Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.172.516
Truy cập hiện tại 1.742 khách
Đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu xã hội
Ngày cập nhật 02/08/2013

(TTH) - Là địa phương duy nhất của thành phố đưa chỉ tiêu phối hợp dạy nghề cho lao động nông thôn hàng năm vào nghị quyết năm 2012, phường Thủy Xuân đã phối hợp với Trường trung cấp Nghề Huế đào tạo cho 31 học viên nghề trang điểm; mở lớp may công nghiệp cho 20 phụ nữ, phối hợp tập huấn cho 100 hội viên nông dân về kỹ thuật trồng nấm.

 Ông Đồng Sỹ Toàn – Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân cho biết: “Năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức đào tạo nghề trang điểm và nấu ăn cho 60 người. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng nấm các loại cho hội viên nông dân”.  

Mặc dù đã có những kết quả đáng khích lệ, nhưng đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956 của Chính phủ triển khai 3 năm qua ở các phường trên địa bàn vẫn gặp nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến lao động ở các địa phương vùng ven thành phố không quan tâm tới học nghề là do đối tượng học, chương trình học chưa phù hợp. Các ngành nghề đào tạo chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. “Dạy nghề cho lao động nông thôn là tạo cho họ có một nghề để có thể tự tạo việc làm nhằm tăng năng suất lao động hoặc tìm được việc làm phi nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện phần lớn người dân vạn đò vừa được định cư lên bờ và các vùng di dời, giải tỏa được khảo sát đều không thích học những nghề đơn vị chúng tôi được phép đào tạo như: may công nghiệp, điện, cơ khí, một số nghề mỹ nghệ truyền thống, mà chỉ chú ý đến nghề lao động phổ thông có thu nhập ngay sau khi được đào tạo.” Ông Lê Mạnh Dũng – Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề Huế trăn trở.
 
Thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956, từ năm 2010 đến nay, thành phố đã tập trung kinh phí 11,9 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị và hỗ trợ hơn 4,7 tỷ đồng thực hiện công tác đào tạo nghề tại Trường trung cấp Nghề Huế. Song, kết quả đào tạo nghề tại đơn vị này đạt được còn khá khiêm tốn so với yêu cầu. Ba năm qua, trường đã đào tạo được 501 lao động lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở các nghề: may, điện, trang điểm, nấu ăn và 366 lao động lĩnh vực nông nghiệp các nghề: nuôi cá lồng, cá nước ngọt, trồng hoa, chăm sóc cây cảnh.
Trong khi mấu chốt để chương trình đào tạo nghề đạt hiệu quả là đào tạo phải gắn với nhu cầu của xã hội, thì hiện nay các địa phương dường như chỉ chú trọng đến mục tiêu dạy nghề. Tại nhiều nơi, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương chưa thật sự chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực của dạy nghề cho lao động nông thôn mà còn chạy theo số lượng. Theo ông Trương Đình Hạnh – Trưởng phòng Lao động Thương bịnh Xã hội thành phố: “Khó khăn tác động đến việc đào tạo nghề hiện nay là việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ; đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu xã hội và còn chạy theo số lượng. Nhiều ngành có nhu cầu như: dịch vụ xã hội, nghề có kỹ thuật công nghệ cao, tự động hóa... nhưng cơ sở chưa tổ chức đào tạo được. Định hướng của gia đình, bản thân người học nghề còn mang tính phong trào, khiến người lao động chưa coi việc được đào tạo nghề là yếu tố cần thiết để bảo đảm cuộc sống. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ lao động - việc làm tại các phường đa số còn kiêm nhiệm một lúc nhiều công việc”.
 Để tiếp tục thực hiện Đề án 1956 có hiệu quả, các ban, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ. Phương thức đào tạo cần đa dạng hoá, phù hợp với từng nhóm đối tượng như: đào tạo tập trung tại cơ sở dạy nghề đối với những nông dân chuyển đổi nghề nghiệp và dạy nghề tại nơi sản xuất. Các trường nghề phải có kế hoạch đào tạo bảo đảm tỷ lệ học viên ra trường có việc làm cao. Đây có thể xem là vấn đề cốt lõi bởi nếu không gắn được với việc làm thì người dân sẽ không tham gia học nghề nữa và nguồn lực xã hội sẽ bị lãng phí.

 

 

Bài, ảnh: Hoài Phong

 


Theo Báo Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày