Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.141.064
Truy cập hiện tại 1.153 khách
Phối hợp quản lý và bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan
Ngày cập nhật 13/09/2024

Ngày 10/9, tại di tích Hải Vân quan, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức buổi làm việc về công tác phối hợp quản lý và phát huy giá trị di tích quốc gia Hải Vân Quan. UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình và Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi đồng chủ trì buổi làm việc.

Hải Vân Quan là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân với nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công, được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2017.

Hải Vân Quan xây từ đời Trần và được trùng tu vào thời Nguyễn (năm Minh Mạng thứ 7,1826). Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ "Hải Vân Quan", cửa trông xuống Quảng Nam đề "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Lạc khoản một bên góc bảng còn ghi thêm "Minh Mệnh thất niên cát nhật tạo", tức và làm vào ngày tốt năm Minh Mệnh thứ 7 (1826).

Dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan khởi công từ tháng 12/2021 với kinh phí 42 tỷ đồng, do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng thực hiện.

Đây là công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng của hai địa phương. Đến nay, việc trùng tu di tích cơ bản bảo đảm phục hồi, tu bổ lại một số hạng mục công trình gốc của di tích như: cổng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, cổng Hải Vân quan, nhà trú sở, hệ thống tường thành…

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Di tích Hải Vân quan đã mở cửa miễn phí từ 1/8 đến khi hai địa phương thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp. Thời gian này, các bên cũng tiếp thu ý kiến của cộng đồng để hoàn chỉnh phương án, hoàn thiện các thiết chế dịch vụ bảo đảm an toàn cho du khách. Giai đoạn đầu phục vụ du khách, đã lắp đặt hệ thống lan can, kính bảo vệ, bảng hướng dẫn… để đảm bảo an toàn cho du khách.Tại các lối đi được trang bị thùng rác nhỏ, bảng chỉ dẫn để phục vụ khách tham quan. Đặc biệt, bên trong nhà trú sở đã hoàn thành và treo các bảng hình ảnh, thông tin về di tích theo ngôn ngữ Việt - Anh để phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử công trình của du khách.

Hiện nay, đã thành lập tổ bảo vệ di tích, ban hành Quy chế làm việc, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất thiết yếu cho hoạt động quản lý bảo vệ ở Hải Vân quan. Trong thời gian đến, hai địa phương sẽ xây dựng một ban quản lý để thực hiện công tác quản lý, khai thác di tích. Bên cạnh đó, thực hiện gắn mã QR tại từng hạng mục để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu công trình của người dân, du khách. Đồng thời, nghiên cứu tổ chức các triển lãm, trưng bày, hoạt động gắn liền với Hải Vân quan để lan tỏa danh thắng đặc biệt này.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, ngành văn hóa hai địa phương sẽ tiếp tục có sự phối hợp để khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này. Ngoài ra, hai địa phương cũng sẽ phối hợp trong việc quản lý, có những phương án phù hợp, tối ưu về một số hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, nhất là hạ tầng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, cảnh quan môi trường, không gian trưng bày sản phẩm du lịch để góp phần phát huy công trình, thu hút du khách đến tham quan.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành và địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đã có những trao đổi làm rõ thêm các vấn đề về phương án quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan trong thời gian tới liên quan đến tình hình đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, hoạt động kinh doanh, PCCC, phối hợp trong công tác quản lý mặt bằng và không gian di tích quốc gia Hải Vân Quan, quy hoạch bãi đỗ xe, dự án Nhà quản lý điều hành khu di tích Hải Vân Quan, khu hậu cần dịch vụ du lịch…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi đã cơ bản thống nhất với các nội dung được các bên trao đổi về việc phối hợp trong công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan gắn với phát triển du lịch. Qua đó, cần sớm xây dựng phương án quản lý trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.

Lãnh đạo hai địa phương cũng thống nhất các nội dung như: Phương thức, nội dung quản lý, thời gian luân phiên quản lý; thời gian khánh thành và bán vé tham quan di tích, khung giá vé; nhân sự; các nội dung khác liên quan đến hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ du lịch…Theo đó, giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế luân phiên quản lý theo hình thức quản lý trực tiếp trong vòng 3 năm. Về phía Đà Nẵng, giao quận Liên Chiểu, theo hình thức luân phiên 3 năm 1 lần, trên cơ sở đó cùng xây dựng quy chế quản lý, khai thác di tích. Giao UBND huyện Phú Lộc chủ trì phối hợp UBND quận Liên Chiểu trong quy hoạch cảnh quan. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng cũng nhấn mạnh đến cơ chế phối hợp quản lý phải có sự thống nhất, quan tâm đến hạ tầng kỹ thuật, có giải pháp để khai thác, bảo quản phát huy giá trị di tích một cách hiệu quả và lâu dài, chú trọng đến công tác tuyên truyền quảng bá di tích. Đồng thời, trong khai thác quản lý phải đảm bảo cảnh quan môi trường và an toàn cho du khách khi tham quan, trải nghiệm tại di tích Hải Vân Quan.

Theo tinhuytthue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày