Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.161.210
Truy cập hiện tại 836 khách
Luân chuyển cán bộ công chức để chống tiêu cực: Cần có “tổng chỉ huy”
Ngày cập nhật 25/07/2011

Để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng và nạn nhũng nhiễu, cách đây 2 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 158/CP, trong đó quy định danh mục 21 vị trí công tác “nhạy cảm” sẽ phải luân chuyển cán bộ công chức (CBCC) định kỳ sau 3 năm/lần. Hai năm qua, các đơn vị thu được kết quả bước đầu, nhưng theo phản ánh của nhiều sở ngành, quận huyện trên địa bàn TPHCM, vẫn còn khá nhiều bất cập…

Luân chuyển ngang bế tắc?

Theo bà Cao Thị Loan, Trưởng phòng Nội vụ Q.Tân Bình, hầu như chỉ có ngành giáo dục (luân chuyển 15 người giữa các trường) và khối phường (luân chuyển được 9 người, chủ yếu chức danh công chức) là thực hiện thuận lợi hơn các ngành khác. Còn với các chức danh chuyên môn khác như: cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; quản lý và cấp phát các loại giấy đăng ký, GCN; chấp hành viên thi hành án dân sự; quản lý xây dựng cơ bản, giải tỏa… gặp khó khăn “vì đây là những lĩnh vực cần chuyên sâu nghiệp vụ, kỹ năng công tác”.

Bà Lê Thị Bích Khanh, Chánh Văn phòng UBND Q.Bình Thạnh, cho biết, khi tuyển dụng các ngành như xây dựng, kiến trúc, quy hoạch… rất khó kiếm người đủ tiêu chuẩn (là người tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành) đến đăng ký. Tìm người đã khó, khi đã đào tạo chuyên môn sâu cho CBCC làm việc đạt hiệu quả thì cũng là thời điểm phải… luân chuyển đi nơi khác.

“Việc luân chuyển ngang trong các sở ngành, quận huyện đang gặp nhiều khó khăn, không khả thi” - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Châu Minh Tỷ nhận định. Ông cho rằng, có nhiều trường hợp không đổi được, như kế toán chẳng hạn. Nếu CBCC theo ngành dọc thì còn có thể điều từ quận này sang quận kia nhưng luân chuyển ngang thì rất nan giải. Bên cạnh đó, còn nhiều chính sách chưa khuyến khích cán bộ luân chuyển như: phụ cấp đi xa, nhà ở công vụ, chính sách “hậu” luân chuyển…

Biến tướng trong luân chuyển

Trong thực tế, nhiều cán bộ làm việc ở những lĩnh vực dính dáng đến quyền lợi như đất đai, tài chính... có tâm lý ngại luân chuyển. Bản thân một số người đứng đầu đơn vị, khi được yêu cầu lên kế hoạch luân chuyển ở đơn vị mình lại có thái độ né tránh, do ngại đụng chạm đến quyền lợi của cấp dưới.

Thậm chí, một số cán bộ “có dư luận quần chúng” hoặc “giàu lên nhanh chóng” nhưng chưa kịp làm rõ, liền được cấp trên luân chuyển sang nơi khác, gây ra những bán tín bán nghi trong nội bộ.

Có nơi còn lợi dụng quy định luân chuyển để “thanh trừng” lẫn nhau, kéo bè phái. Điển hình như trong vụ tiêu cực đất đai tại huyện Hóc Môn.

Thời điểm cuối năm 2004, dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Hóc Môn đã râm ran về mối quan hệ “làm ăn” giữa Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khỏe và Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Dương Minh Trung. Có ý kiến phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp muốn có dự án, muốn trúng thầu các công trình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thì chỉ tìm “gặp anh Tám Khỏe và trưởng phòng Trung là xong”.

Nhiều cán bộ ở một số xã “không ăn rơ” trong các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, cũng bị Trung “dùi” đi nơi khác. Ngược lại, nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh Trần Văn Tè, vốn là “cánh tay đắc lực” của ông chủ tịch huyện thì được bổ nhiệm từ chủ tịch sang bí thư, rồi từ bí thư lại sang chủ tịch, cho đến lúc bị khởi tố, bắt giam!

Tăng thời hạn luân chuyển, giám sát chặt chẽ

Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP, cần có quy trình luân chuyển chặt chẽ để tránh được tiêu cực, bị động và bức xúc trong CBCC.

Thời gian định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định 36 tháng là quá ngắn, nên điều chỉnh thời gian thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là 5 năm để cán bộ có thời gian am hiểu sâu hơn về chuyên môn và đào tạo cho đội ngũ cán bộ kế cận. Đây cũng là ý kiến góp ý của hầu hết các đơn vị có nhiều vị trí CBCC chuyên môn cần chuyển đổi.

Nhiều sở ngành, quận huyện cho rằng, Sở Nội vụ TP nên có hướng dẫn cụ thể cho cơ sở để thực hiện. Ngay sau khi chuyển đi, trong các tháng đầu, cần có cơ quan độc lập để thanh tra những vấn đề mà các cán bộ đã luân chuyển tạo dư luận không hay khi còn làm việc ở vị trí cũ. Phải có một cơ chế cụ thể với các nội dung cam kết ngay khi người lao động được tuyển dụng như “sẵn sàng chấp hành sự phân công công tác ở bất cứ đâu”. Xây dựng cơ chế làm trong sạch thu nhập, đảm bảo cho CBCC có cuộc sống tốt, kèm theo những chế tài về trách nhiệm, cơ chế thưởng, phạt rõ ràng…

Để việc luân chuyển đạt hiệu quả cao và tránh những bất cập, khó khăn ở từng đơn vị, thiết nghĩ vai trò điều phối trong phạm vi rộng giữa các địa phương, đơn vị phải là cấp TP - với vị trí tổng chỉ huy. Có như vậy mới bảo đảm tính toàn diện, bao quát trong công tác quy hoạch, quản lý và đề bạt CBCC, mà cũng giúp cho cơ sở đỡ phần lúng túng, bế tắc.

Theo www.sggp.org.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày