Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.104.938
Truy cập hiện tại 1.042 khách
Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1-7-2009: Có gì mới ?
Ngày cập nhật 24/06/2009

Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2008 sẽ chính thức có hiệu lực trong tuần tới (ngày 1-7-2009). So với Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội phê duyệt ngày 29-6-2001, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có rất nhiều điểm mới.

Kiểm soát chặt hơn đối với người uống bia, rượu tham gia giao thông

 

Nếu như Luật Giao thông đường bộ năm 2001 chỉ quy định chung là nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc 40mg/l khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng thì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có những quy định cụ thể hơn.

Đó là có sự phân loại đối với từng đối tượng sử dụng xe, cụ thể: cấm người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn; cấm người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở. Riêng đối với ma túy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ ràng là cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy.

Điều này phải hiểu là người điều khiển phương tiện có thể không sử dụng ma túy trong khi tham gia giao thông nhưng trong người có chất ma túy cũng bị phạt. Về điểm này, Luật Giao thông đường bộ năm 2001 trước đây quy định chưa rõ ràng cấm người lái xe sử dụng chất ma túy.

 

Tất cả người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy 2 bánh, xe đạp điện phải đội nón bảo hiểm

 

Điều 30 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô 2 bánh, mô tô 3 bánh và xe gắn máy 2 bánh khi lưu thông phải đội nón bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Điều 31 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh hành vi của người đi xe đạp cũng có quy định tương tự: người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội nón bảo hiểm có cài quai đúng quy định. Luật Giao thông đường bộ năm 2001 giao việc này cho Chính phủ quy định.

 

Phải mang 4 loại giấy tờ khi tham gia giao thông

 

Nếu như Luật Giao thông đường bộ năm 2001 chỉ quy định người tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển thì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định tới 4 loại giấy tờ mà người tham gia giao thông cần mang theo. Đó là: giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới và giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

 

 Tăng quyền cho thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông

 

Đã có một thời thanh tra giao thông “than trời” về việc không có quyền dừng xe nên rất khó xử phạt các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong quyền hạn của mình thì nay Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã trao quyền ấy cho thanh tra giao thông. Điều 86 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: trong trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, thanh tra giao thông được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Với cảnh sát giao thông đường bộ, nếu như trước kia chỉ tập trung xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông thì Luật Giao thông đường bộ mới năm 2008 giao thêm trách nhiệm: phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.

Ngoài ra, Quốc hội cũng giao quyền cho Chính phủ quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.

 

Đảm bảo an toàn cho người đi bộ và người khuyết tật

 

Một trong những yêu cầu đối với công trình giao thông đường bộ xây dựng mới được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là phải đảm bảo an toàn cho người đi bộ và người khuyết tật. Đường bộ đô thị phải có hè phố, cầu vượt, hầm chui và các giải pháp tổ chức giao thông cho người đi bộ, người khuyết tật đi lại an toàn, thuận lợi. Mọi người phải có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường. Riêng người khuyết tật nếu điều khiển xe mô tô 3 bánh dùng cho người khuyết tật thì được cấp giấy phép lái xe hạng A1.

 

“Phân cấp” quy định tốc độ chạy xe, công bố tải trọng đường

 

Luật Giao thông đường bộ 2001 quy định Bộ Giao thông Vận tải quy định tốc độ chung cho tất cả các tuyến đường thì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có sự “phân cấp” trong công tác này. Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ lắp đặt biển báo tốc độ ở quốc lộ, địa phương quy định tốc độ ở các tuyến đường do địa phương quản lý. Tương tự, đối với việc công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, các địa phương sẽ thực hiện công tác này đối với đường bộ do địa phương quản lý.

 

Quỹ đất cho giao thông phải đạt 16%-26%

 

Điều 42 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định một điều rất mới so với luật cũ: quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác lập tại quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. UBND cấp tỉnh xác định và quản lý quỹ đất này. Tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải đảm bảo từ 16%-26% tùy loại đô thị. Quỹ đất cụ thể cho từng loại đô thị sẽ do Chính phủ quy định.

 

 Không được tùy tiện chạy vào đường cao tốc

 

Đây cũng là một quy định rất mới của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Đó là người đi bộ, đi xe thô sơ, xe gắn máy 2 bánh, xe mô tô và xe máy kéo, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/giờ không được đi vào đường cao tốc trừ người và phương tiện giao thông, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

 

Theo SGGP

Các tin khác
Xem tin theo ngày