Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.161.716
Truy cập hiện tại 939 khách
Lê Đức Anh, người con quê hương trong chiến dịch Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 29/04/2024

TTH - Miền Nam được giải phóng, Sài Gòn giữ được gần như nguyên vẹn, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta toàn thắng. Trong đó, có công lao, những đóng góp và tên tuổi của Đại tướng Lê Đức Anh - người con của vùng đất Cố đô Huế, người đã cùng viết nên chiến thắng vẻ vang của lịch sử dân tộc.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh (bên trái) tại sân bay quốc tế José Martí ở thủ đô La Habana, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba từ 12 – 17/10/1995. Ảnh: Cao Phong/TTXVN

Đại tướng Lê Đức Anh là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Thừa Thiên Huế, người chỉ huy tham mưu chiến lược xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Sáu Nam) sinh ngày 1 tháng 12 năm 1920 tại làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng chí xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông nội là Lê Thảng, một sĩ phu từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Bà nội là Cung Thị Quyến. Cha là ông Lê Quang Túy (1885 - 1969) làm nghề thầy thuốc, người dân địa phương thường gọi là "Thầy khóa Túy". Mẹ là bà Lê Thị Thoa (1886 - 1967) là một người phụ nữ tần tảo suốt đời vì chồng vì con. Cậu là ông Lê Bá Dị (1901 - 1978), thành viên của tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng.

Từ năm 17 tuổi (năm 1937), đồng chí đã tham gia cách mạng và đến năm 18 tuổi (năm 1938) đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Sau một thời gian hoạt động cách mạng ở quê nhà, năm 1939 khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí chuyển vào hoạt động tại vùng cao su Lộc Ninh, Thủ Dầu Một. Tháng 8 năm 1945, đồng chí được Tỉnh ủy Thủ Dầu Một phân công làm Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách công tác tổ chức và quân sự.

Đồng chí đã từng giữ các chức vụ từ Chính trị viên Tiểu đoàn đến Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8 và Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn (1950); Tham mưu phó, Quyền Tham mưu trưởng Nam Bộ (1951 - 1954). Tháng 5 năm 1955, đồng chí được cử giữ chức Cục phó Cục tác chiến, rồi Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu; và năm 1958 được phong hàm Đại tá. Từ tháng 8 năm 1963, đồng chí giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam; năm 1969, được điều về làm Tư lệnh Quân khu 9. Cuối năm 1974, đồng chí trở lại giữ chức Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và được phong vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đồng chí Lê Đức Anh đảm nhiệm Phó Tư lệnh Chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam (lực lượng của tướng Lê Đức Anh bao gồm các Sư đoàn 5, Sư đoàn 9 chủ lực Miền, Sư đoàn Phước Long, sáu trung đoàn độc lập bao gồm: Trung đoàn 16, 88, 24, 271, 172 và 27B; Tiểu đoàn 26 tăng với 17 xe tăng T-54 hiện đại nhất thời điểm bấy giờ, một trung đoàn đặc công, Tiểu đoàn tăng 24 với 18 xe PT-76, Tiểu đoàn xe bọc thép 23 với 22 xe BTR-60 cùng 8 xe M-113 chiến lợi phẩm ta thu được của địch; 5 Đại đội pháo binh gồm 27 khẩu pháo các loại cỡ nòng từ 85mm cho tới 130mm; Trung đoàn phòng không hỗn hợp 595, một tiểu đoàn pháo phòng không 23mm và Tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm. Ngoài ra, Đoàn 232 còn được tăng cường Sư đoàn 8 từ Quân khu 8, tổng quân số của Đoàn 232 nếu tính cả Sư đoàn 8 vào khoảng 42.000 quân) tiến công trên hướng Tây - Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

Hướng Tây - Tây Nam là một hướng có địa hình phức tạp với nhiều sông ngòi, kênh mương, sình lầy nhưng lại là một hướng tiến công quan trọng nhằm chia cắt quân địch trên tuyến Quốc lộ số 4 kéo dài từ Bến Lức tới ngã ba Trung Lương, chiếm Tây An, Mỹ Tho, chia giao thông đường bộ, đường thủy giữa Sài Gòn và miền Tây Nam Bộ không cho chúng về co cụm, cố thủ ở Cần Thơ. Hướng này chỉ có con đường duy nhất là Quốc lộ 4, chiếm giữ Quốc lộ 4 mang ý nghĩa chiến lược quan trọng. Chặt đứt Quốc lộ 4 là mệnh lệnh cấp thiết trong chiến lược quân sự của cánh Tây - Tây Nam. Với tầm quan trọng đó, đồng chí đã chỉ đạo lực lượng đặc công bí mật chiếm giữ không cho địch phá những cây cầu trọng yếu trên đường vào Sài Gòn khi chúng rút lui; đồng thời vận động Nhân dân địa phương giúp đỡ làm đường và ủng hộ phương tiện vượt sông đảm bảo bí mật.

Với tài thao lược và kinh nghiệm trận mạc được tích lũy trong suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ huy Đoàn 232 thực hiện đúng kế hoạch và nhiệm vụ đề ra. Ngày 28/4, Đoàn 232 tiến công vào tuyến phòng thủ trực tiếp thành phố Sài Gòn đến ngày 29/4/1975, Đoàn 232 đồng loạt tiến công chặn và tiêu diệt các tập đoàn chủ yếu của địch ở vòng ngoài. Sáng 30/4/1975, các lực lượng của Đoàn 232 đồng loạt tổng công kích vào nội thành, tiến vào đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Tổng nha cảnh sát, Cảnh sát đô thành, các quận Tân Bình, Bình Chánh, hợp điểm tại Dinh Độc Lập đúng theo kế hoạch.

Cũng trên mặt trận hướng Tây - Tây Nam, trên đường hành tiến, các đơn vị thuộc Đoàn 232 đã đánh chiếm các tỉnh lỵ Long An, Kiến Tường. Bằng chiến thuật hiệu quả, Đoàn 232 đã thực hiện thành công việc chia cắt hoàn toàn Sài Gòn với các tỉnh miền Tây, khiến toàn bộ Quân đoàn 4 của quân đội Sài Gòn vốn đang còn nguyên vẹn với 3 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn không quân và rất nhiều lực lượng tăng, thiết giáp, hải quân không thể nào ứng cứu được Sài Gòn...

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày