Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.160.507
Truy cập hiện tại 663 khách
Người dựng miếu Cột Cờ bên dòng Tả Trạch
Ngày cập nhật 25/07/2024

TTH - Trong một lần ngược dòng Tả Trạch, Chủ tịch UBND xã Dương Hòa Lê Văn Thức đã chỉ cho chúng tôi xem vị trí ngọn đồi - nơi có ngôi miếu mà hơn thập kỷ trước đây người dân đã dựng lên nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Khi biết tôi có ý định tìm đến thăm ngôi miếu này nhiều Cựu chiến binh của Huyện đội Hương Thủy năm xưa như nguyên Huyện đội trưởng Lê Hữu Tòng, nguyên Đại đội phó Hành lang Nguyễn Trung Kiên, nguyên trợ lý Quân báo Lê Bá Sơn, nguyên cán bộ Đặc công C3 Hà Thúc Chuyên hăng hái “đăng ký”.

Hôm ấy trời không nóng lắm, từ chân đập phụ của hồ Tả Trạch đoàn chúng tôi theo thuyền vượt sông rồi cùng nhau leo lên ngọn đồi cao 131 mét.

Có trải nghiệm mới thương Hồ Đắc Lực - người khởi xướng xây dựng ngôi miếu này. Thuở ấy sức khỏe còn dẻo dai, mỗi ngày anh đã gùi gần 20 can nước từ sông Hai Nhánh ngược dốc cung cấp cho anh em thợ nề trộn hồ trộn vữa. Và nay, dù đã ở tuổi 60 nhưng đều đặn tháng hai lần (dịp rằm mồng một âm lịch) mang lễ vật lên đây cúng bái liệt sĩ và những linh hồn phiêu bạt.

Hồ Đắc Lực quê gốc Phú Vang, sau giải phóng theo gia đình lên Dương Hòa - Hương Thủy lập nghiệp rồi đi bộ đội đến năm1986 phục viên, lập gia đình. Đất nước đổi mới, như nhiều gia đình khác, anh xin chính quyền nhận đất trồng rừng theo chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Đầu những năm 2000, khi các đơn vị thi công xây dựng hồ chứa nước Tả Trạch, do nhà của anh nằm trong diện giải tỏa nên đã được Nhà nước bố trí về  khu định cư Bến Ván, xã Lộc Bổn, Phú Lộc.

Hồ Đắc Lực kể về quá trình tham gia tìm kiếm hài cốt của mình: Trước những năm 1990, vùng đồi này còn trơ trọi và trong quá trình phát quang, đào hố trồng cây tình cờ phát hiện bộ hài cốt đầu tiên, áo quần dù mục nát nhưng đôi dép cao su thì còn. Biết là bộ đội, Lực chưa di dời vội mà tiếp tục tìm kiếm rồi tổ chức cất bốc đưa tất cả về vườn nhà mình và sau đó báo cho chính quyền quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Hương Thủy.

Trong hơn chục bộ hài cốt mà Hồ Đắc Lực tự mình tìm kiếm và tham gia cất bốc có hai trường hợp mà đến nay anh còn nhớ mãi. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Bê, quê ở Xuân Phú, Yên Dũng, Bắc Giang. Ông là chiến sĩ của Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên, tham gia chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu hy sinh năm 1974 và được đồng đội - người cùng quê là ông Lê Văn Chưởng (bí danh Kiên) chôn cất. Sau ngày đất nước thống nhất,  ông Chưởng đã đưa thân nhân liệt sĩ Bê trở lại chiến trường xưa tìm kiếm. Thời gian đã làm cho vật đổi sao dời nên dù đã nhiều lần vào ra nhưng ông Chưởng vẫn không thể nào tìm ra nơi mà mình đã chôn cất đồng đội. Đớn đau, day dứt, nhiều đêm không ngủ được nên ông Chưởng quyết tâm cùng thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn Bê trở lại Mỏ Tàu tìm kiếm lần cuối và lần này ông Lê Văn Chưởng đã gặp may... Lắng nghe câu chuyện của ông Chưởng, anh Lực nhận lời giúp.

Theo mô tả của ông Chưởng, Hồ Đắc Lực đã dẫn họ đến là khu vực sân bay Cưa - bãi đáp trực thăng dã chiến nằm cách mỏm núi Mỏ Tàu chừng 3km về phía nam. Ông Lê Văn Chưởng kể về giây phút ấy như sau: Khi hài cốt hiện ra, tự tay tôi lần tìm và nước mắt ràn rụa khi nhặt được con dao (do anh Bê tự chế từ mảnh đạn) mà chính tay tôi đã đặt vào ngực anh trước khi lấp đất. Tôi và thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Bê mãi mãi tri ân tấm lòng anh Hồ Đắc Lực. Chính sự tận tâm của anh đã giúp chúng tôi tìm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Bê đưa về quê nhà an táng.

Trường hợp thứ hai là cha của anh Trần Văn Minh, hiện ở Phong Thu, Phong Điền. Anh Minh đã trực tiếp kể cho tôi nghe câu chuyện tìm hài cốt của cha mình. Khi tham gia chiến dịch Xuân 1968 ở Huế, cha của Minh là ông Trần Văn Sau, Chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Thành đội Huế. Trong quá trình chiến đấu, ông Sau bị thương. Đồng đội đưa ông lên Trạm xá Nam điều trị, nhưng do không được chữa trị kịp thời, vết thương lâu ngày bị nhiễm trùng nên đã hy sinh.

Biết Thủ trưởng mình qua đời, ông Nguyễn Hữu Đăng (nay ở phường Vỹ Dạ) đã đưa thi thể liệt sĩ Trần Văn Sau sang chôn trên một ngọn đồi ở dốc Thanh Niên. Đất nước hòa bình, ông Đăng đưa thân nhân liệt sĩ Trần Văn Sau trở lại bờ tây dòng Tả Trạch tìm kiếm, nhưng không thành. Đang bế tắc, bất ngờ thân nhân liệt sĩ Sau lại gặp may.

Kể về trường hợp hy hữu này, ông Trần Văn Minh cho biết, tôi có đứa cháu là Trần Văn Trung đi bộ đội ở cùng đơn vị với anh Hồ Đắc Lực. Phục viên, cháu tôi thường vào Phú Lộc thăm bạn và trong một lần tâm tình, cháu tôi đã kể câu chuyện tìm hài cốt của cha tôi cho anh Lực nghe. Mấy hôm sau thì tôi được anh Lực báo cho biết, anh đã lên dốc Thanh Niên tìm kiếm và phát hiện tại đây hiện còn 3 ngôi mộ. "Khấp khởi mừng tôi liền vào Huế báo cho chú Nguyễn Hữu Đăng biết. Hôm ấy chú bị ốm nên không đi được, nhưng luôn dặn tôi “đào lên, nếu phát hiện trong ngôi mộ có viên đá khắc chữ SAU thì đó chính là hài cốt của cha cháu. Chính tay chú khắc tên và chôn theo viên đá đó", Trần Văn Minh kể. Rồi anh nói tiếp trong xúc động: "Chúng tôi theo anh Hồ Đắc Lực trở lại dốc Thanh Niên và làm theo chỉ dẫn của chú Đăng. Nhặt viên đá có khắc chữ SAU nước mắt tôi tuôn trào. Tôi sinh ra chưa hề thấy mặt cha và đây là lần đầu và cũng là lần cuối tôi mới ôm được hài cốt đấng sinh thành của mình!".

Sau hơn bốn mươi năm nằm giữa núi rừng thâm u, cuối cùng hài cốt của Liệt sĩ Trần Văn Sau đã được thân nhân đón về an táng ở quê nhà. Dẫn vậy để thấy việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vô cùng gian nan. Ngay như trường hợp hy sinh của cố Bí thư Thành ủy Huế Ngô Hà (Lén), mặc dù được cơ quan tổ chức mai táng cẩn thận ở chiến khu Dương Hòa, nhưng do lâu ngày nên dù nhiều lần tổ chức tìm kiếm, mãi đến năm 2014, Thành ủy và thân nhân mới tìm thấy hài cốt của ông.

Trở lại với chuyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của ông Hồ Đắc Lực, ngoài tự mình tìm kiếm, cất bốc hơn mười hài cốt liệt sĩ, sau khi phát hiện ông còn báo cho Đội 192 của Tỉnh đội Thừa Thiên Huế cất bốc thêm mười mấy bộ hài cốt liệt sĩ để quy tập về Nghĩa trang. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều cựu chiến binh của Trung đoàn 6, Trung đoàn 271  Quân khu Trị Thiên và của Trung đoàn 1 Sư đoàn 324 của Quân đoàn II nhờ ông Hồ Đắc Lực dẫn đường trở lại khu vực Mỏ Tàu và khu vực sông Hai Nhánh thăm chiến trường xưa và tìm kiếm hài cốt đồng đội. Nhiều người cũng từ đó mà trở nên thân quen với ông. Thông qua câu chuyện của họ, Hồ Đắc Lực mới biết Mỏ Tàu trước đây là vùng chiến địa vô cùng khốc liệt của mặt trận tây nam Huế.

 Chiến tranh dù ngưng ngót nửa thế kỷ nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp những nấm mồ cô quạnh bên các triền đồi, hóc núi. Ngay tại đồi 131 này từ sau Hiệp định Paris - 1973 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Quân đội Sài Gòn và Quân giải phóng giành đi giật lại nhiều lần. Để đánh dấu chủ quyền, sau khi chiếm được đồi 131, Quân giải phóng đã cắm cờ của Mặt trận lên đây và kể từ đó bộ đội ta mới đặt cho cao điểm 131 cái tên mới: đồi Cột Cờ!

"Do thấy bộ đội hy sinh nhiều quá nên em phát tâm dựng một ngôi miếu. Em trình bày và được chính quyền ủng hộ. Riêng cá nhân anh Phan Văn Thông (nguyên Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy) xin góp một phần vật liệu. Nhờ vậy mà từ cuối năm 2009 em đã lập được ngôi miếu này. Còn cái cột cờ là do cựu chiến binh của Trung đoàn 6 Nguyễn Ngọc Hân (nay ở Gia Lâm, Hà Nội) khi trở lại chiến trường xưa thăm nơi mình bị thương đã xin “được phép dựng cột cờ” cạnh miếu để tưởng nhớ những năm tháng hào hùng đã qua" - Hồ Đắc Lực tâm sự. Nếu quan sát kỹ, ngôi miếu Cột Cờ có tiền án là dãy núi Mỏ Tàu và minh đường là dòng Tả Trạch còn hậu chẩm là dòng sông Hai Nhánh. Sơn thủy hữu tình đẹp như tranh.

Trước khi ra về Hồ Đắc Lực đưa chúng tôi đến thăm hai ngôi mộ ở đồi 131 mà theo tìm hiểu một là của Quân Giải phóng và một là của Quân Sài Gòn. Dù người nằm xuống là ai thì cũng đều là máu đỏ da vàng và đều là con của Mẹ Việt Nam nên đều đặn tháng hai lần ông đều dâng hương để những linh hồn bớt cô quạnh. Trong không gian trầm mặc, bất chợt tôi liên tưởng đến những câu thơ của Quang Dũng mà tôi thuộc từ thời trai trẻ: Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Là những người từng tham gia kháng chiến, thấu cảm nỗi đau do chiến tranh mang lại, chúng tôi chỉ mong đất nước luôn được yên ổn, Nhân dân vui sống trong hòa bình và thế hệ rường cột không quên sự hy sinh của lớp lớp thế hệ cha ông. Họ nằm xuống để Đất nước đứng lên vẹn nguyên và phồn thịnh như hôm nay.

Tôi quý trọng Hồ Đắc Lực là vì lẽ ấy! 

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày