Những viên gạch đầu
Cách đây chưa lâu, mỗi khi có dịp lên công tác hay đi tham quan cùng bạn bè đến A Lưới, nhiều người vẫn ái ngại vì dịch vụ lưu trú ở huyện vùng cao còn quá nghèo nàn, thiếu thốn. Những nhà nghỉ ở thị trấn với phòng ốc ẩm mốc mang âm hưởng của một thời A Lưới nghèo nàn vẫn chưa phai trong ký ức nhiều người. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, khi trở lại A Lưới trong tháng 3/2024 này, chúng tôi đã không khỏi bất ngờ khi chất lượng dịch vụ du lịch nơi đây phát triển vượt bậc.
Từ ngã ba trên đường Hồ Chí Minh, đi vào khu du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr, một cảm giác khác hẳn khi bắt gặp hàng chục ngôi nhà được cải tạo xinh xắn, đèn điện lung linh với những bảng hiệu du lịch homestay treo trước cổng.
Ông Nguyễn Đạm, chủ nhân của Homestay Hồ Trâm (thôn Đút, xã Hồng Kim) cho biết, mô hình du lịch homestay của khu du lịch sinh thái suối A Nôr ra đời từ năm 2008. Thời điểm đó, dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ cho thôn Đút, xã Hồng Kim một tiểu dự án phát triển du lịch cộng đồng với kinh phí 500 triệu đồng. Cụ thể dự án đã hỗ trợ cho 3 hộ gồm Hồ Trâm, Nhuận Thoa và 1 hộ nữa (giờ đã nghỉ do già yếu) cải tạo khu nhà sàn để làm du lịch cộng đồng. Trong số 500 triệu đồng, kinh phí hỗ trợ cho 3 hộ gồm cải tạo nhà sàn, làm đường, cải tạo sân vườn còn lại phần lớn kinh phí được đầu tư cho tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn kinh doanh du lịch. Cùng với đó, UBND huyện A Lưới cũng đã đầu tư tuyến đường và các hạ tầng kỹ thuật, thành lập Hợp tác xã du lịch sinh thái A Nôr. Sau khi khu du lịch đưa vào khai thác, lượng khách đã tăng dần và đến nay, vào các dịp hè, lượng khách đến với A Nôr ngày một đông.
Thấy hiệu quả từ 3 hộ ban đầu, đến nay, tại thôn Đút đã có hơn 10 hộ khác đã tự bỏ tiền cải tạo nhà cửa để chuyển sang kinh doanh du lịch homestay. Với khu homestay của mình, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Đạm cũng có nguồn thu nhập ổn định khoảng 50 triệu đồng. Số tiền đó, đủ bù chi phí cho các dịch vụ và hỗ trợ thêm cho kinh tế gia đình. “Số tiền không lớn nhưng ổn định nên cũng giúp người dân có việc làm. Ngoài ra, thời gian còn lại trong năm, các hộ đầu tư cho trồng rừng, làm nương, rẫy nên cuộc sống cũng ổn định”, ông Nguyễn Đạm cho biết.
Ấn tượng du lịch A Nôr
Trong số những khu homestay tại A Nôr, khu farmstay trang trại cá tầm của vợ chồng anh Hồ Thanh Phương (40 tuổi) nằm cuối tuyến du lịch là một điểm du lịch được đầu tư khá bài bản.
Tại đây, bên cạnh những hồ nuôi cá tầm là những khu nhà sàn được xây dựng bằng gỗ với phòng ốc được hiết kế sang trọng và chất lượng. Khu farmstay hiện có 3 khu nhà sàn phục vụ lưu trú khách đơn lẻ hoặc đoàn với khả năng phục vụ tối đa khoảng 50 người. Các phòng nghỉ được xây dựng với kiến trúc gỗ trồng thân thiện với môi trường, có ban công và tầm nhìn đồi núi tuyệt đẹp.
Mẹ mất sớm từ khi mới 12 tuổi, nhà nghèo còn hai em nhỏ, Hồ Thanh Phương luôn trăn trở làm sao biến khu đồi núi khô cằn thành nơi có thể mang lại kinh tế để phục vụ gia đình và nuôi em ăn học. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Phương trở lại nương rẫy và bắt đầu cải tạo đất. Từ sức lao động của mình, Phương bắt đầu đào ao nuôi cá.
Khi đang miệt mài cải tạo nương rẫy thì Phương may mắn nhận được giấy báo trúng tuyển vào đại học với ngành Khoa học máy tính tại một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Gác lại công việc nương rẫy, Phương khăn áo lên đường học đại học với mong muốn kiếm được việc làm ổn định ở thành phố. “Xác định mình là người dân tộc, muốn thoát nghèo không còn con đường nào khác ngoài học, nên từ đầu mình đã học rất chăm chỉ. Học đến đâu phải nắm chắc kiến thức đến đó”, Hồ Thanh Phương chia sẻ.
Tốt nghiệp đại học, anh Phương trở lại A Lưới và tiếp tục bắt tay cải tạo nương rẫy, đào thêm ao thả cá… lấy ngắn nuôi dài. Cuộc sống vốn dĩ không phụ công người chăm chỉ, năm 2009, Hồ Thanh Phương chính thức được tiếp nhận vào làm việc tại VNPT chi nhánh huyện A Lưới, sau khi nộp hồ sơ ứng tuyển. Có việc làm phù hợp với chuyên môn ngay tại quê hương, có thu nhập ổn định là cơ sở để Hồ Thanh Phương có thể vay vốn tiếp tục đầu tư cho khu trang trại ấp ủ bấy lâu của mình. Không chỉ cần mẫn với cải tạo đất vườn, Phương đã đăng ký học thêm văn bằng 2 ĐH Kinh tế, ĐH Huế để bổ sung kiến thức quản trị kinh doanh. Cùng thời gian này, anh cũng lên tận Tây Bắc, Đà Lạt để học tập các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp thành công của các địa phương.
Sau nhiều lần thất bại, đến nay anh Phương đã làm chủ được kỹ thuật nuôi cá tầm từ nguồn nước tự nhiên A Lưới. Mỗi lứa thả nuôi lên đến 1.000 con giống, sau khoảng 1 năm nuôi có thể thu hoạch với giá 300.000 đồng/kg (cá từ 1kg đến 10kg). Sản phẩm cá tầm A Lưới của Hồ Thanh Phương giờ đây không chỉ là món đặc sản của khu farmstay mà đã bắt đầu có mặt trên các nhà hàng đặc sản A Lưới, TP. Huế và các vùng lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam.
Hiện, khu Farmstay A Nôr - trang trại cá tầm của Hồ Thanh Phương đang hoạt động ổn định với lượng khách đạt 80% phòng lưu trú mùa hè (từ tháng 3 - 8 trong năm). Nguồn thu ổn định đã giúp vợ chồng anh trang trải nợ nần, tiếp tục đầu tư mở rộng ao hồ, tạo việc làm ổn định cho 3 - 4 người dân địa phương với mức thu nhập từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Với vùng cao A Lưới mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp của anh Hồ Thanh Phương đang trở thành hình mẫu cho nhiều bạn trẻ học tập, phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp ngay trên chính tiềm năng của quê hương mình.
Theo baothuathienhue.vn