Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.083.037
Truy cập hiện tại 714 khách
Chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 04/01/2018

Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang. Thế kỷ XX để lại trong lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế những dấu ấn sâu sắc về những cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ, cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến lên chủ nghĩa xã hội; trong đó, Chiến thắng Xuân Mậu Thân - 1968 là một trong những mốc son, một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Thừa Thiên Huế.

50 năm trước đây - đúng vào Tết Mậu Thân 1968 cuộc Tổng tiến công của quân và dân ta nổ ra đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn, Huế, nhiều thị xã, thị trấn và căn cứ quân sự của Mỹ, ngụy trên toàn chiến trường miền Nam Việt Nam. Cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ đã tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực cấp cao của Mỹ, ngụy; đánh chiếm những mục tiêu trọng yếu của địch; phá huỷ một khối lượng quan trọng các phương tiện chiến tranh và cơ sở hậu cần hiện đại nhất của Mỹ, ngụy thời bấy giờ; làm rung chuyển không những toàn bộ chiến trường miền Nam mà còn rung chuyển Lầu Năm góc và cả nước Mỹ.

Thừa Thiên Huế là một trong những chiến trường trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Đúng 2 giờ 30 phút ngày 31-01-1968 (mồng Một Tết âm lịch), khi tiếng súng phát lệnh vang lên, lực lượng bên trong nội thành cùng với lực lượng bên ngoài đánh vào, các đội biệt động, tự vệ đã nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu như trụ sở hành chính quận Tả Ngạn, bốt cảnh sát Đông Ba, đồn cảnh sát ở miếu Đại Càn, cầu An Cựu…; bộ đội chủ lực, các đơn vị bộ binh, đặc công, biệt động, trinh sát, các đội công tác vũ trang, đặc biệt là lực lượng quần chúng của thành phố Huế và các huyện đồng loạt tiến công từ nhiều hướng, nhiều mũi, chiếm lĩnh nhiều mục tiêu quan trọng. Đúng 9 giờ ngày 31-01-1968, thành phố Huế được giải phóng, cờ Mặt trận Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và Hoà bình thành phố Huế đã phấp phới bay trên kỳ đài Huế.

Với thắng lợi đó, Đảng bộ Thành phố Huế được Trung ương điện biểu dương: “Đảng bộ kiên cường về tư tưởng, vững mạnh về tổ chức, trong sạch nội bộ, đoàn kết nhất trí”. Tại Hội nghị chiến tranh du kích toàn miền Nam lần thứ 4 (tháng 10/1968) Thừa Thiên Huế được chọn là một trong ba ngọn cờ đầu về chiến tranh du kích và được Bộ chỉ huy các lực lượng giải phóng miền Nam tuyên dương: “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Dòng chữ trên lá cờ đỏ thắm ấy được thêu dệt từ những chiến công vang dội, có sức mạnh rung chuyển đến chính trường nước Mỹ lúc bấy giờ; dòng chữ ấy thấm đẫm cả hy sinh anh dũng của biết bao cán bộ, chiến sĩ và đồng bào chúng ta. Tất cả đó làm nên những giá trị không bao giờ phai nhạt trước lịch sử. 

1. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 68; nửa thế kỷ qua, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, thử thách, năng động, sáng tạo trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đặc biệt trong năm 2017 trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển và lũ lụt kéo dài, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt gần 8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ: dịch vụ chiếm 57% trong GRDP; công nghiệp chiếm 32,5%; nông nghiệp giảm còn 10,5%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 6.800 tỷ đồng. 

Các ngành du lịch, dịch vụ được tập trung đầu tư hướng vào khai thác các lợi thế của vùng đất văn hoá Huế. Đã hình thành một số sản phẩm du lịch mới như: phố đêm, phố đi bộ; chiếu sáng và mở cửa “Đại Nội về đêm” để phục vụ du khách. Công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 13%; nhiều ngành nghề thủ công truyền thống phát triển; giải quyết việc làm cho trên 16.000 lao động. Nông nghiệp phát triển bền vững; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch được chú trọng và từng bước mở rộng diện tích, quy mô; phát huy có hiệu quả lợi thế vùng ven biển, đầm phá để phát triển nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản gắn với giữ gìn môi trường và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư đồng bộ theo mô hình Đô thị trung tâm kết nối với các đô thị vệ tinh. Trong đó, thành phố Huế với vai trò là đô thị trung tâm, được đầu tư xây dựng theo hướng xanh - sạch - đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; gắn kết giữa văn hoá với du lịch; giữa bảo tồn và phát triển. 

Các thiết chế trung tâm văn hoá, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của cả nước từng bước được xây dựng và phát huy. Đã tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hoá mang tầm quốc gia và quốc tế, Huế được công nhận là “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố Văn hoá ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường của ASEAN”. Trung tâm y tế chuyên sâu tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có thương hiệu quốc gia và quốc tế. Đại học Huế tiếp tục khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học ở miền Trung - Tây Nguyên. Hạ tầng, thiết chế về khoa học - công nghệ ngày càng phát triển với hệ thống các trường đại học, cao đẳng và nhiều viện, phân viện,  trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành Trung ương.

Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được quan tâm thúc đẩy và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), (khoá XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt; đoàn kết trong Đảng được tăng cường, nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.  

2. Năm mươi năm đã đi qua; chiến tranh đã lùi về dĩ vãng. Nhưng, chiến thắng Xuân Mậu Thân năm 1968 mãi mãi là niềm tự hào không bao giờ quên, là động lực và hành trang để Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, sáng tạo; quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Trong đó, tập trung vào 3 mũi đột phá có tính chiến lược là:

Một là, tập trung phát triển du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đóng góp 25 - 30% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét đặc thù của vùng đất văn hoá Huế để nâng cao năng lực cạnh tranh, như: Du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; du lịch biển, đầm phá; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch sinh thái; du lịch vui chơi, giải trí, mua sắm cao cấp; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE)...; đồng thời, phát triển các dịch vụ có thế mạnh về y tế, văn hoá, giáo dục gắn với phát triển du lịch và các dịch vụ công nghệ cao.

Trọng tâm là giải tỏa di dời dân ở khu vực Đại Nội để đẩy nhanh tiến độ trùng tu Kinh thành Huế và khai thác cảnh quan thiên nhiên hai bờ sông Hương; hỗ trợ hình thành các khu du lịch, dịch vụ cao cấp như sân gôn, casino, trung tâm mua sắm cao cấp để thu hút du khách. Quy hoạch phát triển và khai thác có hiệu quả Vườn quốc gia Bạch Mã phục vụ du lịch để kết nối với Bà Nà - Vịnh đẹp Lăng Cô - phố cổ Hội An tạo thành trung tâm du lịch đẳng cấp thế giới.

Hai là, huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng đô thị “Di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Tập trung phát triển đô thị, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn minh và hiện đại; trọng tâm là xây dựng, phát triển và mở rộng thành phố Huế - đô thị hạt nhân để kết nối với các đô thị vệ tinh và thị trấn Thuận An, nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về di sản văn hoá gắn với phát huy lợi thế của tỉnh có vùng bờ biển dài 128 km và 22 nghìn hecta diện tích đầm, phá để thu hút đầu tư phát triển.

Đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng hàng không, cảng biển, hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để kết nối với khu kinh tế mở Chu Lai và nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khu công nghiệp Phong Điền để phát triển các ngành công nghiệp dệt may, chế biến khoáng sản, nhiệt điện nhằm kết nối Thừa Thiên Huế với các tỉnh Bắc miền Trung.

Ba là, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư gắn với tăng cường xúc tiến đầu tư. Trọng tâm là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách; đồng thời, nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế; hướng vào các đối tác có tiềm lực, kinh nghiệm và uy tín, nhất là các doanh nghiệp có thương hiệu đã được khẳng định trong nước và ngoài nước.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư gắn với rà soát lại các dự án không triển khai hoặc chậm tiến độ để thu hồi, chuyển đổi nhà đầu tư. Tổ chức lại bộ máy xúc tiến đầu tư theo hướng tập trung, hiệu quả gắn với nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chân thành biết ơn Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tổ chức quốc tế, bà con đồng hương Thừa Thiên Huế trong và ngoài nước đã dành cho Thừa Thiên Huế những tình cảm sâu nặng và sự giúp đỡ to lớn trong 2 cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại cũng như trong công cuộc đổi mới và dựng xây quê hương.

Nguồn: http://tinhuytthue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày