Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.157.404
Truy cập hiện tại 2.770 khách
Thêm cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc
Ngày cập nhật 28/05/2024

TTH.VN - Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ủng hộ Thủ đô có những cơ chế đặc thù nhưng cần rà soát chặt chẽ, thận trọng; cần chú trọng đầu tư, phát triển Thủ đô Hà Nội như một đơn vị hành chính đặc biệt;…

Chiều 28/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tiếp thu giải trình, nghiên cứu hoàn thiện dự án luật, tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, thành phố Hà Nội, các cơ quan hữu quan, lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm để có thêm thông tin và cơ sở thực tiễn phục vụ công tác giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu chỉnh lý dự án luật này tại phiên họp thứ 31, tổ chức xin ý kiến ĐBQH tại Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách, hoàn chỉnh gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan tổ chức có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung vào một số vấn đề lớn như: Nguyên tắc áp dụng pháp luật; các quy định về tổ chức chính quyền đô thị; xây dựng, phát triển, quản lý bảo vệ thủ đô; tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực để phát triển thủ đô và các vấn đề khác đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 13/5/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ số 825/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) (98 trang) gửi các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH). 

Trong đó, về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Luật, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô; không quy định lại các nội dung, các vấn đề đã được quy định trong các luật khác, đặc biệt là các luật vừa được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở. Đồng thời, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng sắp xếp lại trật tự một số điều, khoản trong các chương II, III, IV bảo đảm logic, phù hợp hơn.

Về áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4), trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của ĐBQH, tham khảo các quy định của một số luật, nghị quyết của Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: Tiếp tục quy định trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần được áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó (khoản 2).

Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH kiến nghị cần đảm bảo tính khả thi và tính tương thích giữa Luật Thủ đô (sửa đổi) với các luật khác có liên quan; cần thiết giao quyền chủ động cho Hà Nội trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn; làm rõ quy định về áp dụng Luật Thủ đô; đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam; đánh giá Báo cáo tiếp thu giải trình và Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, với nhiều nội dung cụ thể, chi tiết…

Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cho rằng, thực tế, Hà Nội đã triển khai mô hình trường chất lượng cao theo Luật Thủ đô năm 2012, qua tổng kết đánh giá cho thấy rất hiệu quả, phù hợp với nhu cầu xã hội, mong muốn của phụ huynh học sinh, giúp nâng cao chất lượng giáo dục của Thủ đô và đẩy mạnh xã hội hóa. Tuy nhiên, cần điều tra, khảo sát thực tế và cung cấp đầy đủ thông tin số liệu hoặc để thấy rõ nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân Thủ đô đối với mô hình này dẫu chủ trương của thành phố là chỉ phát triển trường chất lượng cao ở những nơi đã có đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập và việc theo học tại các trường chất lượng cao là tự nguyện.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, ở Điều 21, việc dự thảo Luật xác định yêu cầu xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam ở khoản 1 của điều này là thể chế hóa đúng nội dung đã được nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ. Song, đại biểu đề nghị, trên cơ sở rà soát quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Thể dục, thể thao để đưa ra những cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với người có tài năng xuất sắc trong bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, khuyến khích, tạo điều kiện cho họ hành nghề và truyền nghề.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cũng tán thành việc Thành phố được phép thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, điểm dân cư nông thôn hiện hữu, bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống; tán thành việc bổ sung đầy đủ 12 ngành công nghiệp văn hóa vào danh mục các lĩnh vực có đầu tư mới được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Thủ đô tại Điều 43 của dự thảo Luật cùng với những tiêu chí, điều kiện đầu tư kèm theo…

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày