Nam; Trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghệ cao của khu vực miền Trung và cả nước; Trung tâm y tế chuyên sâu.

Thứ năm, gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái; tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, đặc biệt là an ninh chính trị, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, xử lý tốt các vấn đề nảy sinh bởi những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch để “diễn biến hoà bình”, nhất là “tự diễn biến”. Bảo đảm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng và tệ nạn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Thứ sáu, Đảng bộ cần đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Phải tập trung đầu tư trí tuệ, công sức để lãnh đạo, chỉ đạo những mặt công tác đó đúng với ý nghĩa là nhiệm vụ then chốt, có vai trò quyết định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đúng với chủ đề của Báo cáo chính trị mà Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa trình với Đại hội : "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ".

Đồng chí Trương Tấn Sang cũng đề nghị các đồng chí đại biểu Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, công tâm và khách quan để bầu vào Ban Chấp hành mới những đồng chí đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời, Đại hội cần xem xét lựa chọn những đồng chí xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, để bầu vào đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

 

Trong phiên họp buổi chiều ngày 6/9, Đại hội đã tham gia thảo luận tại hội trường về những nội dung tại báo  cáo chính trị và Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 trình Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 14.

Ngày 7.9, Đại hội Đảng bộ tỉnh TT Huế lần thứ 14, nhiệm kỳ 2010 – 2015 tiếp tục làm việc với nội dung tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 14 và tiếp tục tham gia thảo luận báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 13 trình Đại hội tỉnh khóa 14.

HMT-Tổng hợp từ thuathienhue.gov.vn và trt.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày