Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.152.414
Truy cập hiện tại 1.499 khách
Đề án nâng cao năng lực giải quyết thủ tục hành chính tại UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày cập nhật 09/07/2012

Để đảm bảo sự thống nhất trong mô hình tổ chức, hoạt động của bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả và phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu chất lượng trong giải quyết TTHC, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1004 /QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2012 về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ năm 2003 mô hình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa đã được triển khai đồng loạt tại UBND các huyện, thị xã, thành phố. Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện) tự xây dựng Đề án và tổ chức thực hiện. Do vậy, trên địa bàn tỉnh giữa các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quy trình, thời gian, thủ tục giải quyết hồ sơ khác nhau và có đơn vị chưa thực hiện đúng tinh thần Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Phần I

TÌNH HÌNH VỀ MÔ HÌNH TỔ CHỨC CƠ CHẾ MỘT CỬA TẠI UBND CẤP HUYỆN

I. VỀ TỔ CHỨC

Mô hình tổ chức và số lượng cán bộ tại bộ phận TN&TKQ không giống nhau giữa các huyện, thị xã và thành phố:

- Bộ phận TN&TKQ có từ 4 đến 7 cán bộ, công chức, trong đó: Có 1 đến 2 cán bộ, công chức chuyên trách, còn lại là cán bộ kiêm nhiệm được điều chuyển từ các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. UBND huyện Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới, thị xã Hương Trà bố trí từ 1 đến 3 cán bộ chuyên trách thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện trực tiếp nhận và trả hồ sơ; riêng UBND thành phố Huế có từ 7 đến 9 cán bộ tại bộ phận TN&TKQ.

- Trong tổng số 41 cán bộ, công chức tại bộ phận TN&TKQ ở UBND cấp huyện thì mỗi đơn vị trong ngày làm việc thường duy trì từ 4 đến 5 cán bộ, công chức TN&TKQ ở các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh, địa chính, xây dựng, công chứng, tư pháp hộ tịch.

II. VỀ HOẠT ĐỘNG

Tổ chức, hoạt động thực hiện cơ chế một cửa ở một số đơn vị không đúng với quy định của Quyết định 93/2007/QĐ-TTg:

- Nhiều đơn vị tổ chức tiếp nhận hồ sơ tại phòng chuyên môn theo Quyết định 2651/QĐ-UBND ngày 22/12/2010 của UBND tỉnh như: Thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền tiếp nhận hầu hết các lĩnh vực tại phòng chuyên môn; lĩnh vực đất đai tiếp nhận tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường) ở huyện Phú Lộc; lĩnh vực tư pháp, hộ tịch tiếp nhận tại Phòng Tư pháp ở huyện Phong Điền; lĩnh vực đăng ký kinh doanh tiếp nhận tại Phòng Tài chính - Kế hoạch ở thị xã Hương Trà. Điều đó dẫn đến trong một cơ quan hành chính tồn tại nhiều Bộ phận TN&TKQ.

- Thực hiện không đúng quy trình như: Phòng chuyên môn tự ý tiếp nhận hồ sơ không qua bộ phận TN&TKQ; tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận TN&TKQ nhưng giao trả kết quả tại phòng chuyên môn; không có sổ theo dõi kết quả;...

- Bộ phận TN&TKQ yêu cầu thêm các giấy tờ không đúng quy định hoặc đặt thêm các yêu cầu, điều kiện khi thực hiện tiếp nhận, trả kết quả TTHC như: Quy định nộp bản sao chứng minh nhân dân và hộ khẩu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quy định chủ nhà nộp thuế xây dựng thay chủ thầu trước khi nhận cấp giấy phép xây dựng; nộp, nhận hồ sơ phải chính chủ và xuất trình giấy chứng minh nhân dân để đối chiếu;...

Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện không bao quát, quản lý toàn diện bộ phận TN&TKQ do cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận TN&TKQ là cán bộ kiêm nhiệm được điều động từ các phòng chuyên môn, không thuộc biên chế của Văn phòng HĐND và UBND (trừ các huyện A Lưới, Phong Điền).

Các điều kiện đảm bảo thực hiện cơ chế một cửa theo quy định còn hạn chế: Diện tích phòng làm việc của bộ phận TN&TKQ không đảm bảo (Phú Lộc, Nam Đông, Hương Trà); công tác tập huấn, thực hiện chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức chưa được quan tâm thỏa đáng;... nên ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện cơ chế một cửa.

Có sự chênh lệch đáng kể về khối lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết tại bộ phận TN&TKQ giữa UBND huyện, thị xã, thành phố: Bộ phận TN&TKQ thành phố Huế có lượng giao dịch nhiều hơn các đơn vị khác.

Phần II

NÂNG CAO NĂNG LỰC TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA TẠI UBND CẤP HUYỆN.

Để tiếp tục duy trì thực hiện cơ chế một cửa tại UBND cấp huyện với những quy định chặt chẽ, chất lượng phục vụ tốt hơn, UBND tỉnh xây dựng phương án quy định thống nhất tổ chức thực hiện cơ chế một cửa tại UBND cấp huyện như sau:

I. MÔ HÌNH TIẾP NHẬN, THỤ LÝ VÀ TRẢ KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA

1. Chức năng, nhiệm vụ bộ phận TN&TKQ:

- Bộ phận TN&TKQ có chức năng tiếp nhận, chuyển giao, trả kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các phòng chuyên môn hoặc UBND cấp huyện theo quy định của pháp luật.

- Bộ phận TN&TKQ có nhiệm vụ:

 + Hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân .

 + Chuyển hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC đầy đủ, hợp lệ đến cấp có thẩm quyền giải quyết.

 + Đôn đốc các cơ quan, cá nhân liên quan thực hiện giải quyết theo quy trình và thời gian quy định.

 + Tiếp nhận kết quả giải quyết TTHC từ cấp có thẩm quyền, thông báo và trả kết quả theo thời hạn quy định.

+ Thực hiện chế độ lưu trữ và báo cáo định kỳ với Chủ tịch UBND cấp huyện, báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan cấp tỉnh về tình hình giải quyết TTHC của đơn vị và những vấn đề có liên quan đến cải cách TTHC.

 + Nghiên cứu, đề xuất với UBND cấp huyện và các cơ quan cấp tỉnh có liên quan phương hướng, giải pháp cải cách TTHC.

2. Trình tự tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận TN&TKQ của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện

Quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả gồm các bước chính:

- Bước 1: Tổ chức, cá nhân  cần giải quyết TTHC, liên hệ, đăng ký giải quyết TTHC với bộ phận TN&TKQ.

- Bước 2: Cán bộ, công chức tại bộ phận TN&TKQ thực hiện hướng dẫn, xem xét hồ sơ của công dân;

+ Trường hợp hồ sơ không thuộc phạm vi giải quyết thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

+ Trường hợp đúng thẩm quyền nhưng hồ sơ chưa đủ số lượng hoặc chưa đúng các loại giấy tờ theo quy định thì thực hiện hướng dẫn cụ thể bằng Phiếu hướng dẫn hồ sơ để tổ chức, cá nhân bổ sung hoàn chỉnh. Việc hướng dẫn được thực hiện bằng văn bản theo nguyên tắc một lần, đầy đủ, đúng quy định đã niêm yết công khai.

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ, đúng thẩm quyền thì cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

- Bước 3: Cán bộ, công chức tại bộ phận TN&TKQ thực hiện tiếp nhận và chuyển hồ sơ TTHC đến các phòng chuyên môn để thụ lý.

- Bước 4: Đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của phòng chuyên môn, phòng chuyên môn nghiên cứu, xử lý, phê duyệt hồ sơ và giao kết quả cho bộ phận TN&TKQ để thực hiện bước 6.

Đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết UBND cấp huyện, các phòng chuyên môn nghiên cứu, xử lý hồ sơ, tham mưu trình UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt.

- Bước 5: Lãnh đạo UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt hồ sơ; trả kết quả cho phòng chuyên môn để bàn giao cho bộ phận TN&TKQ.

- Bước 6: Bộ phận TN&TKQ nhận kết quả giải quyết hồ sơ, lưu trữ kết quả, thu phí, lệ phí theo quy định, trả kết quả cho tổ chức, cá nhân.

Toàn bộ công việc ở bước 3, 4 và 5 diễn ra trong cơ quan hành chính, tổ chức, cá nhân  không phải đến các phòng chuyên môn.

3. Trình tự tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC tại các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện

Quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả gồm các bước chính:

- Bước 1: Tổ chức, cá nhân chức cần giải quyết TTHC, liên hệ, đăng ký giải quyết TTHC với bộ phận văn thư của phòng chuyên môn. Văn thư hướng dẫn tổ chức, cá nhân đến công chức phòng chuyên môn (theo phân công của lãnh đạo phòng).

- Bước 2: Công chức tại phòng chuyên môn thực hiện hướng dẫn, xem xét hồ sơ của công dân.

- Bước 3: Khi hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định, công chức phòng chuyên môn  nghiên cứu, xử lý hồ sơ, tham mưu lãnh đạo phê duyệt theo thẩm quyền.

- Bước 4: Lãnh đạo UBND cấp huyện xem xét, phê duyệt hồ sơ; trả kết quả cho Phòng chuyên môn. Đối với TTHC thuộc thẩm quyền phòng chuyên môn, lãnh đạo phòng chuyên môn phê duyệt hồ sơ.

- Bước 5: Công chức phòng chuyên môn nhận kết quả giải quyết hồ sơ, lưu trữ kết quả, thu phí, lệ phí theo quy định, trả kết quả cho tổ chức, cá nhân .

4. Phạm vi thực hiện tiếp nhận theo cơ chế một cửa:

a) Bộ phận TN&TKQ của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các phòng chuyên môn và UBND cấp huyện theo Quyết định của UBND tỉnh ban hành danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế một cửa tại Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.

b) Đối với những TTHC khác ngoài danh mục nói trên, các phòng chuyên môn áp dụng thực hiện đầy đủ quy trình giải quyết theo cơ chế một cửa nhưng được tiếp nhận và giao trả kết quả tại phòng chuyên môn.

c) Khuyến khích UBND cấp huyện bổ sung thêm danh mục các TTHC khác vào tiếp nhận tại bộ phận TN&TKQ thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.

d) Sở Nội vụ phối hợp Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bổ sung danh mục TTHC được tiếp nhận tại bộ phận TN&TKQ của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, theo định hướng: phấn đấu tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện và một số TTHC có tính đặc thù phải được tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận TN&TKQ của cấp huyện.

II. KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY BỘ PHẬN TN&TKQ CỦA VĂN PHÒNG HĐND VÀ UBND

1. Tổ chức bộ máy và biên chế bộ phận TN&TKQ:

- Bộ phận TN&TKQ của UBND cấp huyện trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện do lãnh đạo Văn phòng HĐND và UBND phụ trách.

- Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận TN&TKQ tối thiểu 02 người và tối đa không quá 07 người, bao gồm cán bộ chuyên trách và không chuyên trách.

- Biên chế chuyên trách của bộ phận TN&TKQ tại Văn phòng HĐND và UBND tối thiểu 02 người, được lấy trong tổng số biên chế đã giao cho UBND cấp huyện.

- Căn cứ khối lượng TTHC giao dịch, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định số lượng cán bộ không chuyên trách theo đề nghị của người phụ trách bộ phận TN&TKQ.

- Tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, cán bộ không chuyên trách có thể được huy động từ các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

2. Chế độ trách nhiệm bộ phận TN&TKQ:

- Bộ phận TN&TKQ của UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ phận TN&TKQ.

- Bộ phận TN&TKQ của UBND cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo.

3. Nâng cao năng lực cán bộ làm việc tại bộ phận TN&TKQ:

a) UBND cấp huyện bố trí cán bộ, công chức đúng chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm làm việc tại bộ phận TN&TKQ;

- Xây dựng tiêu chuẩn chức danh từng vị trí làm việc tại bộ phận TN&TKQ và các vị trí liên quan khác làm cơ sở cho công tác đào tạo bồi dưỡng, bố trí công tác, tuyển dụng...

- Có các hình thức khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức trong việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa;

b) Sở Nội vụ thường xuyên tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng hành chính và kỹ năng giao tiếp với tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc tại bộ phận TN&TKQ.

III. TĂNG CƯỜNG CƠ SỞ VẬT CHẤT VÀ ỨNG DỤNG TIN HỌC ĐỂ GIẢI QUYẾT TTHC

1. Trang bị cơ sở vật chất:

UBND cấp huyện bố trí địa điểm, mua sắm máy móc, trang thiết bị phù hợp cho bộ phận TN&TKQ, trong đó đảm bảo yêu cầu:

- Bố trí bộ phận TN&TKQ trong khuôn viên khu hành chính và liên hoàn với các phòng chuyên môn, có diện tích tối thiểu 80 m2, có đủ ghế ngồi cho công dân và có phần ngăn cách mềm giữa công chức với công dân và tổ chức đến giao dịch.

- Trang thiết bị cho bộ phận TN&TKQ tối thiểu phải có máy vi tính, máy fax, máy in, máy scaner, điện thoại cố định, ghế ngồi, bàn làm việc, quạt máy hoặc máy điều hoà nhiệt độ và các trang thiết bị khác để đáp ứng nhu cầu làm việc.

- Hệ thống máy tính phải được kết nối mạng nội bộ, bảo đảm mỗi công chức có một máy tính để sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ một cửa và kết nối với Trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện.

- Có bảng niêm yết các TTHC tiếp nhận theo cơ chế một cửa.

- Có máy photocopy phục vụ tại chỗ nhu cầu của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, tùy tình hình cụ thể của địa phương, UBND cấp huyện trang bị thêm màn hình cảm ứng, máy vi tính phục vụ tra cứu của tổ chức, cá nhân  khi đến giao dịch, đồng phục cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận TN&TKQ…

2. Ứng dụng tin học vào công tác quản lý hồ sơ:

a) UBND cấp huyện thực hiện triển khai sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ một cửa nhằm thực hiện tin học hóa việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC.

- Từng bước ứng dụng thực hiện giao dịch trực tuyến cấp 3, cấp 4 đối với những TTHC thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp huyện.

b) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý hồ sơ một cửa, vận hành thử nghiệm tại UBND thị xã Hương Trà để triển khai trên phạm vi toàn tỉnh kết hợp đồng bộ với việc xây dựng quy trình, áp dụng tiêu chuẩn ISO;

- Chịu trách nhiệm đảm bảo giải pháp kỹ thuật kết nối Trang thông tin điện tử với bộ phận TN&TKQ của UBND cấp huyện nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3 đối với các TTHC tiếp nhận tại bộ phận một cửa.

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ và UBND cấp huyện để có lộ trình triển khai, thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trực tuyến trên môi trường mạng.

IV. ÁP DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THEO TIÊU CHUẨN TCVN ISO 9001:2008

1. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Chủ trì phối hợp với UBND các huyện xây dựng các quy trình giải quyết TTHC theo tiêu chuẩn ISO và chuyển giao cho UBND các huyện phê duyệt hệ thống tài liệu của đơn vị mình.

- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 để giải quyết TTHC áp dụng cơ chế một cửa tại UBND cấp huyện, phấn đấu được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong năm 2012.

2. UBND cấp huyện thực hiện phê duyệt quy trình giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện áp dụng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 đối với những TTHC tiếp nhận tại bộ phận TN&TKQ. Triển khai áp dụng, duy trì hệ thống, phấn đấu được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong năm 2012.

V. HOÀN CHỈNH HỆ THỐNG VĂN BẢN LIÊN QUAN GIẢI QUYẾT TTHC THEO CƠ CHẾ MỘT CỬA

1. Các sở, ngành thực hiện các nhiệm vụ:

a) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh:

- Tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Quyết định số 2651/QĐ-UBND ngày 22/12/2010 của UBND tỉnh về ban hành quy định việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một tại UBND cấp huyện theo hướng: Quy định rõ danh mục, thành phần, thời gian giải quyết từng loại TTHC đưa vào thực hiện cơ chế một cửa ở cấp huyện; quy định quy trình tiếp nhận, cơ chế phối hợp trong giải quyết và trả kết quả TTHC; thống nhất các loại biểu mẫu phiếu tiếp nhận, gia hạn, sổ sách ghi chép, chế độ báo cáo, theo dõi thực hiện cơ chế một cửa...

- Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi định mức phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận TN&TKQ ở các cấp.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu UBND tỉnh sửa đổi Điểm 2, Khoản 2, Điều 5, Quyết định số 46/2010/QĐ-UBND ngày 30/11/2010 của UBND tỉnh về Ban hành quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh theo hướng chuyển nơi tiếp nhận hồ sơ TTHC thuộc lĩnh vực đất đai về bộ phận TN&TKQ thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện (không tiếp nhận hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất).

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thống nhất cơ quan thụ lý hồ sơ TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh và tổ chức tiếp nhận hồ sơ tạ bộ phận TN&TKQ thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.

d) Văn phòng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2611/QĐ-UBND ngày 15/12/2010 của UBND tỉnh về công bố bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện áp dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

đ) Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn chế độ thu chi và sử dụng nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động của bộ phận TN&TKQ.

e) Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện của Chi cục Thuế cấp huyện trong việc xử lý hồ sơ và ban hành các thông báo nghĩa vụ tài chính chính xác và đúng thời gian quy định.

2. UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ:

a) Ban hành quyết định kiện toàn bộ phận TN&TKQ tại UBND cấp huyện, trong đó cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, quyền hạn thụ lý hồ sơ.

b) Bổ nhiệm cán bộ phụ trách bộ phận TN&TKQ (giao nhiệm vụ cho Chánh Văn phòng hoặc Phó Chánh Văn phòng bằng quyết định hành chính). Điều động cán bộ, công chức có trình độ quản lý hành chính nhà nước, có đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn thích hợp, có khả năng giao tiếp tốt về Văn phòng HĐND và UBND bố trí làm việc tại bộ phận TN&TKQ (bằng quyết định hành chính).

c) Ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại UBND cấp huyện, trong đó cần quy định rõ quy trình, trách nhiệm của Bộ phận TN&TKQ, trách nhiệm của từng phòng chuyên môn và trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong việc giải quyết công việc theo cơ chế một cửa.

d) Ban hành quy định danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận tại bộ phận TN&TKQ (gồm những TTHC do UBND tỉnh quy định và TTHC địa phương bổ sung thêm). Trong đó, nội dung cần quy định rõ: tên TTHC, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí, lệ phí... của từng TTHC.

đ) Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân biết việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại UBND cấp huyện. Niêm yết công khai quy trình, thẩm quyền giải quyết các TTHC, văn bản hướng dẫn thực hiện, phí, lệ phí và thời gian giải quyết từng TTHC tại bộ phận TN&TKQ.

e) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ công chức.

g) Tiếp tục rà soát, nghiên cứu biện pháp đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC và các chế độ, chính sách để thực hiện cơ chế một cửa.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Căn cứ vào các nhiệm vụ của Đề án và dự toán chi tiết do các cơ quan chủ trì lập, Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bố trí kinh phí ngân sách để thực hiện, trong đó phân theo nhu cầu hàng năm với các khoản chi:

- Xây dựng tổ chức điều hành đề án.

- Tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực hiện cơ chế một cửa.

- Tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện.

- Mua sắm các trang thiết bị phục vụ trực tiếp cho Bộ phận TN&TKQ.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm và thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm trên trang thông tin điện tử cấp huyện.

- Tuyên truyền về thực hiện cơ chế một cửa.

- Các hoạt động khác có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện cơ chế một cửa tại UBND cấp huyện.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp lý, triển khai các nhiệm vụ được giao tại Điểm 1, Mục V, Phần II, hoàn thành trước ngày 10/7/2012, để tổ chức thực hiện thống thất cơ chế một cửa cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

2. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại bộ phận TN&TKQ đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án tại đơn vị mình:

- Hoàn thành việc ban hành các quyết định kiện toàn bộ phận TN&TKQ, quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC theo cơ chế một cửa, quy định danh mục TTHC tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế một cửa tại UBND cấp huyện trước ngày 20/7/2012.

- Hoàn thành việc thông báo cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại đơn vị; báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) những TTHC chưa có khả năng hoặc chưa đủ điều kiện giải quyết theo cơ chế một cửa trước ngày 25/7/2012. Triển khai áp dụng mô hình một cửa theo các nội dung quy định tại Đề án từ ngày 01/8/2012.

- Hoàn thành việc kết nối bộ phận TN&TKQ với Trang Thông tin điện tử của UBND cấp huyện trước ngày 31/12/2012.

3. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, việc thực hiện tại UBND cấp huyện và kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Định kỳ hàng quý, 6 tháng, cuối năm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nội vụ; đúc kết các bài học kinh nghiệm để hoàn chỉnh mô hình và tổ chức thực hiện trên toàn địa bàn tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

Bằng Việt- Phòng CCHC
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày