Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.082.447
Truy cập hiện tại 553 khách
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc” soi sáng công tác dân vận hiện nay
Ngày cập nhật 19/10/2020

(TG) - Sinh ra từ Nhân dân; sống và hoạt động cách mạng trong lòng dân; cuối đời lại muốn trở về với Nhân dân, Hồ Chí Minh khảm trong di sản của mình hạt ngọc lung linh tỏa sáng, đó là tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Tư tưởng đó mãi mãi soi sáng công việc của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là công tác dân vận.

 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ “DÂN LÀ GỐC”

Ở nước ta, chủ nghĩa yêu nước có trước chủ nghĩa cộng sản, phong trào yêu nước có trước phong trào công nhân, lòng dân có trước ý Đảng. Đúc kết của Hồ Chí Minh: sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 cho thấy chính Nhân dân là người sinh thành ra Đảng. Ngay từ khi ra đời, Đảng đã mang trong mình yếu tố dân tộc, bám rễ sâu trong lòng dân tộc. Cứ thế, Nhân dân luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng, tạo nên ý Đảng - lòng dân suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng.

Kế thừa và phát huy các giá trị tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên nhận thức và đánh giá đúng đắn vai trò, vị trí, sức mạnh của Nhân dân với một chất lượng khoa học và cách mạng cao. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên “chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt”(1). Dân rất tốt là một chân lý, vì tuy đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh, nhưng Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Người còn khẳng định dân chúng khôn khéo; trí tuệ và sáng kiến của quần chúng là vô cùng tận; “nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh, có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn… Công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”(2).

Từ những hiểu biết đúng đắn, toàn diện về dân như vậy, Hồ Chí Minh khẳng định “dân là gốc”. Người nói: “Nước lấy dân làm gốc….Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(3). Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Gốc là tài dân, lực lượng dân, của dân, lòng dân, quyền dân, lòng tin của dân. Nói về tài trí dân, Người khẳng định “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(4). Nói về lực lượng Nhân dân, Hồ Chí Minh khẳng định “trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người chỉ rõ: “Chúng ta biết rằng: lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong”(5). “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(6). Người thường nhắc lại câu nói của Nhân dân Quảng Bình: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Nói về lòng dân, Hồ Chí Minh đúc kết: “Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”(7), “được lòng dân, thì việc gì cũng làm được. Trái ý dân, thì chạy ngược chạy xuôi”(8).

BoX: “Nước lấy dân làm gốc….Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” – Hồ Chí Minh

Xuất phát từ chỗ gắn bó mật thiết với Nhân dân, sống giữa lòng dân, Hồ Chí Minh thấu hiểu đời sống, tình hình, tâm lý, tâm tư, nguyện vọng Nhân dân. Người nói dân chúng nhiều tai mắt, cái gì cũng nghe cũng thấy; dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, gọn gàng, hợp lý, công minh, “biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết”(9). Nước ta là một nước dân chủ, vì vậy, theo Hồ Chí Minh:

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.

Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.

Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra.

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân(10);

“Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”(11).

Như vậy, tư tưởng “dân là gốc” cần được hiểu trên mấy lát cắt: Một là, dân chúng chứa đựng một xung lực mạnh mẽ vô cùng tận, cả tài, sức, quyền, trí, lòng dân; Hai là, Nhân dân được hưởng tất cả lợi ích vật chất và tinh thần; Ba là, dân chúng có trách nhiệm trong cách mạng, kháng chiến, đổi mới, xây dựng đất nước; Bốn là, không chỉ nước, mà Đảng cũng phải lấy dân làm gốc, do dân tổ chức nên.

Trong mọi công việc, Đảng, Nhà nước đã xác định “dân là gốc” thì “đừng có làm điều gì trái ý dân”, “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”(12). Dân là chủ, là gốc, thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên phải phục vụ Nhân dân, học hỏi Nhân dân, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”(13).

Khẳng định Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nhưng lãnh đạo không có nghĩa là “ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống các địa phương kiểm tra công tác”(14), mà “lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”(15). Bằng cách cắt nghĩa đó, Hồ Chí Minh chỉ rõ “Đảng không phải làm quan, sai khiến quần chúng mà phải làm đày tớ cho quần chúng… Xa quần chúng là hỏng, cần phải nhớ nhiệm vụ của Đảng là làm đầy tớ cho quần chúng”(16).

Làm “đầy tớ nhân dân” với ý nghĩa cao đẹp nhất là phục vụ Nhân dân, học hỏi Nhân dân, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân, làm cho Nhân dân hài lòng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Không học hỏi nhân dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”(17).

Một cách tiếp cận khác mang tính nguyên tắc thể hiện chiều sâu và bề rộng của nội hàm “dân là gốc”, cho thấy Đảng và Nhà nước khi đã xác định “lấy dân làm gốc” thì phải hoàn thành trách nhiệm, bổn phận với dân không chỉ là vấn đề lợi ích mà sâu xa hơn là tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, bàn bạc với dân, học hỏi dân, gương mẫu và tự phê bình trước dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ để chữa bệnh quan liêu, xa dân, khinh thường dân, phụng sự nhân dân tốt, có một “đơn thuốc” - nguyên tắc là: “Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là:

Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết;

Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;

Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;

Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;

Sẵn sàng học hỏi nhân dân;

Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”(18).

THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC DÂN VẬN THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân(19) làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”; “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Điều đặc biệt là lần đầu tiên trong Hiến pháp, tại Điều 4, khi nói về Đảng Cộng sản Việt Nam, điểm 2 viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Nội dung này ghi rõ trong Cương lĩnh 2011 là tất yếu, đương nhiên, bình thường vì đó là một trong những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng. Nhưng điều này thể hiện trong Hiến pháp với ý nghĩa là bộ luật căn bản của một nước thì hết sức đặc biệt. Điều đó tỏ rõ rằng Đảng không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của Nhân dân lao động và của cả dân tộc; là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, mà còn thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân; có bổn phận, trách nhiệm với dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.

Cùng với Hiến pháp, trong những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản mang tính chiến lược liên quan đến công tác dân vận, tin tưởng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở như Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh” (6/1997); Chỉ thị 30 về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cở sở” (18/2/1998); Kết luận 120 về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” (7/1/2016); Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” (16/7/2018). Đó là những kết quả rất quan trọng, ít nhất là về mặt ban hành nghị quyết, văn bản quy định, rất đáng khích lệ. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác dân vận trong tình hình hiện nay, cần tập trung vào hai nhóm giải pháp sau đây:

Một là, hiểu thấu, quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa những nghị quyết, quy định, kết luận, văn bản liên quan đến chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, thực hành dân chủ.

Xét đến cùng, khi bàn về vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, có hai nhóm vấn đề quan trọng liên quan mật thiết với nhau, đó là hiểu thấu và làm đúng. Phải rà soát lại tất cả những văn bản bản đã được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp triển khai nghiên cứu, quán triệt, học tập như thế nào. Một Đảng chân chính cách mạng vì dân, vì nước thì trước hết phải đưa ra được nghị quyết, chỉ thị, văn bản, quy định đúng đắn. Nhưng đó mới chỉ là quan trọng hàng đầu. Điều quan trọng hơn, có ý nghĩa quyết định là văn bản, nghị quyết đó đi vào thực tiễn, thâm nhập vào đời sống nhân dân như thế nào.

Thực tiễn là thước đo chân lý, muốn đánh giá được thực chất và hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị thì phải xem xét lại các nghị quyết, chỉ thị đó thi hành ra sao.

 

Khi bàn về tư cách của một đảng chân chính cách mạng, Hồ Chí Minh đúc kết 12 điều và Đảng không được quên điều nào, trong đó điều 12 là: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(20).

Thực tế cho thấy không phải mọi nghị quyết, chỉ thị đưa ra, đi vào cuộc sống đều đúng và có ý nghĩa soi sáng, dẫn dắt từ đầu đến cuối. Xét cho cùng, “sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”(21). Nghị quyết, chỉ thị là tổng kết kinh nghiệm của quần chúng, từ thực tiễn mà ra, rồi trở lại soi sáng thực tiễn. Vì vậy, trong quá trình triển khai nghị quyết, chỉ thị, “ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành. Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước”(22).

Phải khẳng định rằng nhiều nội dung về công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hành dân chủ đề ra trong các nghị quyết, chỉ thị rất đúng và hay, có tính khả thi. Nhưng do công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chưa tốt; có nơi làm hình thức, đối phó, thiếu công khai, minh bạch, Nhân dân thiếu thông tin hoặc tiếp nhận thông tin không đầy đủ, nên việc Nhân dân bàn, giám sát và quyết định những vấn đề của địa phương, phát huy thật sự quyền làm chủ trong góp ý xây dựng Đảng, chính quyền còn hạn chế. Thậm chí “lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân, tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”(23). Đây là điều đã được Bác Hồ cảnh báo từ thập kỷ 50 thế kỷ trước - khi người phê bình loại cán bộ “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ”(24).

Những hạn chế, yếu kém như vậy phải được nghiêm túc xem xét, đánh giá, tổng kết, để chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai, tổ chức hay cá nhân, tùy theo tính chất, mức độ, phạm vi để có các hình thức xử lý, kỷ luật đúng mức. Nếu không làm được như vậy, xem các nghị quyết đã thi hành thế nào, cái gì được, cái gì chưa được, lần sau lặp lại những khuyết điểm trước, thì nghị quyết chỉ là lời nói suông, làm mất lòng tin của Nhân dân.

Hai là, các tổ chức và cá nhân những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải làm đúng, làm tốt và khéo công tác dân vận, thật sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tỏ rõ hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi nghiêm túc. Một dẫn chứng là vấn đề xuống với dân, bàn bạc với dân, tiếp công dân. Chúng ta đã có những quy định rất cụ thể. Theo đó, xuống với dân là để bàn bạc với dân, học hỏi dân; nghiêm túc tiếp công dân, đối thoại với dân là để thấu hiểu, thấu cảm, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, để quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân, chăm lo dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ và thực hành dân vận. Những cách làm này, ngay sau khi nước nhà độc lập cách đây 75 năm, Hồ Chí Minh đã từng “đề nghị các vị Bộ trưởng nên luyện cho mình có đôi chân hay đi, đôi mắt hay nhìn, cái óc hay nghĩ, không nên chỉ ngồi ở bàn giấy, theo kiểu “đạo nhân phòng thủ”(25). Tức là phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miêng nói, tay làm”, đem lại chất lượng tốt, “đúng” và “khéo” trong công tác dân vận. Người phê bình loại cán bộ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần.

Những năm qua, nhìn tổng thể xã hội có hai bức tranh tương phản. Chỗ nào người lãnh đạo đứng đầu sợ dân, ngại, không dám tiếp dân, tiếp một cách qua loa, đại khái, sẽ tạo ra một bức tranh tối. Nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nghiêm túc tiếp dân và xuống với dân thật sự, giải quyết thấu đáo những kiến nghị của dân, đứng về phía lợi ích chính đáng của người dân mà giải quyết những điểm nóng, phức tạp kéo dài, sẽ tạo ra bức tranh sáng. Tấm gương những cán bộ gần dân, sát dân là thể hiện một chính quyền thật sự thân thiện, trọng dân, vì dân.

 “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”(26).

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng Nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì Nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”(27).

Cùng với cơ quan hành chính là vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận, các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ. Một trong những vai trò, trách nhiệm nổi bật của Mặt trận là tuyên truyền, giải thích, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Cách làm là phải “đúng” và “khéo”, không gò ép áp đặt một cách thô bạo; phải tạo tính tự giác của mỗi người và nhân rộng các điển hình tiên tiến, lấy cái tốt dẹp cái xấu. Phải hiểu dân, tin tưởng dân, biết chờ đợi dân. Chúng ta phải ghi tạc vào đầu lời dặn của Bác: “Nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích”(28). “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Dân vận kém thì việc gì cũng kém”.

Công tác dân vận cũng như mọi vấn đề khác, điều có ý nghĩa quyết định là con người, vì mọi việc đều do người làm ra, trong đó cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị giữ một vai trò vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Sự gương mẫu của người lãnh đạo trong xây và chống, nói đi đôi với làm, có bản lĩnh, dũng khí tự phê bình trước Nhân dân và hoan nghênh Nhân dân phê bình mình, sẽ truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho Nhân dân. “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”(29).

Gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng với tiêu đề “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”. Bài viết nêu lại những bài học kinh nghiệm, trong đó bài học thứ năm khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của Nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với Nhân dân; dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của Nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”.

Ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đích thực trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình hiện nay. Thực hiện tốt, có chất lượng, hiệu quả những điều đó chính là sự vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc” trong sự nghiệp đổi mới hiện nay./.

PGS. TS. Bùi Đình Phong

_________________________

(1) (3) (4) (5) (11) (14) (20) (21) (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.286, 501-502, 335, 335, 81, 89, 290, 330, 330-331.

(2) (7) (9) (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.668, 142, 526, 292.

(6) (18) (24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.270, 177, 176.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.163.

(10) (16) (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.232, 367, 432.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.63.

(13) (28) (29) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.83-84, 421, 421.

(19) Chữ “N” trong “Nhân dân” viết hoa lần đầu tiên xuất hiện trong Hiến pháp 2013. Từ đó đến nay chưa có văn bản nào giải thích vì sao danh từ chung “nhân dân” lại viết hoa chữ “N”, nhưng có thể hiểu đó là sự đề cao vai trò, vị trí, sứ mệnh của nhân dân.

(23) “Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, ngày 16/7/2018, Báo Nhân Dân, ngày 17/7/2018.

(25) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, t.10, tr.131.

(26) (27) Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2019, tr.80, 116-117.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày