Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.159.494
Truy cập hiện tại 421 khách
Nghị lực sống của chàng trai từng lao vào biển lửa cứu mẹ
Ngày cập nhật 10/06/2024

Trưa cuối tháng 5, vừa bán hết cọc vé số, Tuấn vội vã chạy chiếc xe ba bánh kịp về nhà trước cơn mưa và dọn cơm cúng trên bàn thờ mẹ.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn ở trước nhà thuộc phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, trưa 30/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thói quen được Nguyễn Thanh Tuấn duy trì một tháng nay kể từ khi bà Thu, mẹ anh, qua đời vì ung thư. "Tôi muốn ngôi nhà ấm áp như mẹ còn ở đây", chàng trai 30 tuổi, ở phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng, nói.

Tuấn lớn lên trong gia đình khó khăn và những trận đòn liên miên của bố. Năm 2009, bố mẹ ly hôn, Tuấn và anh trai dọn ra nhà trọ ở cùng mẹ. Anh trở thành trụ cột chính của gia đình với nghề phụ hồ.

Một buổi tối năm 2016, Tuấn trở về nhà sau 10 tiếng ở công trường nên người mệt lả, nấu vội mì tôm. Trong lúc đợi nước sôi, Tuấn tranh thủ sửa xe máy, vô tình làm xăng nhỏ giọt xuống sàn.

Lửa từ bếp gas gần đó nhanh chóng bén xăng, cháy bùng. Anh hoảng hốt chạy ra ngoài thì ngọn lửa đã bao trùm xe, lan ra đồ đạc ở tầng trệt. Lúc này, Tuấn mới nhớ còn mẹ ngủ trên gác nên băng qua ngọn lửa, chạy vào vác bà trên vai. Khi gần ra cửa, quần Tuấn bị mắc vào cạnh xe máy. Anh chỉ kịp đẩy mẹ ra khỏi cửa còn thân mình bị chìm trong biển lửa.

Tỉnh lại, Tuấn thấy mình nằm trong Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM với chẩn đoán bỏng 83%, hai chân hoại tử buộc phải cắt. Bà Thu khóc cạn nước mắt khi thấy từng mảng da cháy, con đau đến co giật, mất ý thức phải dùng thuốc an thần để ngủ.

Những ngày chiến đấu với tử thần trên giường bệnh, Tuấn nhiều lần muốn bỏ cuộc bởi tiền gia đình đã cạn, không còn chỗ vay thêm. Một lần trong cơn đau, anh nói với mẹ về chuyện hậu sự, coi như số phận mình ngắn ngủi. Bà Thu chỉ lặng thinh. "Con đi rồi mẹ biết sống làm sao", người mẹ nói.

Tuấn nhìn mái tóc điểm bạc của mẹ và tưởng tượng nỗi đau khi bà không còn mình trên đời, nghị lực sống trong lòng chàng trai trẻ trỗi dậy. Hôm sau, anh cố nuốt thức ăn và chấp nhận phác đồ điều trị trong nửa năm. Một bác sĩ thương hoàn cảnh của mẹ con Tuấn đã chia sẻ câu chuyện với mạnh thường quân, Tuấn nhận được hỗ trợ chi phí điều trị còn lại.

Đầu năm 2017, Tuấn được xuất viện. Anh nhờ mẹ giúp đỡ sinh hoạt vài tuần đầu, sau đó cố chịu những vết thương tứa máu để luyện cử động tay, cầm muỗng, tự tắm rửa. Khi cứng cáp hơn, anh tập đi bằng đầu gối, chống tay lên hai chiếc ghế sắt và quanh quẩn trong nhà. Gánh nặng tiền sinh hoạt ba mẹ con đổ dồn lên người anh cả làm nghề cưa cây thuê.

Tuấn thương anh, nói với mẹ về kế hoạch đi bán vé số để đỡ đần. Anh bắt đầu tập di chuyển bằng chân giả và xe ba bánh. Những ngày đầu, Tuấn không thể điều khiển bởi tay phải đã cháy biến dạng, mất lực, ngón không thể co, anh nhờ thợ sửa chuyển tay ga qua bên trái.

Giữa trưa nắng gắt, mồ hôi Tuấn túa đầy trên mặt và cổ do phần da thân chằng chịt sẹo, không còn lỗ chân lông. Anh thở hồng hộc, dễ mất sức, mất nước nhưng mỗi ngày vẫn cố bán được 100.000 - 120.000 đồng mang về cho mẹ.

"Tôi thấy vui vì không trở thành gánh nặng cho gia đình", anh nói.

Đời Tuấn êm đềm được vài năm thì biến cố lại lần nữa ập đến. Tháng 2/2021, anh trai Tuấn bị tai nạn trong lúc cưa cây nên qua đời. Nỗi đau chưa nguôi ngoai, đầu năm 2022, bà Thu được chẩn đoán ung thư cổ tử cung, tiên lượng xấu. Tối cùng ngày, Tuấn ngồi trước hiên nhà khóc như mưa nhưng không dám nói với mẹ.

Anh sợ bà từ chối trị bệnh nên an ủi "bệnh không quá nặng, con lo được". Để lo tiền cho phác đồ 6 đợt hóa trị đầu tiên, Tuấn bán vé số 10-12 tiếng mỗi ngày.

Tóc bà Thu rụng dần rồi cạo trọc, sức khỏe yếu, vật vã với từng cơn đau quặn bụng. Giữa trưa, anh tranh thủ 30-45 phút để về nấu cơm và tắm rửa cho mẹ rồi bán tiếp tới mịt tối.

Tuấn nói những ngày cận đợt xạ trị là thời điểm anh thấy mình bế tắc nhất, vét sạch tiền trong nhà không đủ, anh phải vay mượn thêm bạn bè, người thân. Tuy vậy, anh vẫn động viên mẹ "con bán được, có tiền".

Nhưng bà Thu chỉ chịu được đến đợt xạ trị thứ tư và mất trong buổi sáng cuối tháng 4. "Trước đó, bà đã cảm thấy an lòng phần nào vì tôi tàn tật nhưng vẫn tự lo được cho mình", Tuấn nói. "Bà ra đi thanh thản và nhẹ nhàng".

Bà Thu Trang, cựu cán bộ phòng Lao động thương binh và xã hội thị xã Trảng Bàng, từng phụ trách trường hợp của Tuấn cho biết anh là trường hợp khó khăn nhưng có nghị lực sống.

Sau tai nạn, địa phương đã có chế độ trợ cấp xã hội dành cho người tàn tật cùng sổ bảo hiểm y tế. Cuộc sống của Tuấn hiện ổn định.

"Em chăm chỉ, lao động bằng sức mình, tuy tàn nhưng không phế và sống biết vươn lên", bà Trang nhận xét.

Năm ngoái, trong lúc bán vé số, Tuấn làm quen được với cô gái cùng nghề, cũng bị tật ở chân. Từ sự đồng cảm, họ xem nhau như vợ chồng và cùng chăm sóc bà Thu.

Vợ Tuấn hiện đang mang bầu tháng thứ 6. Người chạy xe ba bánh, người ngồi xe lăn, cùng nhau đi làm mỗi ngày. Vợ chồng đang tích lũy tiền để đón đứa con đầu lòng.

"Sau biến cố, tôi vẫn cảm thấy mình đủ may mắn khi có thể tìm được hạnh phúc", Tuấn nói. "Chỉ tiếc cháu chào đời không được gặp bà nội".

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày