Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.165.383
Truy cập hiện tại 2.707 khách
Đọc sách là xây dựng xã hội tri thức
Ngày cập nhật 21/04/2024

TTH - Đọc sách là một hành vi văn hóa của loài người đã mấy nghìn năm nay. Một trong những tiêu chí đã xác định một nền văn minh là phải có chữ viết và chữ viết tồn tại, phát huy, bảo tồn được các giá trị văn hóa của một quốc gia, dân tộc và rộng hơn nữa là nhân loại không nằm ngoài sách.

Nói như Mahatma Gandhi: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”, như vậy cũng đã đủ hiểu được văn hóa đọc quan trọng đến nhường nào. Người ta quên rằng, bản nghĩa của văn hóa chính là sự gieo trồng tinh thần (bắt nguồn từ chữ latin cultus: gieo trồng), và là sự tiếp diễn của quá trình kế thừa truyền thống xã hội. Sự gieo trồng tinh thần ấy là cả một quá trình để định hình nên một cộng đồng, một dân tộc. Hiểu rộng hơn, văn hóa Việt Nam là tất cả những gì chính người Việt sáng tạo. Từ những điều kiện tự nhiên, những biến chuyển của điều kiện lịch sử, người Việt đối ứng với tự nhiên, với xã hội, với lịch sử của vùng đất để tạo nên lớp văn hóa bản địa Việt. Văn hóa Việt Nam, là những nét đặc trưng, độc đáo và cơ bản nhất để nhận diện, phân biệt với văn hóa vùng đất, khu vực khác. Một giọng nói Việt, một lời ru, một mái đình, một tô phở, một tà áo dài... chính là bản sắc văn hóa Việt Nam vậy. Qua văn hóa, người ta phân biệt được người Việt, người Trung Quốc, người Pháp, người Mỹ,...

Văn hóa đọc sẽ tạo ra những cá nhân toàn diện, những người có thể suy nghĩ nghiêm túc, biết phân tích và luôn hứng thú với việc học, tiếp nhận tri thức mới. Họ hiểu biết tốt hơn về thế giới xung quanh, có những kỹ năng sống quan trọng mà không phải ai cũng có được. Và nhất là chuẩn bị cho họ thành công về mặt học thuật, tình cảm và xã hội. Và, sách tạo cơ hội cho mọi người ở nhiều thế hệ đến với nhau và khám phá những ý tưởng mới. Đọc sách là trò chuyện với những bộ óc vĩ đại, người thầy vĩ đại.

Một thời gian dài, văn hóa đọc càng ngày càng mai một, nhận thức chung của không ít người về kho tàng tri thức của nhân loại không được mặn mà. Chưa kể, việc phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ khiến nhiều người lãng quên với sách mà quan tâm nhiều đến mảng khác như internet, mạng xã hội, phim ảnh, truyện tranh, game... Cùng với đó, văn hóa đọc cũng chuyển sang hình thức mới với chiếc smartphone, laptop, máy tính bảng…

Cần xác định rằng văn hóa đọc bao gồm nhiều hành vi văn hóa như đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện, bên cạnh đó là hoạt động xuất bản, in ấn góp phần hình thành văn hóa đọc. Nhưng cốt yếu nhất vẫn là hành vi đọc sách. Những năm gần đây, việc phát triển văn hóa đọc được chú trọng, được các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, định hướng chính sách, phong trào, sự hưởng ứng của cộng đồng, xã hội và sự tham gia của mỗi cá nhân. Nhưng như đã nói ở trên, đọc sách hướng đến mỗi cá nhân hội tụ đầy đủ thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc thì lúc đó văn hóa đọc mới phát huy giá trị của nó. Mỗi quốc gia muốn hưng thịnh, phát triển thì mỗi công dân phải có nền tảng tri thức, nâng cao trình độ dân trí, vốn văn hóa, hiểu biết sâu rộng và đọc sách chính là cách để xây dựng xã hội học tập một cách bền vững nhất.

Chúng ta đã quan tâm nhiều đến văn hóa đọc, cụ thể hóa bằng chính sách, các hoạt động, chương trình kích thích văn hóa đọc, xây dựng thói quen đọc, tiến tới hình thành văn hóa đọc trong xã hội. Chúng ta đã có Ngày sách Việt Nam 21/4 hằng năm, chưa kể đến nhiều hoạt động khác của các cá nhân, tổ chức. Và cần ý thức rằng, văn hóa đọc là sự tự thân, tự giác, nó gắn với ý thức trách nhiệm, cầu tiến của mỗi cá nhân, thay vì là hoạt động phong trào, đến hẹn lại lên rồi sau đó chìm vào với những tất bật, lo toan. Do đó, muốn thúc đẩy văn hóa đọc phải đến từ việc giáo dục văn hóa đọc.

Giáo dục văn hóa đọc cũng như giáo dục con người phải gắn với gia đình, nhà trường, xã hội, định hình từ thời thơ ấu đến trưởng thành. Và vì thế, cần phải có một chiến lược giáo dục văn hóa đọc sâu rộng, phổ biến hơn nữa, làm sao để mỗi người dân hiểu được giá trị của văn hóa đọc như một phẩm chất, như một yếu tố kiến tạo tri thức, nhân cách và làm hưng khởi quốc gia. Đồng thời, phá bỏ những thành kiến không đáng có về văn hóa đọc, tăng cường sự hấp dẫn của sách, làm giảm những tương tác khác với các hình thức lấp đầy thời gian nhàn rỗi như lướt điện thoại, internet, mạng xã hội, chơi game… Dĩ nhiên, đó không phải là việc đơn giản. Thế nên, cần cả sự quyết tâm của chính quyền, cộng đồng xã hội, trường học, gia đình và những cá nhân tâm huyết dành nhiều thời gian, hoạt động để xây dựng văn hóa đọc ngay từ bây giờ và mãi về sau.

Sự kiện ngày đọc sách thế giới ở Việt Nam hôm nay đang trở thành một nét sinh hoạt văn hóa của những người yêu mến sách cần được duy trì và quảng bá. Và cũng cần chú ý rằng, đọc sách không phải chỉ một ngày, không phải là phong trào. Nó là thói quen, là sự tự giác, ý thức của mỗi cá nhân. Nhiều nhà văn hóa, nhà quản lý quan tâm đến văn hóa đọc và tầm quan trọng của nó trong kết cấu xã hội của chúng ta. Đó là một sự thực hành văn hóa để tìm kiếm kiến thức, thông tin, giải trí lành mạnh thông qua chữ viết, của những tác phẩm, công trình đã được xuất bản một cách chính thống và có chất lượng. Văn hóa đọc ngày càng phát huy giá trị thì quốc gia ngày càng văn minh, tiến bộ.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày