Với một chuỗi các sự kiện diễn ra vào cuối tháng 6 vừa rồi, Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2024 một lần nữa để lại dấu ấn với du khách gần xa trong và ngoài nước. Ở đó, mọi người có thể tìm hiểu quy trình may đo và cho ra một sản phẩm áo dài vô cùng bài bản, hay như những cuộc diễu hành để quảng bá áo dài bằng xe đạp dạo quanh TP. Huế. Đó còn là cuộc “gặp gỡ” giữa áo dài Việt Nam và hanbok của Hàn Quốc vô cùng ấn tượng để mọi người có cái nhìn thú vị về “quốc phục” của hai đất nước, và áo dài cũng đã có cuộc “se duyên” với các làng nghề truyền thống nổi tiếng khi được các nhà thiết kế lấy cảm hứng để sáng tạo.
Đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà thiết kế từ nhiều tỉnh, thành đã về Huế dịp này. Họ đến với Huế cùng các bộ sưu tập áo dài, những ý tưởng mới lạ để áo dài đi xa, những hiến kế để ngành may đo áo dài phát triển. Tuần lễ này diễn ra trong nhiều năm qua và cũng như những năm trước, lần này ban tổ chức một lần nữa mong muốn không chỉ giúp người dân và du khách tiếp cận, hiểu rõ hơn về áo dài, từ đó trân quý, nâng niu chiếc áo dài truyền thống - “quốc phục” nói riêng, mà còn góp phần giáo dục tình yêu đối với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, thông qua tuần lễ góp phần quảng bá văn hóa, thu hút du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Nhiều người khi đến với sự kiện này đã ít nhiều hiểu thêm giá trị của bộ áo dài. Bởi với họ lâu nay, bộ áo dài truyền thống chỉ là đơn thuần một bộ áo dài, nhưng qua những câu chuyện, ý nghĩa lịch sử cũng như hành trình cho ra đời chiếc áo dài là chuyện ít khi họ để tâm tới. “Tôi biết thêm về sự ra đời của tà áo dài truyền thống và công sức để may đo một bộ áo dài là chuyện không hề đơn giản, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Để rồi khi mang trên mình bộ áo dài truyền thống mình mới thêm yêu, thêm quý hơn giá trị mà ông cha đã để lại”, chị Nguyễn Thu Huyền, một du khách tâm sự khi tìm hiểu không gian trải nghiệm may đo diễn ra trong tuần lễ chia sẻ.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nói rằng, thời gian qua, tỉnh đã có những động thái rất mạnh mẽ trong việc xây dựng thương hiệu và tạo điều kiện cho sản phẩm áo dài phát triển. Đó còn là nỗ lực rất lớn của các sở, trong đó có việc xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”, đăng ký bản quyền, logo… Qua đó, làm cơ sở rất tốt về mặt thương hiệu để phát triển.
Nói về những chính sách tạo điều kiện cộng đồng, người dân, doanh nghiệp phát triển, lan tỏa áo dài ra cộng đồng, ông Hải cho biết, đang nghiên cứu, tham mưu để lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện tốt hơn trong việc tìm kiếm nguyên liệu, đào tạo nhân lực, đây là điều hết sức quan trọng. “Đây là nhiệm vụ vừa bảo tồn nghề truyền thống, vừa phát triển sản phẩm theo hướng đương đại, đáp ứng được yêu cầu mới của các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Có như thế áo dài mới được tạo thêm sức sống mới, có cơ hội để phát triển, thực sự trở thành sản phẩm không chỉ là văn hóa, du lịch truyền thống, phản ánh đặc trưng của Huế mà còn là sản phẩm hấp dẫn đối với du khách”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, những việc làm vừa qua đã tạo được những cơ sở ban đầu rất tốt. Tuy nhiên, để có thể thành công như mục tiêu đề án “Huế - Kinh đô áo dài” đề ra còn phải làm rất nhiều việc. Trong đó, phải quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa kể cả nguồn lực, cơ chế chính sách và làm sao có cuộc vận động thật tốt để cho mọi người dân hiểu được các giá trị văn hóa truyền thống, bao gồm cả áo dài. Trong đó, Tuần lễ Áo dài cộng đồng là việc làm lan tỏa rất tốt khi đón nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, du khách.
Theo baothuathienhue.vn