Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.151.970
Truy cập hiện tại 1.372 khách
Quyết học đến nơi đến chốn
Ngày cập nhật 13/09/2016
Truyền mua ve chai dạo để kiếm từng đồng nuôi việc học - Ảnh: M.T.

Lê Quốc Truyền sống ở xóm làm nghề ve chai tại ấp Tường Trí, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Vì vậy mà xóm nhỏ không khỏi xôn xao khi hay tin Truyền trúng tuyển Trường Đại  học Cần Thơ.

Thầy Trần Hữu Phúc, phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, cho biết tuy vừa học vừa làm nhưng suốt những năm học cấp III Truyền đều là học sinh giỏi.

“Mình không chỉ học cho bản thân mà còn cho cả cha mẹ nữa

LÊ QUỐC TRUYỀN

Đầu xóm, cuối xóm chúc mừng

Những ngày này xóm giềng ai cũng đến chúc mừng Truyền. Bà Bình - một người cùng xóm - vui vẻ nói: “Cái thằng siêng học thấy ớn luôn, hôm nào không đi mua ve chai là thấy nó ngồi ôm tập học suốt à”.

Ngôi nhà nhỏ cũ mốc được cất nhờ trên khoanh đất một người bà con tốt bụng, mái tôn đầy những lỗ thủng, nắng trời xuyên qua chiếu xuống nền nhà. Truyền đã đi gom ve chai từ sáng sớm. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - mẹ Truyền - tâm sự: “Khi thi xong, Truyền tự tin nói thế nào cũng đậu đại học. Những ngày này mưa hay bão gì nó cũng đạp xe khắp ngõ ngách, nói ráng kiếm được đồng nào hay đồng nấy để lo đóng học phí đại học”.

Truyền là con trai độc nhất của vợ chồng bà Trang. Ông Lê Truyền Thống, cha của Truyền, làm đủ nghề như bốc vác, xịt thuốc sâu, đắp đất, làm cỏ thuê... Bà Trang làm nghề mua bán ve chai từ lâu, cho tới khi sức khỏe xuống với căn bệnh thoái hóa cột sống cộng với tiểu đường, bà chuyển sang xếp quần áo thuê cho một cơ sở may gia công. Sau do tiền học của con ngày một nhiều, bà trở lại nghề ve chai dạo, làm một ngày lại nghỉ hai, ba ngày. Thấy mẹ như vậy nên từ đầu năm lớp 10, Truyền tranh thủ khi rảnh là phụ mẹ việc ve chai trên chiếc xe đạp. “Nghề này cực nhưng giúp mình thực hiện ước mơ. Bạn bè hễ có đồ phế liệu là ủng hộ bán cho mình” - Truyền cười nói.

“Học cho cả cha mẹ”

Truyền đạp xe chở hai bao phế liệu căng phồng. Sau khi chất những bao tải trên vào một góc trước cửa nhà, Truyền bảo ăn cơm trưa, nghỉ ngơi chút để chiều tiếp tục đi mua ve chai thêm một đợt nữa.

Truyền kể một kỷ niệm của gia đình. Ngày đó, ngôi nhà rệu rã muốn sập nên cha mẹ Truyền phải vay ngân hàng 20 triệu đồng để sửa lại. Tuy nhiên cùng lúc công việc của cha mẹ Truyền rơi vào khó khăn, lu gạo trong nhà cạn sạch, gia đình vào cảnh túng càng thêm bấn.

Bấy giờ, mấy đứa bạn trong xóm rủ Truyền lên Sài Gòn làm công nhân, Truyền định bỏ học. Nhưng tình cờ đọc báo thấy những tấm gương vượt khó, có ý chí vươn lên, Truyền lại nghĩ “nếu bỏ học đi làm chỉ đủ lo cho bản thân mình chứ chẳng giúp gì được cho cha mẹ. Chi bằng dốc hết sức vào việc học mới mong có cơ hội đổi đời, thoát nghèo, giúp được mẹ cha”. Vậy là Truyền tiếp tục làm công việc mua ve chai, tích cóp giúp đỡ gia đình.

Suốt 12 năm học, Truyền hiếm khi đi học thêm mà tự học ở nhà. Ngoài bài tập trong sách giáo khoa, Truyền còn tự làm thêm những bài tập nâng cao. Vấn đề nào chưa thông, Truyền hỏi thầy cô chỉ dẫn. Suốt 12 năm qua, Truyền luôn là học sinh giỏi của trường.

Từ nhỏ, cậu bé Truyền hay hí hoáy sửa quạt máy, nồi cơm điện, tivi hỏng trong đống phế liệu của mẹ để sử dụng trong gia đình. Lúc đó Truyền ước mơ trở thành kỹ sư điện tử.

Giấy khen là tài sản

Ngày nhập học cận kề, mặc dù căng sức ra làm nhưng số tiền bé mọn kiếm được quá xa đối với tiền đóng học phí nên cha mẹ Truyền đang chạy vạy vay mượn khắp nơi để lo cho con. Hướng ánh mắt về những tờ giấy khen treo đầy trên vách nhà, bà Trang tâm sự: “Những tờ giấy khen là tài sản quý báu duy nhất của gia đình.

Vợ chồng tôi mong sao đời con không khổ cực, nghèo dốt như cha mẹ nên bằng mọi cách ráng lo đóng học phí cho con. Dẫu ăn nước mắm kho quẹt vợ chồng cũng cam, miễn sao sự học của con được vuông tròn”.

Nghe cha mẹ nói, mắt chàng tân sinh viên ngấn đỏ: “Cha mẹ đã quá cực nhọc để lo cho mình nên cho dù khó khăn cách mấy mình cũng không bỏ cuộc”. Rồi Truyền tính khi ổn định trường lớp, bạn sẽ chạy bàn, dạy kèm hoặc tiếp tục mua bán ve chai để nuôi việc học.

 

MINH TÂM
Các tin khác
Xem tin theo ngày