Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.176.035
Truy cập hiện tại 245 khách
Biên chế tăng, lương có tăng?
Ngày cập nhật 03/01/2012

Theo dự thảo Kế hoạch biên chế công chức năm 2012 đối với các bộ, ngành và địa phương do Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2012, số biên chế công chức của cả nước sẽ tăng 1.499 người. Con số này không phải là nhiều, song việc tăng biên chế liên quan trực tiếp đến việc chi trả lương, nếu không cân nhắc kỹ lưỡng thì việc cải cách chính sách tiền lương vẫn mãi loay hoay như suốt thời gian qua.

Biên chế tăng nhiều hơn giảm

Theo Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ), kết quả thẩm tra thực hiện chính sách tinh giản biên chế 4 năm qua theo Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là 54.220 người. Điều này đã góp phần nâng cao hơn chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; khuyến khích một số đối tượng không bảo đảm điều kiện công tác nghỉ, tạo cơ hội đào tạo cho thế hệ mới. Tuy nhiên, sau khi thực hiện tinh giản biên chế, bộ máy hành chính không những không giảm mà còn tăng đến 25%. Nếu năm 2000, tổng số biên chế công chức hành chính của cả nước mới hơn 200 nghìn người thì nay đã lên tới khoảng 260 nghìn người.

Theo kết quả khảo sát của Công ty Tư vấn độc lập DEPOCEN (công ty đã khảo sát 6 bộ và cơ quan ngang bộ cùng 9 tỉnh, TP trực thuộc TƯ) thì có khoảng 51% CBCC không biết rằng cơ quan họ đang có kế hoạch tinh giản biên chế hoặc ai đã bị tinh giản biên chế; và phần lớn các cơ quan có thực hiện thì chỉ tinh giản những cán bộ đã sắp đến tuổi nghỉ chế độ, cho dù họ vẫn đang làm việc tốt; CBCC trong các độ tuổi khác bị tinh giản rất ít. Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Đinh Duy Hòa cho biết: "Có tới 30% công chức cấp xã chưa qua đào tạo và trong các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ có khoảng 30% CBCC làm việc có hiệu quả cao, số còn lại không có hiệu quả gì đặc biệt".

Thu hẹp đối tượng hưởng lương?

Một thực tế đang tồn tại hiện nay là tiền lương thấp không đủ sống, mỗi lần tăng lương tối thiểu lại làm cho gánh nặng của ngân sách càng tăng và cải cách lần sau lại lặp lại những vấn đề cần giải quyết của lần trước. Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội: "Về nguyên tắc, tiền lương của CBCCVC phải được trả đúng theo vị trí công việc dựa trên tiêu chuẩn chức danh CBCCVC và hiệu quả thực thi nhiệm vụ, công vụ, cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, chính sách tiền lương của Việt Nam nhiều năm qua không tuân theo nguyên tắc này". Khi bàn về vấn đề cải cách chính sách tiền lương, nhiều chuyên gia cho rằng, cần rà soát và đánh giá lại CBCC, thực hiện tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC; khảo sát xem bộ máy các bộ trong những năm gần đây tăng, giảm ra sao, biên chế như thế nào; xem xét sáp nhập một số đơn vị để dần dần có thể tinh giản biên chế. Ngoài ra, sẽ phải xem xét giảm các đối tượng hưởng lương bằng ngân sách thông qua việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở bên dưới. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xã hội hóa khu vực sự nghiệp cung cấp dịch vụ công nhằm giảm dần tỷ trọng chi từ ngân sách nhà nước cho đầu tư cơ sở vật chất, giảm tối đa viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

GS.TS Bùi Thế Vĩnh (Học viện Hành chính) cho rằng: "Định hướng chính sách tiền lương giai đoạn 2013-2020 đã coi "việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển" là rất đúng. Song, đã đầu tư thì cần tính toán hiệu lực, hiệu quả và phải là một quá trình lâu dài, ít nhất là 3 năm". Cũng theo ông Bùi Thế Vĩnh hiện đối tượng đầu tư ở nước ta rất rộng, quy mô rất lớn cần phân tách đối tượng cần đầu tư, phân ra từng cơ chế riêng. Ông Vĩnh cũng đề xuất việc tạo nguồn cho chính sách cải cách tiền lương bằng cách ngân sách chi trả lương không chỉ từ nguồn ngân sách nhà nước mà cả từ vốn vay ODA nước ngoài, bởi loại vốn vay này có khả năng từng bước thu hồi nếu có cách trả lương đúng đắn và cơ chế kiểm soát lương chặt chẽ. Theo đó, trong vòng 5 năm, tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng chế độ tiền lương mới dứt khoát không tăng biên chế, ở đâu "một người làm việc bằng hai" thì sẽ áp dụng chế độ khen thưởng mới.

Trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề biên chế công chức năm 2012, ông Vũ Văn Thái, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết: "Trong dự thảo Kế hoạch biên chế công chức năm 2012, dự kiến, số biên chế công chức cả nước chỉ tăng 1.449 người, bằng 0,53% năm 2011. Trong đó, chỉ tăng 39 người cho trung ương, còn lại tăng cho 63 tỉnh, thành. Nếu kế hoạch này được Thủ tướng Chính phủ thông qua thì vẫn phải có đề án xác định vị trí việc làm thuyết phục và được chấp nhận thì mới được tăng". Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng khẳng định: "Công chức được quản lý theo nguyên tắc kết hợp tiêu chuẩn chức danh với xác định vị trí việc làm, do đó biên chế cũng được xác định trên cơ sở bảo đảm đúng và đủ - đúng theo vị trí việc làm và chuyên môn nghiệp vụ, đủ về số lượng và cơ cấu. Đến nay mới có hai đơn vị xác định vị trí việc làm để xác định biên chế là Bộ Nội vụ và Bảo hiểm XH Việt Nam, sắp tới sẽ mở rộng ra các cơ quan khác".

Định hướng cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2013-2020 đang được hoàn thiện để trình Chính phủ vào tháng 4-2012. Với một thực tế là ngân sách chi trả lương có hạn mà số biên chế lại đang "phình", các cơ quan chức năng cần lưu ý tới ý kiến đề xuất của các chuyên gia để việc cải cách chính sách tiền lương trong giai đoạn tới thực sự có hiệu quả.

Minh Phương (Nguồn: Báo Hà Nội mới)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày