Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.149.683
Truy cập hiện tại 739 khách
UNESCO ghi danh di sản tư liệu thứ 4 của Huế
Ngày cập nhật 12/05/2024

TTH - Với những giá trị đặc biệt, độc đáo về hình thức, nội dung thông tin, “Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” vừa được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 8/5, và trở thành Di sản Tư liệu thế giới thứ 4 của Huế.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, “Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản Tư liệu thứ 4 của Huế được UNESCO ghi danh sau các di sản Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

Chín chiếc đỉnh bằng đồng (Cửu đỉnh) do vua Minh Mệnh cho đúc từ năm 1835-1837, nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Với trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công ở nước ta, 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề khác nhau trên Cửu đỉnh, cùng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau đã đưa Cửu đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia. Sau gần 200 năm, Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Đây là những bản nguyên gốc và cũng là bản duy nhất. Năm 2012, Cửu đỉnh được công nhận Bảo vật Quốc gia.

Theo bà Lê Thị Hồng Vân, Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, “Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” được vinh danh là niềm vui không chỉ đối với riêng Thừa Thiên Huế, mà còn là niềm vinh dự và tự hào của tất cả người dân Việt Nam. Việc Hồ sơ lần này được ghi danh đã nâng tổng số các danh hiệu, di sản UNESCO mà Việt Nam sở hữu lên 68 danh hiệu, góp phần thực hiện vượt mục tiêu của “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030”.

“Đây là sự ghi nhận, tin tưởng mà các nước khu vực và bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tư liệu. Việc Thừa Thiên Huế có thêm một di sản, danh hiệu được UNESCO công nhận sẽ góp phần giúp địa phương tiếp tục tham gia và mở rộng sự kết nối, trao đổi các kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu trong khu vực”, bà Lê Thị Hồng Vân nói.

Cục trưởng Cục Di sản - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Thu Hiền cũng đánh giá kết quả này là xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động bảo tồn các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản tư liệu nói riêng. Đồng thời, sự vinh danh này sẽ là nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế. Từ đó, đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương Thừa Thiên Huế.

Có mặt cùng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị tại Mông Cổ, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Lê Công Sơn vui mừng bày tỏ: Sự kiện “Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” chính thức trở thành Di sản Tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO thực sự là vinh dự của tỉnh Thừa Thiên Huế khi có di sản thứ 8 được công nhận là Di sản thế giới. Điều này đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của di sản văn hóa Huế trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh về lâu dài. Đặc biệt, đây sẽ là động lực to lớn để sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày