Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.159.868
Truy cập hiện tại 510 khách
Nhận diện “sức mạnh mềm” ở Biển Đông
Ngày cập nhật 29/03/2016

Không chỉ thể hiện sức mạnh bằng cách gia tăng quân sự hóa ở các đảo, đá chiếm trái phép tại Biển Đông, Bắc Kinh giờ đây công khai ý đồ thể hiện “sức mạnh mềm” trợ lực mưu đồ.

Việc lựa chọn địa điểm ra mắt Trung tâm Trung Quốc - Đông Nam Á nghiên cứu về Biển Đông (CSARC) hôm 25-3 là một nỗ lực của Trung Quốc trong việc tác động và chiếm lĩnh mặt trận thông tin - tri thức về Biển Đông. Sở dĩ đề cập đến địa điểm vì CSARC được trình làng tại Diễn đàn Bác Ngao về châu Á, nơi mà Bắc Kinh mong muốn xây dựng thành “cái nôi” trí tuệ và hàn lâm khu vực.

Thế ba chân kiềng

Quan sát quá trình tương tác mặt trận tuyên truyền - thông tin quốc tế của nước này trong suốt thời gian qua, có thể thấy một thế trận rộng khắp dựa trên ba chân kiềng chính.

Thứ nhất, ngày càng có thêm nhiều trung tâm nghiên cứu chuyên về Biển Đông của Trung Quốc được xây dựng và nâng cấp với mục đích tập trung những học giả hàng đầu về vấn đề này. Đội ngũ chuyên gia và nghiên cứu viên chủ yếu là các học giả Trung Quốc đi du học ở nước ngoài.

Các học giả này vừa có vốn tiếng nước ngoài, vừa học được phương pháp từ các “lò” tại các nước phát triển đi trước. Quan trọng hơn, biết cách truyền bá lập luận của Trung Quốc, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh.

Thứ hai là tập hợp nhiều học giả nước ngoài bày tỏ ý kiến, lập luận dựa trên lập trường của Trung Quốc. Những tác giả này lúc trước có quan điểm trung dung về Biển Đông hoặc không viết nhiều về đề tài này thì nay có một sự chuyển dịch theo định hướng, được chia làm nhiều dạng khác nhau.

Trực tiếp nhất là ngụy tạo chứng cứ hay sử dụng những bằng chứng của Trung Quốc mà không có tư duy phản biện hay kiểm tra một cách rõ ràng.

Hai là diễn giải lại các sự kiện, bằng chứng với một góc nhìn, lập luận theo kiểu của Trung Quốc, tìm cách soi sáng những lập luận đó dưới lăng kính của các lý thuyết hiện đại của phương Tây.

Những sự chuyển hướng mang tính khiên cưỡng và nhiều khi phi lý tính tạo nhiều nghi ngờ, nặng nhất là đồn đoán các học giả này bị mua chuộc bằng tiền.

Thứ ba, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy kế hoạch này được thực hiện một cách có hệ thống từ trong ra ngoài. Ý định kiểm soát tri thức về Biển Đông trên bình diện quốc tế được thể hiện qua việc thiết lập các mối quan hệ cộng tác nghiên cứu với các viện, trung tâm hay đại học của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia láng giềng. Thậm chí thiết lập các cơ sở nghiên cứu (think-tank) tại các nước này.

Năm ngoái, một ví dụ thường được nhắc đến là Viện Nghiên cứu quan hệ Mỹ - Trung (The Institute for China - America studies) được thành lập ở Virginia (Mỹ). Đầu năm nay là trường hợp vừa được nhắc đến: CSARC - một trung tâm quốc tế hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc (NISCSS) và Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế của Indonesia.

Việc một cường quốc trỗi dậy về kinh tế và chính trị “vươn” ra bên ngoài để truyền bá quan điểm hay chuẩn mực của mình không là hiện tượng mới. Được ví von dưới cái tên “sức mạnh mềm”, sự quyến rũ bằng thang giá trị hay lý lẽ của kiến thức sẽ làm người khác thuyết phục, chấp nhận đi theo mà không cần đụng tới súng đạn.

Tuy vậy, với mặt trận thông tin mà Bắc Kinh xây dựng tại Biển Đông thì chắc chắn còn xa với một khái niệm sức mạnh mềm đúng nghĩa. Ba chân kiềng nêu trên cho thấy thế trận đang xây dựng vẫn còn nằm ở “lợi thế ồ ạt” về số đông, dùng tiền bạc, tài chính để quyến dụ và tạo ra sự huyễn hoặc về quan điểm, cũng như phi lý tính trong các cách tiếp cận.

Đừng để nghiên cứu 
bị chính trị hóa

Logic trong khoa học nằm ở chỗ có thể (dần dần) tạo ra cơ chế kiểm định thông qua quá trình thử/sai, loại dần các kiến thức hay quan điểm hiện tại đang bị những xu hướng “ngụy khoa học” làm biến dạng và méo mó. Chính vì thế, những đề nghị hợp tác khoa học giữa Trung Quốc và ASEAN về các vấn đề tranh chấp Biển Đông cần được hoan nghênh và cổ xúy.

Quan trọng nhất phải đặt ra là hợp tác đó dựa trên nguyên tắc và luật chơi nào. Nếu dựa trên tinh thần duy lý, tôn trọng sự thật khách quan thì chính những diễn đàn này sẽ là ánh sáng để bóc tách các ngụy tạo và gian dối. Còn nếu đây là những diễn đàn hay trung tâm nghiên cứu “ngụy khoa học” thì qua tương tác, quá trình sàng lọc sẽ càng ngày càng sáng tỏ.

Sử dụng các diễn đàn học giả, học thuật như một kênh chính sách có thể có những điều lợi ngắn hạn. Trên hết, đó là sự lan truyền nhanh chóng những lập luận và quan điểm, cũng như “tập hợp” được các nhóm nhà nghiên cứu và học giả cùng đề tài.

Nhưng với cách thức làm “chính trị hóa” đang diễn ra, về lâu dài đây là con đường dẫn đến sự tự huyễn hoặc và mâu thuẫn. Tự đào thải về duy lý và tri thức, những tổ chức, cơ quan hay học giả lựa chọn con đường ở lại sẽ tự “đóng đinh” thương hiệu và con đường nghiên cứu của mình theo một động lực hoàn toàn xa lạ với giới hàn lâm. Và dĩ nhiên dưới góc nhìn của bên ngoài thì họ cũng đã trở thành một “con người khác”.

Ứng phó thế nào?

Để ứng phó với “thế trận thông tin” của Trung Quốc cần một cách “đánh” phù hợp. Vì thế, xác định đúng cách tiếp cận là bước đầu tiên để hình dung ra những mục tiêu ngắn và dài hạn trong tương lai.

Có ba điểm chính mà nhóm nghiên cứu chúng tôi đã nhiều lần đề xuất: (i) Cuộc đấu tranh trên mặt trận thông tin - học giả tại Biển Đông đã chuyển dịch: từ tranh cãi quan điểm sang tranh cãi số liệu và dữ kiện; (ii) Đối với các lập luận và quan điểm sai lệch của Trung Quốc, các học giả Việt Nam cần các dữ liệu thực tế để phản biện; (iii) Thông qua hệ thống dữ liệu từ thực tế, các biện pháp “phản công” sẽ định hình được một phương thức tham gia cụ thể, mở đường cho tất cả học giả khu vực và quốc tế cùng tham gia.

Tính mở của hệ thống cơ sở dữ liệu giúp duy trì giá trị cốt lõi nhất: tạo ra một hệ thống kiến thức tương tác về Biển Đông từ các thành phần khác nhau.

 

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM)
Các tin khác
Xem tin theo ngày