Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.131.959
Truy cập hiện tại 5.241 khách
Máy tách sợi từ cây lưỡi hổ
Ngày cập nhật 16/02/2023

TTH - Đạt giải nhì lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí từ cuộc thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2021 - 2022, máy tách sợi từ lá cây lưỡi hổ là sản phẩm có tính ứng dụng cao khi tạo nên vật liệu xanh thân thiện với môi trường.

Đây là chiếc máy được tạo nên bởi Đoàn Nguyễn Minh Nhật và Phan Thị Thùy Dương, hai cô cậu học trò tại Trường THPT Vinh Lộc (Phú Lộc). Nghiên cứu, thiết kế dựa trên những bộ phận của các loại máy móc cũ có sẵn và dễ thay thế, máy tách sợi là lựa chọn cho hiệu năng cao, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ địa phương.

Chia sẻ về ý tưởng tạo nên chiếc máy này, Minh Nhật nói: “Lưỡi hổ là loại cây hoang dã và mọc rất nhiều ở ven biển quê em. Thông thường, người dân dùng sợi tước từ cây lưỡi hổ để cột, buộc các vật dụng. Từ đó, chúng em bật lên ý nghĩ tạo ra chiếc máy có thể tách lấy sợi của loại cây này mà không cần dùng quá nhiều công sức”.

Càng đi sâu tìm hiểu, cô và trò ngôi trường miền biển càng bất ngờ bởi tính ứng dụng đa năng của loại cây mọc hoang này. Là sợi phân hủy sinh học, sợi lưỡi hổ có đặc tính thân thiện với môi trường. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh sợi lưỡi hổ có thành phần hóa học, đặc tính cơ lý, cơ hóa và hình thái phù hợp để ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Không chỉ là nguyên liệu thân thiện với môi trường cho ngành công nghiệp dệt may (vải làm từ sợi lưỡi hổ có khả năng chống nhăn), loại sợi tự nhiên này còn có thể biến hóa thành đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng. “Từ dây thừng, võng, chỉ thêu đến chỉ nha khoa, sợi lưỡi hổ đều có thể đáp ứng được. Thậm chí chúng còn dùng để sản xuất vật liệu composite có khả năng cách âm, cách nhiệt”, Thùy Dương cho biết.

Bắt tay vào thực hiện đề tài, Thùy Dương và Minh Nhật đã gặp rất nhiều khó khăn bởi điều quan trọng nhất sau khi tách đó là sợi vẫn phải giữ được độ bền chắc cũng như những đặc tính vốn có (cũng là những đặc tính quý của loại sợi này). Thử nhiều phương pháp khác nhau như cạo thủ công, ngâm dung dịch hóa học, dùng enzim phân hủy thịt lá, mỗi phương pháp đều không phù hợp, hơn nữa lại gây ô nhiễm môi trường. Cũng từ đó, hệ thống máy với lưỡi dao, trục đỡ cùng động cơ quay tách sợi ra đời.

Kéo ra từng chiếc lá lưỡi hổ đã được tách sợi kỹ càng, Thùy Dương phân tích: “Cơ cấu tách sợi quay sẽ tạo ra một lực đánh vào mặt lá làm tơi lớp da và thịt lá, từ đó sẽ giữ lại phần sợi. Trong quá trình rút lá ra khỏi máy, phần bã lá còn lại sẽ được đánh bay ra ngoài. Điều này được thực hiện dễ dàng khi chúng em thử nghiệm khoảng cách giữa trục đỡ lá và lưỡi dao. Thực tế với khoảng cách 1,5mm, máy có khả năng tách sợi lên đến 95% với thời gian trung bình cho mỗi lá từ 5 – 7 giây”.

Máy có hình dáng nhỏ gọn, dễ dàng tháo lắp, bảo dưỡng và di chuyển. Không chỉ có khả năng chống giật, cảm biến còn được sử dụng để tắt khi máy xảy ra sự cố, giúp người dùng yên tâm sử dụng. Ngoài tách hiệu quả sợi từ cây lưỡi hổ bản địa, chiếc máy này có thể linh động điều chỉnh khoảng cách dao để áp dụng tách sợi cho các loại lá lưỡi hổ khác nhau. Hơn nữa, chiếc máy này còn có thể tách sợi cho một số cây khác như lá cây dứa, lá chuối.

Thạc sĩ Lâm Thị Quỳnh Tiên, giáo viên hướng dẫn đề tài, cho biết: “Lưỡi hổ là loài cây bản địa rất dễ sinh sôi, là nguồn nguyên liệu không cần chăm sóc hoặc nếu mở rộng quy mô có thể nhân giống và thu hoạch một cách dễ dàng. Bởi thế, máy tách sợi từ lá cây lưỡi hổ khi cải tiến có thể trở thành dây chuyển sản xuất sợi thô, từ đó tạo nên nguyên liệu thân thiện, đa dụng, hạn chế ô nhiễm môi trường”.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Các tin khác
Xem tin theo ngày