Toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình, Nghị quyết số 11 về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của Tỉnh ủy, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm từ 4,93% năm 2021 xuống còn 2,27% năm 2023, bình quân hàng năm giảm 1,33%, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo huyện A Lưới giảm từ 49,98% năm 2021 xuống còn 24,3% cuối năm 2023, bình quân hàng năm giảm 8,56%, vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ đề ra (hàng năm giảm từ 4-5%). Giai đoạn 2021-2025, có 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, đến nay có 3/7 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Người nghèo, người yếu thế đều được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, các chính sách như: tín dụng ưu đãi, bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý…
Hội nghị cũng nêu bật những dự án, mô hình, giải pháp giảm nghèo, chương trình lồng ghép... của các ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội như: Chăm lo cho người nghèo và vận động Quỹ vì người nghèo, dòng họ, làng bản không có hộ nghèo, các dự án/mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách cho vay vốn thoát nghèo, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế... được triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó đã cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo, hộ nghèo, góp phần ổn định đời sống của người dân.
Đánh giá kết quả, thành tựu trong công tác giảm nghèo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình ghi nhận đây là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận của nhân dân. Công tác chỉ đạo điều hành, triển khai các chính sách đến với đối tượng thụ hưởng đảm bảo hiệu quả, đúng quy định. Công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình cũng được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Huy động, lồng ghép các nguồn lực
Để giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu đề ra và giảm nghèo bền vững, nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đề xuất cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp tình hình thực tế.
Các ngành, các địa phương tập trung, ưu tiên nguồn lực theo hướng ưu tiên các chương trình, dự án mang lại hiệu quả cao như hỗ trợ vốn sản xuất, nhà ở, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo… Lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ. Trong quá trình thực hiện, cần phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh, tỉnh cần ưu tiên cân đối nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương, huy động nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Chương trình. Chú trọng các giải pháp để làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giải quyết đất, vốn sản xuất và có chính sách đặc thù đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người không có khả năng lao động cũng như các đối tượng yếu thế khác.
Đối với huyện A Lưới và các xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, Thứ trưởng Lê Văn Thanh lưu ý tỉnh cần nghiên cứu, có giải pháp cụ thể về giảm nghèo, tránh tình trạng giảm nghèo không bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao.
Tại hội nghị, UBND tỉnh đã trao Bằng khen khen thưởng đối với 10 tập thể và 9 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới.
Theo baothuathienhue.vn