Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.149.883
Truy cập hiện tại 817 khách
Mỗi người dân là một đại sứ du lịch
Ngày cập nhật 02/07/2024

TTH - Huế luôn nỗ lực xây dựng và khẳng định là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Thế nhưng, thi thoảng vẫn còn những "con sâu" làm rầu "nồi canh", đặc biệt khi vụ việc được đẩy đi xa trên môi trường mạng.

Khi "tin xấu" lan truyền 

Mới đây, một số bài viết trong một fanpage mạng xã hội facebook review về du lịch Huế đăng tải phản ánh của du khách về 2 ly nước mía 60.000 đồng (mỗi ly 30.000 đồng) ở hàng nước treo biển gửi xe miễn phí trước khu vực lăng vua Tự Đức. Người đăng tải bày tỏ bức xúc khi cho rằng bị chặt chém. Ở phần bình luận, hàng loạt người tranh cãi trái chiều về vụ việc này.

Đáng nói, mặc dù người đăng ẩn danh và thông tin chưa được kiểm chứng, cần cơ quan chức năng vào cuộc xác minh để xử lý thì có nhiều ý kiến gay gắt để lại dưới phần bình luận. Một số người còn dùng những từ ngữ nặng nề, đánh đồng rồi so sánh với các địa phương bạn. Có người chơi facebook là người Huế hoặc người yêu Huế đứng ra bênh vực, dẫn đến cuộc cãi vã trên không gian mạng.

Đọc những bình luận ấy, Công Danh, một người bạn của tôi ở TP. Hồ Chí Minh lắc đầu, nói: “Du khách vào đọc những bình luận ấy không chỉ đánh giá một điểm đến mà đánh giá cả văn hóa, con người. Còn với những người Huế, bình luận để bênh vực cho quê hương, lời lẽ đôi co thiếu lịch sự có thể làm cho vụ “ép giá" vốn đã bị trừ điểm, nay bị trừ thêm điểm nữa vì thiếu thân thiện, kém văn hóa”.

So với giai đoạn trước, với sự vào cuộc ráo riết của chính quyền địa phương, ngành du lịch và các đơn vị, ban ngành chức năng, nạn chẹt giá khách đã giảm đi nhiều. Song, để xử lý triệt để là câu chuyện khó và thi thoảng, khách vẫn phản ánh vấn đề này. Ngoài các dịch vụ tại các điểm du lịch, một số điểm kinh doanh dịch vụ, thậm chí là gội đầu dưỡng sinh cũng từng bị du khách “nhắc tên”.

Khi sự việc xảy ra, khách thường không phản ánh trực tiếp đến cơ quan chức năng, mà đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội. Dù lực lượng chức năng sau khi nắm tình hình nhanh chóng vào cuộc xử lý, nhưng chính những bình luận của cộng đồng mạng lại đẩy vụ việc đi xa.

Đọc bình luận ở nhiều vụ việc khách phản ánh nạn “chặt chém” về giá gần đây, không chỉ riêng ở Huế mà còn ở một số địa phương khác, thông thường có 2 luồng ý kiến, bênh vực và chê bai. Có người phân tích thấu đáo vụ việc, nhưng cũng rất nhiều người hùa theo với những từ ngữ thiếu tế nhị. Đây là vấn đề gây ảnh hưởng rất xấu cho không chỉ du lịch mỗi địa phương, mà còn là hình ảnh của du lịch quốc gia, khi du khách thường có thói quen tìm các trang mạng review. Họ không chỉ xem các đánh giá về cảnh quan mà còn để ý về văn hóa, ứng xử và sự thân thiện của con người.

Đại sứ du lịch từ… không gian mạng

Nạn “chặt chém” còn tiếp diễn, vai trò và sự quyết liệt của các cấp, ngành, lực lượng chức năng càng phải lớn hơn. Cùng với những chế tài xử phạt đủ sức răn đe, còn cần nhiều giải pháp tuyên truyền, thay đổi nhận thức.

Việt Nam nói chung, Huế nói riêng luôn mong muốn mỗi người dân là một đại sứ du lịch, góp phần định vị thương hiệu và quảng bá về một Việt Nam xinh đẹp, an toàn, thân thiện, hiếu khách và hấp dẫn. Trong thời đại toàn cầu hóa thông tin với các trang mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok... phát triển mạnh mẽ, việc quảng bá du lịch qua ứng dụng mạng xã hội cũng trở nên phổ biến và tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi. Thực tế, với trách nhiệm và tình yêu quê hương, nhiều người đã sáng tạo ra các video ngắn, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh về du lịch Việt Nam với đa trải nghiệm thú vị, hấp dẫn.

Theo các chuyên gia, mỗi người dân là một đại sứ du lịch, không hẳn bằng những công việc lớn lao mà chính sự thân thiện, hiếu khách, từ việc chỉ đường, mời khách ly nước, hỗ trợ khách khi họ cần đã là một sự đóng góp rất lớn. Trên không gian mạng, họ có thể là một đại sứ du lịch từ những cách quảng bá, góp ý chân thành cho du lịch địa phương, dùng những ngôn từ chuẩn mực để ứng xử phù hợp cũng tạo thiện cảm với du khách.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ số, việc khách du lịch ngồi nhà mở mạng internet lựa chọn điểm đến, tour hành trình, rồi đặt vé máy bay, khách sạn… cho chuyến đi của mình hay gia đình, nhóm đã trở thành phổ biến. Đáp ứng nhu cầu của du khách, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cần tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quảng bá du lịch và các dịch vụ. Mặt khác, cần kịp thời nắm bắt, vào cuộc tìm hiểu, xử lý nhanh những vụ việc mà du khách phản ánh để tránh gây ra dư luận xấu. Bên cạnh đó, các đơn vị, trường học cần tiếp tục có giải pháp để giáo dục văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, đặc biệt là với giới trẻ.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, chính quyền địa phương và ngành du lịch rất trăn trở về những tồn tại trong ngành du lịch và luôn tìm nhiều giải pháp khắc phục để khẳng định Huế là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và những người làm dịch vụ - du lịch thì ngành du lịch, công an, các đơn vị liên quan và nhất là chính quyền địa phương cần tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa phục vụ khách du lịch; theo dõi thông tin phản ánh các vụ việc trên Hue-S, đường dây nóng và diễn đàn mạng xã hội để chủ động phát hiện, xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Cố đô.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày