Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.165.006
Truy cập hiện tại 2.602 khách
Một số nét nổi bật của cuộc bầu cử tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 21/05/2011
Đ/c Cái Vĩnh Tuấn, TUV, Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký UBBC tỉnh

 Trước ngày diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 (22/5/2011), đồng chí Cái Vĩnh Tuấn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ủy ban bầu cử tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bài phát biểu trước các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương về một số nét nổi bật của cuộc bầu cử năm nay. Xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu như sau:

                 Thứ nhất, về những nét mới của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 lần này, là:

- Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cử tri cả nước vừa tiến hành bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày (Chủ nhật, ngày 22/5/2011) nhằm lựa chọn những ứng cử viên ưu tú, xứng đáng nhất để bầu vào Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và HĐND các cấp - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Trước đây, cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp được tổ chức riêng, cách nhau khoảng hơn hai năm. Lần này, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND diễn ra trong một ngày nên có rất nhiều thuận lợi:

+ Thời điểm bầu cử diễn ra sau khi đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vừa kết thúc thắng lợi, tạo thuận lợi rất lớn cho công tác quy hoạch nhân sự, nhất là cán bộ chủ chốt để giới thiệu bầu vào bộ máy chính quyền các cấp.

+ Tiết kiệm được kinh phí cho công tác tổ chức bầu cử.

+ Tiết kiệm được thời gian, công sức của các cơ quan và nhân dân, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước.

- Mặc dù được tổ chức trong cùng một ngày nhưng được điều chỉnh bởi 2 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND. Đây là các văn bản pháp lý quan trọng cho việc tiến hành cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp lần này.

- Do diễn ra trong cùng một ngày nên khối lượng công việc của các tổ chức phụ trách bầu cử tăng lên, nặng nề hơn và có nhiều tổ chức phụ trách bầu cử hơn trước, cụ thể:

+ Số lượng Tổ bầu cử trên địa bàn tỉnh lần này là 998 tổ (năm 2007, có 930 Tổ bầu cử).

+ Có 02 tổ chức phụ trách bầu cử đồng thời làm 2 nhiệm vụ, đó là: Ủy ban bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnhTổ bầu cử. Về tên gọi, trước đây, ở mỗi cấp có Hội đồng bầu cử và Ủy ban bầu cử. Lần này, chỉ Trung ương mới có Hội đồng bầu cử; còn ở cấp tỉnh, huyện, xã có Ủy ban bầu cử.

- Trên phạm vi toàn quốc có 10 tỉnh, thành phố thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; theo đó, có 67 huyện, 32 quận và 483 phường lần này không tổ chức bầu cử đại biểu HĐND cùng cấp. Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế chúng ta do chưa thực hiện việc thí điểm này nên vẫn bầu đại biểu HĐND 3 cấp.

Thứ hai, về những vấn đề cử tri cần lưu ý trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là:

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày. Cuộc bầu cử lần này có những nét mới, vì vậy cử tri cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

- Về thùng phiếu và phiếu bầu:

Hội đồng bầu cử không quy định cụ thể mà giao Ủy ban bầu cử cấp tỉnh tùy theo tình hình, điều kiện thực tế của địa phương để quy định cho phù hợp. Ở tỉnh ta, Ủy ban bầu cử tỉnh đã quyết định chỉ có 01 thùng phiếu để bầu chung cho đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 3 cấp; đồng thời, quy định phiếu bầu mỗi cấp có màu khác nhau để cử tri dễ phân biệt, cụ thể:

+ Phiếu bầu đại biểu Quốc hội màu hồng;

+ Phiếu bầu đại biểu HĐND tỉnh màu xanh;

+ Phiếu bầu đại biểu HĐND cấp huyện màu vàng;

+ Phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã màu trắng.

Sau khi bầu xong, cử tri bỏ tất cả các phiếu bầu vào chung một thùng phiếu. Ngoài thùng phiếu chính, ở các khu vực bỏ phiếu, Ủy ban bầu cử đã chuẩn bị các thùng phiếu phụ để mang đến tận nhà cho các cử tri già yếu, ốm đau; bảo đảm quyền bầu cử của công dân theo luật định.

Đặc biệt, ở tỉnh Thừa Thiên Huế chúng ta, Ủy ban bầu cử tỉnh còn quy định thống nhất việc sử dụng màu danh sách ứng cử viên và tiểu sử tóm tắt ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 3 cấp tương ứng với màu của các loại phiếu bầu ở trên. Điều này vừa tạo nên tính thống nhất, tính thẩm mỹ, vừa giúp cử tri dễ phân biệt trong quá trình bầu cử nhằm tránh được những sai sót đáng tiếc xảy ra.

- Ở mỗi khu vực bỏ phiếu đều có niêm yết công khai danh sách và tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 3 cấp; các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; nội quy phòng bỏ phiếu và thể thức bầu cử. Do vậy, đề nghị cử tri nghiên cứu thật kỹ và sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng nhất để bầu vào các cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương; đồng thời, tránh những sai sót, vi phạm pháp luật về bầu cử.

Ngoài ra, cử tri cũng cần lưu ý thêm rằng, trong danh sách những người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử đều có ghi số lượng người ứng cửsố lượng đại biểu được bầu để cử tri biết và bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được bầu của từng cấp, tránh trường hợp gạch thiếu số người ứng cử mà mình không tín nhiệm. Ví dụ, các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội đều có số lượng người ứng cử dư 02, do đó, cử tri phải gạch tối thiểu là 02 người; ở HĐND cấp tỉnh, ngoài các đơn vị bầu cử có số lượng người ứng cử dư 02, có 04 đơn vị bầu cử có số lượng người ứng cử dư 03, cấp huyện có 05 đơn vị có số lượng người ứng cử dư 03; vì vậy, cử tri phải gạch tối thiểu là 03 người.

- Về thời gian bỏ phiếu:

Theo quy định, thời gian bỏ phiếu được bắt đầu vào 7giờ sáng và kết thúc vào 7giờ tối. Tuy nhiên, tùy theo tình hình, điều kiện của từng địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bầu sớm hơn, nhưng không được trước 5giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn, nhưng không được quá 10giờ đêm.

Do vậy, đề nghị cử tri sắp xếp thời gian hợp lý để đi bầu, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, công tác của cá nhân, gia đình hoặc cơ quan mình; đồng thời, cũng góp phần cho cuộc bầu cử được thành công.

Thứ ba, về một số khó khăn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 lần này tại các địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, là:

Nhìn chung, công tác chỉ đạo chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 của tỉnh ta được triển khai chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương về cơ sở vật chất, tập huấn nghiệp vụ, công tác an ninh trật tự... nhằm đảm bảo cho cuộc bầu cử thành công tốt đẹp.

Quá trình chỉ đạo công tác chuẩn bị, tỉnh đã hết sức chú trọng các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Các ngành cấp tỉnh, cấp huyện (trong đó, có ngành Nội vụ) đã phân công cán bộ, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về từng xã để hỗ trợ trong việc tác nghiệp. Đã xây dựng cụ thể các phương án đối với những vùng bị chia cắt, những vùng dân cư sống phân tán, đi lại khó khăn như ở Nam Đông, A Lưới và một số xã ven biển, đầm phá trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ở đảo Sơn Chà thuộc huyện Phú Lộc hiện có một số cử tri đang công tác và sinh sống. Việc chuẩn bị công tác bầu cử tại đây có khó khăn do phải đi lại bằng tàu thuyền. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử tỉnh đã chỉ đạo phương án cử cán bộ của Tổ bầu cử đưa thùng phiếu ra đảo vào sáng ngày 22/5/2011 để cử tri thực hiện quyền công dân của mình theo luật định; góp phần vào sự thành công chung của cuộc bầu cử lần này tại tỉnh Thừa Thiên Huế chúng ta./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày