Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.083.483
Truy cập hiện tại 825 khách
“Sao cho được lòng dân”
Ngày cập nhật 05/10/2021

(TG) - Những kết quả đạt được trong quá trình cải cách hành chính và thủ tục hành chính thời gian qua là rất tích cực và quan trọng, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, thế nhưng vẫn có không ít đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chưa “được lòng dân” như Bác Hồ đã từng yêu cầu.

 

QUÁN TRIỆT SÂU SẮC QUAN ĐIỂM “DÂN LÀ GỐC” 

“Nước lấy dân làm gốc”, “Dựa vào dân đề xây dựng Đảng” là một trong những quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cách mạng của Đảng, Nhà nước ta. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(1).

Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, việc Chính phủ, các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền không ngừng cải cách thể chế, thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp là một trong những tiêu chí, “thước đo” nhà nước phục vụ. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (tháng 1/2011) đã đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; giảm mạnh và bãi bỏ các loại thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Nâng cao năng lực, chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách. Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(2). Thực hiện Nghị quyết của Đảng, ngày 8/11/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2010-2020, khẳng định: Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; bảo đảm “Sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020”(3). 

ĐỊNH LƯỢNG HÓA CHỈ SỐ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI DÂN

Có nhiều cách hiểu và lý giải khác nhau về trạng thái “hài lòng” của một cá nhân hay một tập thể, một cộng đồng, thậm chí là một quốc gia - dân tộc. Nhưng có thể hiểu sự hài lòng nói chung là một biểu hiện cụ thể của một hình thức hạnh phúc trong một thời điểm, thời gian nhất định của con người. 

Con người có những chỉ số hài lòng nói chung có thể đo đếm được ở những mức độ, hoàn cảnh, môi trường cụ thể khác nhau. Ở đây, chỉ nói chỉ số hài của người dân, của công dân trong quá trình được thụ hưởng sự phục vụ của cơ quan, chính quyền nhà nước trong sự phục vụ hành chính (tên viết tắt tiếng Anh là SIPAS). Đây là kết quả mang tính định hướng của việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Chỉ số SIPAS là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công cụ thể nào đó. Chỉ số SIPAS được đo lường thông qua điều tra xã hội học đối với người dân, tổ chức đã giải quyết thủ tục hành chính ở các dịch vụ hành chính công được lựa chọn khảo sát. Bằng việc điều tra xã hội học, người ta có được những thông tin từ các phiếu có ghi những câu hỏi cụ thể và được phát tới người dân, tổ chức. Thường thì mỗi phiếu có khoảng 20 câu hỏi trên 4 tiêu chí chủ yếu là: 1) Tiếp cận dịch vụ; 2) Thủ tục hành chính; 3)Sự phục vụ của công chức; 4) Kết quả giải quyết công của cơ quan hành chính nhà nước. Với mỗi tiêu chí, người dân, tổ chức đưa ra đánh giá về sự hài lòng và đánh giá chung về sự hài lòng đối với toàn bộ dịch vụ theo thang đánh giá 5 mức: 1) Rất không hài lòng; 2) Không hài lòng; 3) Bình thường; 4) Hài lòng; 5) Rất hài lòng. Chỉ số SIPAS được tính toán dựa trên tỷ lệ phần trăm số người dân, tổ chức có câu trả lời ở mức hài lòng và rất hài lòng đối với câu hỏi hài lòng chung về toàn bộ dịch vụ. Bên cạnh đó, phương pháp đo lường này cung cấp các chỉ số thành phần theo từng tiêu chí của dịch vụ, các chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước theo từng yếu tố của dịch vụ, giúp cơ quan quản lý phân tích, xác định cụ thể mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với dịch vụ được tiến hành khảo sát. 

Tính từ sau năm 2011 (thời điểm Chính phủ ban Nghị quyết số 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2010-2020) đến nay, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp ở Việt Nam đã được định lượng một cách cụ thể và khá khoa học (có vận dụng kinh nghiệm quốc tế vào điều kiện cụ thể của nước ta). Đây là một tiến bộ đáng kể.

 

 

Qua 9 năm thực hiện đo lường Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và 3 năm (2018, 2019, 2020) đo lường Chỉ số SIPAS, trong ba trọng tâm của công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 là nâng cao chất lượng dịch vụ công, chỉ số năm sau luôn cao hơn năm trước và cho đến nay đã đạt mục tiêu đề ra là đảm bảo trên 80% người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước vào năm 2020. 

Ngày 24/6/2021 vừa qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020. Theo đó, chỉ số SIPAS 2020 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nằm trong khoảng từ 75.68% đến 95.76%, với giá trị trung là 85.17%. 

Khoảng cách chênh lệch giữa địa phương có chỉ số SIPAS cao nhất và tỉnh có chỉ số SIPAS thấp nhất là 20.08%, trong đó, nhóm cao nhất là các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, nhóm thấp nhất là các tỉnh Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Bình Phước.

Trong 3 cấp hành chính, cấp xã có chỉ số hài lòng cao nhất (88.18%) và cấp tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất (85.43%). Trong 8 nhóm lĩnh vực, thì nhóm lĩnh vực giao thông, vận tải có chỉ số hài lòng cao nhất (89.88%) và nhóm lĩnh vực đất đai, môi trường có chỉ số hài lòng thấp nhất (83.20%).

Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong thời gian qua không chỉ giúp các cơ quan hành chính nhà nước thấy mặt được, chưa được của việc cung ứng dịch vụ công mà còn giúp các cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được người dân, tổ chức mong đợi gì ở chất lượng cung ứng dịch vụ công, từ đó tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập một cách phù hợp, hiệu quả nhất. Đồng thời, việc công bố công khai mức độ hài lòng của người dân cũng là một “hồi chuông” cảnh tỉnh, nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức quan tâm, thay đổi nhận thức và hình thành văn hóa lấy người dân, tổ chức làm trung tâm, đáp ứng sự mong đợi ngày càng cao của người dân, tổ chức. Điều quan trọng nhất thu được là đem lại niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với Chính phủ, các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cấp chính quyền địa phương.

“SAO CHO ĐƯỢC LÒNG DÂN”

Nhìn chung, chỉ số hài lòng của người dân mới là biểu hiện của công dân trong quá trình được thụ hưởng sự phục vụ của cơ quan, chính quyền nhà nước trong một khía cạnh của đời sống xã hội. Đó là sự phục vụ hành chính nhà nước với khía cạnh là cơ quan công quyền thực thi quyền của nhân dân ủy quyền, giao phó. Tuy nhiên, còn nhiều cấp độ của sự hài lòng, với những yêu cầu khác nhau mà người dân kỳ vọng. Chẳng hạn, làm sao để người dân không còn cảm giác bất an trong đời sống thường nhật, được thỏa mãn về các khía cạnh trong sinh hoạt xã hội; làm thế nào để phương châm của Đảng“ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng ”nhanh chóng đi vào mọi “ ngõ ngách cuộc sống” một cách thực chất.v.v..

Một nền hành chính nhân văn, tiến bộ phải được đặt trên nền tảng của đạo lý và đạo đức xã hội, tức là, những người nằm trong bộ máy hành chính nhà nước phải là tiêu biểu vềđạo đức; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy nhà nước cũng như hệ thống chính trị phải là những người hết lòng vì dân, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Yêu cầu này đã được Bác Hồ đưa ra ngay từ khi Đảng ta lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành chính quyền, thiết lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, tháng 9/1945.

Trên Báo Cứu quốc ra ngày 12/10/1945 đăng bài “Sao cho được lòng dân?” của Bác Hồ dưới bút danh Chiến Thắng, đã chỉ rõ một số khuyết điểm của cán bộ, đảng viên làm việc trong các Ủy ban nhân dân lúc bấy giờ: “Ta nhận thấy xung quanh các Ủy ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen. Dân chúng tín nhiệm ở Chính phủ Trung ương nhiều hơn các Ủy ban địa phương. Những Ủy ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét nữa là khác...”. Bác Hồ cũng nêu lên một số biểu hiện của sự lạm dụng chức quyền, đó là: “... các ông chủ tịch, các ông ủy viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền (...) khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta”; “...người ta còn bĩu môi nói đến bà “phủ trưởng” nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ chỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà “tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều”; “Thậm chí có ông tư pháp khi xử kiện bắt tội nhân quỳ trước thềm đánh đập, chửi mắng tội nhân, hách dịch đúng như những “ông quan”, “ông thanh tra” dưới thời Pháp thuộc, Nhật thuộc!”. Sau khi nêu lên những biểu hiện xấu của cán bộ cách mạng bị dân ghét, Bác Hồ chỉ rõ: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân...”. Cuối bài báo, Bác Hồ kết luận: “Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”(4). Cũng trong giai đoạn này, với những bút danh khác nhau, Bác Hồ đã viết nhiều bài báo nêu lên những khuyết tật của cán bộ, đảng viên, đồng thời chỉ ra những cách thức khắc phục với mục đích cao nhất là vì lợi ích của nhân dân, của cách mạng: “Chính phủ là công bộc của dân”; “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”; “Bỏ cách làm ấy đi”; “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”.v.v..

 

Thời gian qua, đặc biệt là từ năm 2011 đến nay, tức là từ khi Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, chúng ta cũng đã phát hiện những hạn chế, bất cập, khuyết điểm trong một số tổ chức đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước. Một bộ phận cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, lợi ích nhóm, đề bạt thần tốc “con ông cháu cha” không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn vào những vị trí lãnh đạo, quản lý. Nhiều vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, buông lỏng quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng đã bị đưa ra xét xử... Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, chúng ta cũng đã phát hiện và xử lý một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm những điều bất chính...
 

Trong thời gian qua, một số bộ, ban, ngành, địa phương đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nơi công sở. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một quy tắc cụ thể nào quy định làm “sao cho được lòng dân” theo tinh thần tư tưởng của Bác Hồ. Như vậy, có thể nói, cho đến nay, tuy việc cải cách thủ tục hành chính đã đóng góp rất tích cực, góp phần làm cho dân ta “hài lòng”, thế nhưng lại có không ít đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức chưa “được lòng dân” như Bác Hồ đã từng yêu cầu. 

Trở lại với những chỉ dẫn của Bác Hồ vẫn luôn cách thực hành quan trọng trong tình hình mới: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; “...muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.

Thiết nghĩ, để cán bộ, đảng viên không ngừng củng cố, nâng cao tinh thần và ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thì cùng với những quy định, kỷ luật Đảng, trong thời gian tới cần tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, định lượng hóa thế nào là “được lòng dân?”./.  

Vũ Ngọc Lân

------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr 27-28.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia-Sự thật, H, 2011, tr.250.

(3) Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H, 2011, t.4, tr.51.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày