Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.165.897
Truy cập hiện tại 2.817 khách
Sứ mệnh của Huế
Ngày cập nhật 12/04/2024

TTH - Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Trong những lời phát biểu chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đã dành rất nhiều tình cảm đối với vùng đất Cố đô. Những đánh giá mang tính khái quát, chiến lược về tiềm năng, lợi thế của tỉnh đã phần nào thể hiện rõ sứ mệnh của Huế trong quá khứ lẫn tương lai.

Từ những lời của Thủ tướng, trên mạng xã hội, người Huế tỏ ra phấn khởi và tự hào, họ chia sẻ, lan truyền dòng trạng thái: “Người Thừa Thiên Huế có bản sắc, nét đẹp văn hóa đặc trưng, hiền hòa, tinh tế, chân thành, hiếu khách, chịu thương, chịu khó, yêu lao động, có truyền thống hiếu học lâu đời…”.

Quả thực, Thủ tướng đã “dành đất” cho nhiều cảm xúc. Ngay cả khi chỉ đạo về thu hút đầu tư, Thủ tướng đề cập đến tinh thần "ba cùng": "Cùng lắng nghe, thấu hiểu", "cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển".

Dù dành thời gian thể hiện cảm xúc với Huế, song, từ các bản quy hoạch, Thủ tướng đã đặt mục tiêu cho Huế - Thành phố trực thuộc Trung ương gọn trong 13 chữ: "Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững".

13 chữ dẫu không quá dài nhưng hàm ý rất rộng. Ông muốn gửi gắm niềm tin, sự quyết tâm tạo ra động lực mới cho một Huế cổ kính trong tương lai.

Sau những lời gởi gắm đó, Thủ tướng dùng cấp số cộng để chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu: 1 trọng tâm, 2 tăng cường và 3 đẩy mạnh.

Vậy làm gì để hiện thực hóa mục tiêu khi thực tại, quy mô của nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ; GRDP bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ. Thu hút đầu tư còn thấp, chưa có được những dự án sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, tác động lan tỏa, kết nối các chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực. Nguồn lực khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền có mặt còn hạn chế...

Những chuyển động của tỉnh thời gian qua là điều rất đáng ghi nhận, khi đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy tăng trưởng; quan tâm công tác cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông; chú trọng vào công tác bảo tồn di sản… Tuy nhiên, sòng phẳng mà nói, những thay đổi ấy chưa thực sự quá vượt trội, nếu đặt lên bình diện chung của cả nước. Nhiều hạn chế, khó khăn đang hiển hiện. Tốc độ tăng trưởng của tỉnh hiện chưa như kỳ vọng là ví dụ điển hình.

Bây giờ, quy hoạch đã công bố, phác họa rất nhiều hình ảnh, giúp người dân hình dung đô thị di sản với các đơn vị hành chính mới; các động lực tăng trưởng mới; các đô thị vệ tinh mới hay một thành phố thông minh khác biệt trong tương lai. Và, tùy từng giai đoạn, tỉnh sẽ có một chiến lược phát triển riêng.

Trở lại với chỉ đạo của Thủ tướng, trọng tâm của vấn đề nằm ở chỗ, tỉnh phải huy động tốt mọi nguồn lực hợp pháp và sử dụng có hiệu quả nguồn lực này cho các động lực tăng trưởng truyền thống; tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới như, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ… Đầu tư phát triển yếu tố con người nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường kết nối vùng, kết nối với quốc tế thông qua kết nối văn hóa, du lịch, kết nối giao thông và kết nối thị trường. Đẩy mạnh hạ tầng chiến lược, đồng bộ, bao trùm; phát triển công nghiệp phục vụ công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, chế biến chế tạo…; ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Và trước mắt, tỉnh cần có kế hoạch cho công tác phổ biến, quán triệt quy hoạch bằng nhiều hình thức. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong dân, phát huy nội lực từ dân.

Bây giờ, Thừa Thiên Huế phải hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước. Với sự đồng tình, ủng hộ tuyệt đối của Trung ương thời gian qua, đặc biệt là việc áp dụng các chính sách, cơ chế đặc thù, cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, tỉnh cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, biến áp lực thành động lực để hoàn thành sứ mệnh.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày