Lễ hội “Xuân yêu thương” của các Hội thánh Tin lành Việt Nam.
Cùng với quá trình phát triển và đổi mới của đất nước, đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt Nam có nhiều chuyển biến, từ đây đặt ra yêu cầu Đảng, Nhà nước phải làm tốt hơn nữa công tác tôn giáo và đoàn kết dân tộc trong tình hình mới. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã và đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo cho nhân dân mà trọng tâm là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Từ cơ sở của đạo luật này, Việt Nam đã ban hành nhiều nghị định quan trọng, gần nhất là Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29/12/2023 quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Không chỉ vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng được lồng ghép trong các văn bản pháp luật quan trọng khác như Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và mới đây là Luật Đất đai năm 2024. Qua đó, nhiều vấn đề mới đã được ban hành nhằm củng cố, nâng cao quyền của người theo tôn giáo đang sinh sống, làm việc trên lãnh thổ Việt Nam như quyền bày tỏ niềm tin, tín ngưỡng của phạm nhân; chính sách nhà nước giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo…
Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam tiếp tục phát triển ngày một sinh động và đa dạng. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện có hơn 27 triệu người Việt Nam đang sinh hoạt trong 38 tổ chức, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành trực thuộc 16 tôn giáo. So với năm 2022, số lượng người Việt Nam theo tôn giáo đã tăng gần 56.000 người, chức sắc tăng 814 người, cơ sở thờ tự tăng 142 địa điểm. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo, tính riêng năm 2023 Nhà xuất bản Tôn giáo đã xuất bản 2.400.000 bản kinh sách, tài liệu liên quan bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và các tiếng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo và xây mới cơ sở tôn giáo. Tính đến nay, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc đạt hơn 70%. Nhiều cơ sở thờ tự được xây dựng, tôn tạo khang trang, quy mô để bà con an tâm sinh hoạt tinh thần.
Những kết quả nêu trên đã cho thấy một bức tranh Việt Nam đa tôn giáo nhưng luôn chung sống thân thiện, hợp tác, đoàn kết trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khác nhau, một số cá nhân, tổ chức vẫn giữ cái nhìn, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Từ thực tế này, thời gian qua, Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại tôn giáo một cách toàn diện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, phải kể đến việc công bố Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, các hoạt động tăng cường đối thoại quốc tế, xóa bỏ những hiểu nhầm, bác bỏ những luận điệu thiếu thiện chí liên quan đến các vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam.
Năm 2023, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tạo điều kiện cho hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài. Ở chiều ngược lại, cơ quan chức năng đã cấp phép cho gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Các ban, bộ, ngành và chính quyền địa phương đã hỗ trợ cấp phép cho các tổ chức tôn giáo đăng cai, tổ chức các sự kiện lớn như Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu của Giáo hội Công giáo Việt Nam; Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Lễ hội “Xuân yêu thương” của các Hội thánh Tin lành Việt Nam…
Trên diễn đàn quốc tế, trong năm 2023, Bộ Nội vụ đã tiếp 14 đoàn khách quốc tế đến tìm hiểu về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Từ ngày 10-22/10/2023, Đoàn liên ngành và chức sắc tôn giáo do Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng đứng đầu đã thăm Hoa Kỳ để trao đổi về chính sách tôn giáo và thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Trong chuyến thăm này, đoàn đã làm việc với các đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ… Qua đó, thống nhất cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin thông qua cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Hoa Kỳ và qua kênh đối thoại với Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ). Song song với hoạt động này, Đoàn cũng tổ chức gặp và làm việc bàn tròn, tọa đàm với cá nhân và lãnh đạo các tổ chức tôn giáo Hoa Kỳ tại cơ sở tôn giáo.
Trong các cuộc gặp gỡ này, đại diện phía Hoa Kỳ cũng như các chức sắc tôn giáo Hoa Kỳ đã phần nào ghi nhận những thành tựu, kết quả đạt được của Việt Nam trong công tác tôn giáo. Đáng chú ý, tại dịp này, mục sư Franklin Graham, Chủ tịch Hiệp hội truyền giáo Billy Graham đã khẳng định mong muốn đảm nhận vai trò “đại sứ tôn giáo” cho Việt Nam để chia sẻ, giải thích cho chính giới và các tổ chức của phía Hoa Kỳ, vận động cho Việt Nam sớm ra khỏi SWL (Danh sách theo dõi đặc biệt của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo).
Nổi bật trong chính sách đối ngoại tôn giáo của Việt Nam từ năm 2023 đến nay phải kể đến những bước tiến trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican. Cụ thể vào tháng 7/2023 hai bên đã thống nhất Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú và Văn phòng Đại diện Thường trú ở Việt Nam. Ngày 23/12/2023, Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. Ngày 31/1/2024, Tổng Giám mục Marek Zalewski đã đến Việt Nam đảm nhiệm chức vụ này. Đồng thời tại cuộc gặp giữa Đoàn liên ngành và chức sắc tôn giáo diễn ra vào tháng 10/2023, Đại diện Tòa thánh Vatican tại Liên hợp quốc, Tổng Giám mục Gabriele Caccia đã tuyên bố ủng hộ Việt Nam ra khỏi danh sách SWL, thúc đẩy quan hệ nhà nước giữa Việt Nam và Tòa thánh trong thời gian tới. Mới đây, từ ngày 9-14/4/2024, Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican Paul Richard Gallagher đã có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam. Trong lần đầu đến Việt Nam, Tổng Giám mục, Bộ trưởng Ngoại giao Gallagher đã rất ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế và đối ngoại Việt Nam mà trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng Công giáo Việt Nam. Đồng thời, ông tin tưởng với sự hiểu biết lẫn nhau, đối thoại chân thành, quan hệ Việt Nam-Tòa thánh sẽ đạt được những phát triển mới.
Những kết quả nêu trên là minh chứng không thể phủ nhận khi đề cập vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Thành tích ấy đến từ nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị khi luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng tôn giáo, từ đó chủ động giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo thiết thực, ý nghĩa. Mặc dù vậy, những tháng gần đây, các hoạt động lợi dụng quyền tự do tôn giáo để chống phá của các hội, nhóm phản động, cực đoan có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng không giấu giếm mục đích tạo bất lợi cho Việt Nam tại phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, cũng như ngăn Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách SWL.
Bằng cách xuyên tạc một số vụ án như “Tịnh thất Bồng Lai”, “Ân đàn đại đạo”, “tín ngưỡng Dương Văn Mình”, các đối tượng chống phá cố tình hướng lái dư luận, quy kết Việt Nam “bách hại những cộng đồng tôn giáo độc lập [mà] không tuân thủ sự kiểm soát của nhà nước”, bất chấp sự thực đây là những vụ án đã được xét xử công khai, minh bạch, đúng người, đúng tội. Song song đó, các tổ chức chống phá cũng lợi dụng triệt để nhận thức chủ quan, hành xử thiếu kinh nghiệm của một số cán bộ khi thực thi pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, các vụ việc này chỉ mang tính đơn lẻ, xuất phát từ sai lầm cá nhân của người làm công tác tôn giáo, tín ngưỡng. Dẫu vậy các hội, nhóm cố tình vu khống Nhà nước Việt Nam “ép” người dân “bỏ đạo” bằng cách xây dựng, áp dụng các chính sách, pháp luật để “ngăn cản họ trong việc thực thi niềm tin tôn giáo một cách độc lập”.
Trên thực tế, sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đi vào đời sống, Việt Nam có thêm 3 tổ chức tôn giáo mới được công nhận. Số lượng điểm nhóm được cấp phép sinh hoạt tôn giáo tập trung tăng theo thời gian ở tất cả các tôn giáo. Hiện tại cả nước có gần 4.000 điểm sinh hoạt tôn giáo, trong đó có 67 điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo dành cho người nước ngoài. Con số này cao hơn đáng kể khi đối sánh với số lượng 2.600 điểm nhóm được cấp phép sinh hoạt tôn giáo tập trung trước năm 2018 (thời điểm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chính thức có hiệu lực).
Đáng tiếc, một số tổ chức, cơ quan theo dõi tình hình tôn giáo thế giới ở các quốc gia, tổ chức liên chính phủ như Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vẫn tiếp tục sử dụng những cứ liệu sai sự thật, không chính xác làm nguồn tham khảo cho các báo cáo, đánh giá của mình. Việc làm này không những tự làm giảm giá trị và tính khách quan của các bản báo cáo mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến những cố gắng, công sức của Việt Nam với công tác đối ngoại giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tôn giáo. Có thể khẳng định, từ trước đến nay, Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn về lĩnh vực tôn giáo với các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế để cùng tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề còn khác biệt. Tuy nhiên, điều này phải được thực hiện trên nền tảng của sự tăng cường hiểu biết, tinh thần đối thoại cởi mở, hợp tác chặt chẽ và tôn trọng lẫn nhau./.
QUANG MINH (nhandan.vn)