Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.175.181
Truy cập hiện tại 68 khách
SUY NGHĨ VỀ “TỨ ĐỨC” CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA - HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC
Ngày cập nhật 08/03/2012

Xã hội luôn đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu khá “khắt khe” về những giá trị, chuẩn mực phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ. Điều đó, thoạt nghe, nhiều người cho rằng như thế là “bất bình đẳng giới”. Tại sao xã hội cứ đòi hỏi người phụ nữ phải thế này, thế nọ, còn nam giới thì sao?

Nhưng trên một khía cạnh khác, tôi nghĩ, điều đó chẳng hề hạ thấp vai trò của người phụ nữ đi chút nào, mà qua đó chứng tỏ xã hội vẫn luôn thừa nhận, đánh giá cao vai trò và tầm ảnh hưởng của phụ nữ đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa gia đình, mà văn hóa gia đình cũng là một yếu tố góp phần xây dựng nền tảng văn hóa của xã hội. Đặc biệt, đó còn là sự ảnh hưởng của phụ nữ đối với quá trình hình thành nhân cách của các thế hệ tương lai.

Như một triết gia đã nói: “Giáo dục một người đàn ông thì được một gia đình nhưng giáo dục người phụ nữ thì được cả một thế hệ”. Là phụ nữ, chúng ta phải thấy được trách nhiệm và tự hào về điều đó!

Chúng tôi được biết lãnh đạo TƯ Hội LHPN Việt Nam cũng rất trăn trở trong việc lựa chọn nội dung phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) đất nước như thế nào để vừa kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp nhưng phải bổ sung những giá trị mới mang tính thời đại, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Nội dung phải cô đọng, có tính khái quát cao, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người.

Trong cương lĩnh đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu “Giải phóng phụ nữ” - “Nam nữ bình quyền”. Trong 2 cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã cống hiến công sức, xương máu góp phần giành độc lập dân tộc và xây dựng CNXH. Với những đóng góp to lớn đó, phụ nữ Việt Nam chúng ta vinh dự được Bác Hồ khen tặng 8 chữ vàng nổi tiếng: “ANH HÙNG - BẤT KHUẤT - TRUNG HẬU - ĐẢM ĐANG” mà cho đến bây giờ, các thế hệ phụ nữ Việt Nam vẫn luôn tự hào về điều đó. “Tứ đức” của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước do Hội LHPN Việt Nam khởi xướng đã kế thừa 4 trong 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng, ngoài ra bổ sung thêm 2 phẩm chất mới cho phù hợp với xã hội hiện nay, đó là “TỰ TIN- TỰ TRỌNG - TRUNG HẬU - ĐẢM ĐANG”

Tôi rất cảm kích, khâm phục “Lòng tự trọng” của người dân Nhật Bản trước thảm họa động đất và sóng thần tháng 3 năm 2011. Họ không chen lấn, giành giật nhau khi xếp hàng chờ phân phát lương thực, thực phẩm hay lên xe buýt. Người bán hàng không tự ý tăng giá nhu yếu phẩm. Người dân Nhật Bản bình thường không tham lam nhặt lấy những đồng tiền bay tứ tung trên những ngôi nhà đổ nát mà có thể chủ nhân của nó đã bị cuốn ra biển... “Tự trọng” còn biểu hiện ở sự tôn trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội. Người phụ nữ không làm những việc trái với thuần phong, mỹ tục Việt Nam; biết gìn giữ phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; không chạy theo lối sống buông thả, thực dụng đánh mất nhân phẩm của mình. “Tự trọng” còn bao hàm là đạo đức nghề nghiệp, dù làm bất cứ ngành nghề gì: “Lương y như từ mẫu”, “Cô giáo như mẹ hiền”... hoặc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh không chạy theo lợi nhuận bất chính mà biết quan tâm đến lợi ích, sức khỏe của xã hội và cộng đồng.

Trong 4 phẩm chất của phụ nữ Việt Nam ngày nay thì “Tự tin” được xếp ở vị trí thứ nhất, bởi lâu nay, phụ nữ chúng ta thường vẫn bị đánh giá có một bộ phận không nhỏ vẫn còn mang nặng tư tưởng mặc cảm, tự ti.

Theo tôi, một phụ nữ “Tự tin” là người biết phát huy các giá trị của bản thân, biết được điểm mạnh để phát huy và điểm yếu để khắc phục. Thật tiếc, trong chúng ta còn không ít chị em, có khi chỉ vì thiếu tự tin về dáng vẻ bên ngoài (dù rằng trình độ, khả năng không thua kém người khác) mà họ trở nên ngại ngần trong giao tiếp, ngại tham gia các hoạt động xã hội. Vì vậy, người phụ nữ tự tin, trước hết phải có đủ bản lĩnh để vượt lên chính mình.

Tự tin giúp phụ nữ có tính quyết đoán, tự chủ trong công việc; tự quyết định những vấn đề có liên quan đến bản thân và gia đình; không dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác. Đây cũng là yếu tố để phụ nữ vươn lên thực hiện bình đẳng trong tham gia vào quá trình ra quyết định. Nếu thiếu tự tin, phụ nữ dễ rơi vào thụ động, thiếu chí tiến thủ; an phận, không có chính kiến.

“TRUNG HẬU - ĐẢM ĐANG” là hai phẩm chất truyền thống khá nổi trội của phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, trước yêu cầu phát triển của xã hội khi mà vai trò, vị trí của phụ nữ đã có nhiều thay đổi, phụ nữ “Đảm đang” không còn chỉ giỏi trong quán xuyến, thu vén công việc gia đình, tề gia, nội trợ; mà còn phải là người lao động giỏi; biết nắm bắt khoa học kỹ thuật; làm việc có năng suất chất lượng, tạo ra thu nhập chân chính, làm giàu cho bản thân và gia đình; biết sử dụng một cách hợp lý các nguồn lực của xã hội và gia đình. Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ đảm đang là người biết sắp xếp hài hòa, hợp lý công việc xã hội và gia đình; khéo léo động viên chồng con cùng chia sẻ và tham gia vào việc nhà.

Về phẩm chất “Trung hậu” là cách sống nhân ái vị tha, bao dung của người phụ nữ. Người phụ nữ trung hậu luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác lúc gặp khó khăn, hoạn nạn; có sự cảm thông, chia sẻ và có lòng vị tha. Để phấn đấu hoàn thiện theo 4 phẩm chất nói trên không phải là điều dễ dàng, ngày một, ngày hai mà đó phải là ý thức tự rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục của người phụ nữ. Phải bắt đầu từ những việc làm bình thường, có khi rất nhỏ trong cuộc sống thường ngày. Và, bản thân phụ nữ cũng không thể làm được nếu thiếu sự hỗ trợ, cùng tham gia của mọi thành viên trong gia đình; sự đồng thuận ủng hộ của cộng đồng, xã hội.

Hội LHPN các cấp phải là tổ chức tiên phong trong việc tuyên truyền, cung cấp, trang bị cho chị em những kiến thức, kỹ năng cần thiết; tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ rèn luyện, phấn đấu hoàn thiện mình theo 4 phẩm chất nói trên; phát hiện, nêu gương kịp thời những phụ nữ có những phẩm chất, đức tính quí báu để chị em học tập, noi theo.

Nội hàm “Tứ đức” của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH cũng không “rập khuôn”, “đóng khung” mà trong quá trình thực hiện sẽ được bổ sung thêm những giá trị mới, phù hợp văn hóa vùng, miền. Vì vậy, tôi thiết nghĩ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam nên tạo ra những diễn đàn trao đổi rộng rãi, cởi mở xung quanh vấn đề này.

 

PHAN HỒNG VÂN (Phó Chủ tịch Hội LHPN  tỉnh TT. Huế)   

Các tin khác
Xem tin theo ngày