Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.086.595
Truy cập hiện tại 283 khách
Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp - phương thức nhân dân giao quyền, ủy quyền quyền lực Nhà nước của mình cho đại biểu
Ngày cập nhật 12/05/2021

TCCS - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang được tiến hành ở nước ta. Nhận thức đúng đắn bản chất của chế độ bầu cử ở nước ta, để chẳng những ngày bầu cử sẽ trở thành ngày hội của toàn dân, mà còn là vũ khí tư tưởng để đấu tranh phòng, chống những nhận thức không đúng đắn của một số người và hơn thế nữa là tăng sức đề kháng trước các luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch thường diễn ra trước mỗi cuộc bầu cử.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các cử tri Khu vực bỏ phiếu số 4 gồm các thôn: Lô Lô Chải, Séo Lủng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang_Ảnh: TTXVN

Ở nước ta, bầu cử là phương thức cử tri trực tiếp bầu ra các đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, là phương thức để nhân dân trao quyền lực nhà nước của mình cho Nhà nước (trao quyền lực nhà nước của mình cho người mình lựa chọn). Trong nhà nước dân chủ và pháp quyền thì bầu cử là quyền làm chủ trực tiếp, cơ bản được Hiến pháp quy định và được cụ thể trong một đạo luật về bầu cử. Do đó, có thể nói hành vi bỏ phiếu của cử tri vào thùng phiếu cùng một lúc thực hiện hai chức năng: vừa lựa chọn, vừa trao quyền. Vì vậy, hành vi bầu cử của cử tri đồng nghĩa với việc cử tri trao quyền lực nhà nước của mình cho người mình chọn. Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta có vai trò và ý nghĩa như thế nào? Chế độ bầu cử ở nước ta quy định ra sao? Là những vấn đề cần phải nắm vững trong mỗi cuộc bầu cử.

Vai trò và ý nghĩa của bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp

Trước hết, bằng bầu cử để hợp pháp hóa chính quyền thuộc về nhân dân. Ở nước ta, bầu cử là việc nhân dân lựa chọn, thành lập ra cơ quan đại diện là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và ủy thác quyền lực nhà nước của mình cho họ. Như vậy, ý chí của nhân dân thông qua bầu cử là nền tảng của quyền lực nhà nước. Chính vì thế, chính quyền được thành lập thông qua các cuộc bầu cử hợp pháp, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, bên trong thì nhân dân tin tưởng vào chế độ mình, trước thế giới Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được; để “ngày mai là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”(1). Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa quan trọng của bầu cử, mặc dù trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, chính quyền non trẻ, ngàn cân treo sợi tóc, tình hình kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: “dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước”(2) và tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Người nói: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử, bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v..”(3). Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Hai là, bầu cử là phương thức quan trọng mang tính nền tảng tạo lập nên cơ sở chính trị  - pháp lý vững chắc của đất nước. Bằng bầu cử, không những nhân dân chính thức thừa nhận những người đại diện của mình là lực lượng lãnh đạo xã hội mà còn thông qua bầu cử thể hiện sự đa dạng về giai cấp, tầng lớp, dân tộc, địa phương, tín ngưỡng, tôn giáo. Bởi pháp luật về bầu cử ở nước ta được thiết kế phù hợp với kết cấu xã hội mà nó tồn tại. Bầu cử có vai trò là sự “chuyển hóa” những lá phiếu của cử tri thành các “đại biểu” trong các cơ quan đại diện, là “bức tranh hội tụ” tổng thể hình ảnh của các giai tầng, dân tộc, nhân dân trong cả nước và từng địa phương. Vì vậy, Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp sau các cuộc bầu cử là hình ảnh thu nhỏ của đất nước và địa phương - cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc của đất nước. Ở nước ta cũng như các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân ủy quyền cho các đại biểu dân cử thực hiện quyền lập pháp, lập quy, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và từng địa phương; đồng thời, các đại biểu thực hiện các quyền đó phải phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Với tính đại diện đa dạng cho những bộ phận người dân trong xã hội, cơ quan dân cử có sứ mệnh hòa giải những nhóm và những cộng đồng khác nhau thông qua bàn luận, đối thoại, thậm chí thỏa hiệp(4). Cơ quan đại diện - sản phẩm của bầu cử là hình ảnh thu nhỏ của cơ cấu xã hội trong phạm vi quốc gia hoặc từng địa phương(5). Những quyết định của cơ quan đại diện là sự đồng thuận của những giai tầng trong xã hội, là sự thừa nhận tuyệt đối của nhân dân đối với cơ quan đại diện do mình lập nên. Khi đề cập đến dân chủ nói chung, pháp luật về bầu cử nói riêng, có thể nói rằng, niềm tin về sự đồng thuận xã hội là trái tim của nền dân chủ, đó là niềm tin của các cá nhân đặt vào Nhà nước và hệ thống chính trị. Niềm tin về sự đồng thuận xã hội được hình thành, phát triển trên cơ sở mối quan hệ qua lại giữa hệ thống chính trị thông qua các thiết chế, trong đó có thiết chế là các cơ quan đại điện của nhân dân. Đây là yếu tố rất quan trọng mang tính gốc rễ cho sự thành công hay thất bại của một cuộc bầu cử. Trong bầu cử, thông qua lá phiếu của cử tri, nhân dân trao quyền và đặt niềm tin vào người đại diện để thực hiện quyền lực nhà nước. Chính vì vậy, bầu cử được ví như là một cuộc trưng cầu dân ý về quan điểm, đường lối chính trị của Đảng, năng lực chính trị của các ứng viên. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 ở nước ta là một biểu hiện điển hình, một bức tranh sinh động về một cuộc Tổng tuyển cử của lòng dân và “đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam”(6). Ngày nay, niềm tin với nhau giữa Nhà nước nói chung, các thiết chế dân cử nói riêng với nhân dân để cùng nhau gánh vác, sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm, sự đồng thuận, đoàn kết các lực lượng trong xã hội là nhân tố cực kỳ quan trọng, tạo nên tính bền vững, ổn định giữa nhân dân và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Ba là, bầu cử là một phương tiện quan trọng để nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, hạn chế sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Bầu cử thực chất là sự chuyển giao quyền lực nhà nước của nhân dân cho Nhà nước. Tuy nhiên, cũng chính trong việc chuyển giao quyền lực ấy lại phát sinh một hệ lụy mà nhân dân không hề mong muốn rằng, tuy thoát thai từ nhân dân, từ xã hội, nhưng quyền lực nhà nước lại có xu hướng tách ra khỏi xã hội và “tựa hồ như đứng trên xã hội”. Do vậy, quyền lực nhà nước cần phải được kiểm soát và giới hạn nhằm loại trừ một nghịch lý là quyền lực nhà nước của nhân dân nhưng nó lại có thể đi ngược lại chính nhân dân. Do vậy, việc nhân dân phải giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của mình để hạn chế sự tha hóa quyền lực nhà nước là cần thiết. Bầu cử chính là một trong những phương tiện để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước của mình. Sẽ không sai khi cho rằng: “không chỉ đơn thuần là việc lựa chọn người đại diện mà bầu cử đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và chế ngự quyền lực nhà nước”(7). Sự giám sát, kiểm tra quyền lực nhà nước thông qua bầu cử thể hiện trên hai nội dung là tính định kỳ của các cuộc bầu cử do Hiến pháp và Luật Bầu cử quy định và bãi nhiệm đại biểu nếu họ không xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân.

Kết thúc mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, quyền lực nhà nước lại trở về với nhân dân. Quyền lực nhà nước không bị chiếm giữ lâu dài hay vĩnh viễn bởi những người được trao quyền. Trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ mới, cử tri lại có quyền đánh giá, bày tỏ sự tín nhiệm về người đại diện và quyết định sự tái cử của họ thông qua phiếu bầu. Nếu quyền lực được trao không được sử dụng đúng đắn hoặc lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân thì quyền lực sẽ bị nhân dân thu lại bằng việc lựa chọn và trao lại cho người khác xứng đáng hơn. Quyền bãi nhiệm đại biểu là một nội dung của quyền bầu cử là đặc trưng của dân chủ xã hội chủ nghĩa, thể hiện bản chất nhà nước và tính ưu việt của xã hội. Đó là chế tài mang tính chính trị nghiêm khắc nhất đối với đại biểu.

Bốn là, bầu cử phản ánh sự quan tâm của nhân dân đối với đời sống chính trị của đất nước và là phương thức thực hiện quyền lực chính trị của nhân dân lao động. Sự tham gia của nhân dân, của xã hội vào cuộc bầu cử không chỉ đơn giản và đơn thuần là việc đi bỏ phiếu mà là sự tham gia vào đời sống chính trị của nhân dân từ các công đoạn khác nhau của quy trình bầu cử, như tự ứng cử và giới thiệu người xứng đáng thay mặt mình, ứng cử, nhận xét, đánh giá các ứng viên tại các cuộc họp lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú và nơi công tác; thực hiện quyền khiếu nại và tố cáo theo quy định của Luật Bầu cử ... Sự quan tâm của cử tri đối với bầu cử phải được hình thành trên cơ sở nhận thức sâu sắc về lợi ích của bầu cử, từ ý thức chính trị của người dân đối với Nhà nước. Đây chính là yếu tố rất quan trọng, cơ bản cho sự thành công của một cuộc bầu cử.

Chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta

Gia đình ông Chi Viết Hải (dân tộc Lô Lô) ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nghe phổ biến về pháp luật bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026_Ảnh: TTXVN

Chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta là tổng thể các mối quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức bầu cử được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật, các quy tắc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đặt ra và được Nhà nước thừa nhận để cử tri thực hiện quyền ứng cử, bầu cử những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được quy định bởi Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (sau đây gọi là Luật Bầu cử) năm 2015, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung  năm 2019.

Thứ nhất, chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta gồm các nội dung cơ bản sau:

Một là, các nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân. Nguyên tắc bầu cử là những quan điểm cơ bản, có tính nền tảng của chế độ bầu cử, được thể hiện ở các quy định của pháp luật về bầu cử, có tính bắt buộc phải tuân thủ trong suốt quá trình tổ chức bầu cử. Các nguyên tắc bầu cử cơ bản bao gồm: Nguyên tắc bầu cử phổ thông thể hiện tính toàn dân và toàn diện trong bầu cử, bảo đảm để mỗi công dân không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc bầu cử bình đẳng bảo đảm cho mọi cử tri đều có khả năng như nhau trong việc tác động đến kết quả bầu cử. Đối với quyền bầu cử, công thức chung là “một người, một phiếu, một giá trị”. Nguyên tắc này cũng đòi hỏi sự bình đẳng về tỷ lệ đại diện giữa các nhóm dân cư trong xã hội, giữa các đơn vị bầu cử và giữa các ứng cử viên trong cuộc bầu cử. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp: Đại biểu là do dân trực tiếp bầu ra mà không qua bất kỳ một khâu trung gian nào, bảo đảm cho cử tri thể hiện trung thực, khách quan ý chí và sự tín nhiệm đối với người được bầu. Theo đó, bảo đảm bản chất dân chủ của bầu cử, tạo mối quan hệ gắn bó, trách nhiệm giữa đại biểu và cử tri. Nguyên tắc bỏ phiếu kín là nguyên tắc mang tính kỹ thuật, bảo đảm cho cử tri tự do thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình khi bỏ phiếu, ngăn ngừa mọi sự tác động, áp đặt từ bên ngoài.

Mặc dù các nguyên tắc bầu cử vẫn giữ như trước đây, nhưng nội dung và tinh thần các nguyên tắc bầu cử có sự bổ sung thể hiện qua các quy định cụ thể của pháp luật và thực tiễn tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Nguyên tắc phổ thông được mở rộng, Nhà nước tạo điều kiện cho cử tri thực hiện quyền bầu cử và tham gia các hoạt động bầu cử, phạm vi đối tượng không được bầu cử thu hẹp, việc hạn chế quyền bầu cử phải trên nguyên tắc pháp quyền. Nguyên tắc bình đẳng bảo đảm tỷ lệ tham gia ứng cử của người dân tộc thiểu số, phụ nữ; bình đẳng trong vận động bầu cử. Quyền tự ứng cử của công dân được pháp luật ghi nhận.

Hai là, quyền bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân. Bầu cử và ứng cử là quyền chính trị cơ bản của công dân ở nước ta được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật Bầu cử. Đây là quyền còn được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về nhân quyền mang tính toàn cầu và khu vực. Liên hợp quốc đã khẳng định: Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia(8); mọi công dân không có bất kỳ sự phân biệt và không có bất kỳ sự hạn chế bất hợp lý nào, đều có quyền và có cơ hội để bầu cử và ứng cử(9). Ở nước ta, việc thực hiện quyền bầu cử, ứng cử rộng rãi đã được thể hiện ngay từ cuộc Tổng tuyển cử năm 1946. Ngày nay, quyền bầu cử ngày càng được mở rộng theo nguyên tắc phổ thông cả về phương diện pháp lý lẫn thực tiễn triển khai. Việc thực thi các quyền bầu cử đã xóa bỏ sự hạn chế do phân biệt về thành phần, giai cấp, thái độ chính trị. Các trường hợp bị tước quyền bầu cử, hạn chế quyền bầu cử được quy định cụ thể, chặt chẽ trong Luật Bầu cử. Thực hiện Luật Bầu cử năm 2015, những người bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được tham gia bầu cử là điểm mới theo Luật Bầu cử năm 2015.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Quy Nhơn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định) vận động ngư dân sắp xếp lịch trình đi biển để kịp về tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021_Ảnh: TTXVN

Ba là, đơn vị bầu cử và hệ thống bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân. Đơn vị bầu cử là khu vực địa lý có số dân nhất định được bầu một số lượng đại biểu nhất định. Nguyên tắc cơ bản của việc phân chia đơn vị bầu cử là bảo đảm sự bình đẳng về tỷ lệ đại diện và giá trị phiếu bầu. Sự chênh lệch chỉ cho phép trong phạm vi tỷ lệ dung sai nhất định. Hệ thống bỏ phiếu đa số tuyệt đối hay vòng tiếp tục được kế thừa và áp dụng, nhưng cách thức phân chia, tổ chức đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội có sự thay đổi mạnh mẽ thể hiện sự đổi mới nhằm tăng tính cạnh tranh, khắc phục tính hình thức trong bầu cử. Các đơn vị bầu cử được thu hẹp phạm vi, chỉ bầu ba đại biểu, nhằm đề cao trách nhiệm đại biểu, tăng cường mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri. Từ 79 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VI (năm 1976), 93 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VII (năm 1981) tăng gần gấp đôi thành 167 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII và 158 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX (năm 1992). Luật Bầu cử năm 2015 đã kế thừa và quy định cụ thể hơn về số đại biểu Quốc hội được bầu, số dư người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử đã góp phần làm cho bầu cử thực chất hơn (khóa XIV có 870 ứng viên, bầu 500 đại biểu (gấp 1,74 lần).

Bốn là, quy trình thủ tục bầu cử. Quy trình thủ tục bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân là các bước triển khai tổ chức cuộc bầu cử từ khi công bố ngày bầu cử đến khi xác định kết quả bầu cử. Pháp luật về bầu cử ở nước ta quy định quy trình, thủ tục gồm các bước sau:

Giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân bao gồm các công việc: Dự kiến cơ cấu thành phần, số lượng người ứng cử và hiệp thương bầu cử. Cơ cấu thành phần và số lượng là vấn đề trọng tâm của bầu cử, nhằm bảo đảm tỷ lệ đại diện hợp lý của các tầng lớp nhân dân. Về mặt pháp lý, nội dung này được định hướng thông qua công tác dự kiến và được quyết định tại các hội nghị hiệp thương do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ trì.

Vận động bầu cử: Là giai đoạn quan trọng để các ứng viên quảng bá chương trình hành động của mình đến với công chúng, từ đó xây dựng hình ảnh và uy tín chính trị nhằm nhận được sự ủng hộ của cử tri. Pháp luật bầu cử nước ta quy định hai hình thức vận động bầu cử là gặp gỡ tiếp xúc cử tri và trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bỏ phiếu, kiểm phiếu và giám sát bầu cử: Quy trình bỏ phiếu, kiểm phiếu được thực hiện theo quy định của Luật Bầu cử. Trong các cuộc bầu cử, giám sát bầu cử có tác dụng phát hiện, hạn chế những tùy tiện, sai sót, vi phạm, gian lận trong bầu cử, bảo đảm tính trung thực, công khai, minh bạch của bầu cử.

- Quản lý bầu cử: Tổ chức bầu cử là công việc nhạy cảm về chính trị và phức tạp về kỹ thuật nên công tác tổ chức và quản lý bầu cử đóng vai trò hết sức quan trọng. Ở nước ta, công tác tổ chức và quản lý bầu cử là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử: Cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử có vai trò ngăn ngừa, khắc phục kịp thời các vi phạm, bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra theo đúng các nguyên tắc và tiêu chí dân chủ, phù hợp với Hiến pháp và Luật Bầu cử. Ở nước ta, các tổ chức phụ trách bầu cử có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử theo cơ chế hành chính. Cơ chế tư pháp (thông qua tòa án nhân dân cấp huyện) chỉ áp dụng đối với khiếu kiện của công dân về việc đăng ký cử tri. Quy trình thủ tục bầu cử đã được cải tiến, đổi mới từng bước qua việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử và cải tiến cách thức tổ chức triển khai bầu cử. Hiệp thương bầu cử được cải tiến theo hướng dân chủ dựa trên quan điểm đề cao vai trò của cử tri tham gia vào bầu cử, tôn trọng ý kiến của cử tri nơi công tác và nơi cư trú. Các quy định cụ thể, các bước hiệp thương bầu cử tiếp tục được quy định cụ thể và thực chất hơn. Về mặt pháp lý, vai trò chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hiệp thương bầu cử được đề cao. Nội dung hiệp thương không chỉ giới hạn trong việc giới thiệu nhân sự ứng cử mà còn thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu được bầu trên cơ sở số đủ dự kiến và có quyền biểu quyết lựa chọn người để giới thiệu ứng cử. Quy trình hiệp thương 5 bước đã góp phần nâng cao chất lượng người ứng cử. Đồng thời, bảo đảm tỷ lệ người tham gia ứng cử và tỷ lệ thích đáng đại biểu đại diện cho các dân tộc thiểu số, đại biểu là nữ,...

Thứ hai, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử.

Bầu cử và đảng chính trị gắn bó chặt chẽ với nhau. Ở các nước, các đảng chính trị chỉ có thể trở thành đảng cầm quyền khi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử. Do vậy, các đảng chính trị đã chuyển hóa bầu cử, ứng cử thành công cụ để tranh cử và thắng cử đóng vai trò then chốt trong bầu cử. Ở các nước này “Hoạt động tranh cử... về hình thức là cuộc ganh đua giữa các cá nhân, song thực chất là cuộc chạy đua giữa các đảng phái”(10). Ở nước ta, khi chưa giành được chính quyền, Đảng đã tham gia vận động bầu cử, tranh cử trong cuộc đấu tranh vì các quyền dân sinh, dân chủ (1936  - 1939). Năm 1945, mặc dù tuyên bố “tự giải tán”, thực chất là rút vào hoạt động bí mật, Đảng vẫn giới thiệu được các đảng viên tham gia tranh cử và lãnh đạo thành công công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Sau khi giành được chính quyền, Đảng giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vị thế đó được Hiến pháp ghi nhận. Sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc bầu cử thể hiện qua việc đề ra chủ trương và lãnh đạo Nhà nước xây dựng, đổi mới, hoàn thiện chế độ bầu cử; định ra chủ trương lớn có tính định hướng để tổ chức các cuộc bầu cử; lãnh đạo Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tham gia tổ chức bầu cử; lãnh đạo khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia bầu cử; xây dựng chính quyền. Đảng tham gia cuộc bầu cử qua việc bồi dưỡng, giới thiệu đảng viên ứng cử; tham gia công tác hiệp thương, tuyên truyền, vận động bầu cử. Giới thiệu đảng viên ứng cử là con đường duy nhất của đảng chính trị nắm giữ quyền lực nhà nước một cách chính đáng và hợp pháp, hiện thực hóa sự lãnh đạo qua Nhà nước, duy trì, củng cố vị thế lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định đến thành công của cuộc bầu cử. Đảng lãnh đạo bầu cử và tham gia bầu cử trên cơ sở pháp luật. Các hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên trong bầu cử phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch theo các trình tự, thủ tục do luật định về bầu cử là đòi hỏi trước tiên về việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta./.

--------------------------------

(1), (2), (3) Hồ Chí Minh:  Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4,  tr. 166, 167
(4) Xem: D. Beetham: Parliament and democracy the twenty - first century a guide to good practice, Interparliamentary Union, 2006
(5) Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016): 33,40% đại biểu ở các cơ quan Trung ương; 66% đại biểu ở địa phương; 15,6% đại biểu là người dân tộc thiểu số; 24,4% đại biểu là nữ; 8,4% đại biểu là người ngoài Đảng; 12,4% đại biểu là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi); 33,4%  đại biểu tái cử; 66,6% đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội; 0,8% đại biểu tự ứng cử; 7,0% đại biểu là doanh nhân. Quốc hội khóa XIV: 36,64% đại biểu ở các cơ quan Trung ương; 62,96% đại biểu ở địa phương; 0,4% đại biểu tự ứng cử; 17,41% đại biểu là người dân tộc thiểu số; 26,72% đại biểu là nữ; 4,05% đại biểu là người ngoài Đảng; 14,37% đại biểu là người trẻ tuổi; 63,97% đại biểu tham gia lần đầu; 62,55% đại biểu có trình độ đại học; 1,21% đại biểu có trình độ dưới đại học; 3,24% đại biểu là doanh nhân
(6) Hội luật gia Việt Nam: Pháp lý phục vụ cách mạng, Xí nghiệp in Tây Bắc, Hà Nội, tháng 12-1975, tr. 53
(7) Đỗ Minh Khôi: “Cách thức chế ngự quyền lực nhà nước”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 1, 2006, tr. 32
(8) Xem: Đại hội đồng Liên hợp quốc: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, 1948
(9) Xem: Đại hội đồng Liên hợp quốc: Công ước quốc tế về các quyền chính trị, 1966
(10) Nguyễn Thị Hạnh (Chủ biên): Một số vấn đề về đảng cầm quyền và đảng đối lập trong đời sống chính trị Hoa Kỳ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr.  74, 75

GS, TS. TRẦN NGỌC ĐƯỜNG

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày