Sự thật này được chứng minh, không phải bằng toàn bộ thành tựu trong hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng của Anh (từ 1945 đến 1998), trong đó có hơn bốn mươi năm trực tiếp làm công tác tuyên giáo (từ 1955 trở đi), mà chủ yếu bằng những đóng góp đặc biệt xuất sắc của anh vào lĩnh vực tư tưởng và lý luận của Đảng thời kỳ đầu đổi mới.
Tháng 8 năm 1998, để tưởng nhớ anh vừa qua đời, tôi có viết trên Tạp chí Cộng Sản bài “Đồng chí Đào Duy Tùng, con người của đổi mới”.
Đồng chí Đào Duy Tùng là Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng Sản, suốt 17 năm từ 1965 đến 1982. Cũng thời gian đó, anh giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Cho nên nói đến Đào Duy Tùng, người ta thường nghĩ về một người làm công tác tư tưởng hơn là một nhà báo. Sự thật, anh đi vào công tác báo chí rất sâu. Tác phẩm báo chí của anh chủ yếu là những bài chính luận, có ký tên hoặc không ký tên. Nét nổi bật là những bài báo ấy đều chứa đựng nội dung sâu sắc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, rõ ràng. Anh ghét lối viết khoa trương, hào nhoáng mà không có nội dung thiết thực. Theo anh, cán bộ biên tập Tạp chí lý luận và chính trị của Đảng không thể chỉ nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn phải biết vận dụng các lý luận đó; không những phải nắm vững đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng mà còn phải hiểu rõ cơ sở lý luận, cơ sở khoa học của đường lối, chính sách, quan điểm. Có thể, khi viết và biên tập bài mới có sự sáng tạo, tránh được lối viết sách vở làm cho người đọc nhàm chán. Kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tế; ủng hộ cái mới; ủng hộ lớp cán bộ trẻ năng động, sáng tạo; đó là những chủ trương đậm dấu ấn người lãnh đạo Tạp chí thời kỳ anh làm Tổng Biên tập. Từ bài xã luận “Đẩy mạnh công tác lý luận của Đảng” (Tạp chí số 9/1966) đến bài “Bàn về ba lợi ích kinh tế” (Tạp chí số 3/1982) mà anh là tác giả, anh còn tự viết hoặc chỉ đạo viết hàng loạt bài nghiên cứu lý luận và thực tiễn, những bài điều tra, khảo sát thực tế có tầm cỡ đăng trên Tạp chí.
Có thể nói, Đào Duy Tùng là một nhà báo thực thụ. Dẫu sao công tác bao trùm nhất, xuyên suốt nhất cuộc đời anh vẫn là công tác tư tưởng-lý luận. Anh làm công tác đó trước, trong và cả sau khi làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Dù ở cương vị công tác nào – Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng – văn hóa và khoa giáo kiêm Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương hoặc sau này là Thương trực Bộ Chính trị và Ban Bí thư (khóa VII), anh đều thể hiện rõ là một chiến sĩ xông xáo, một người chỉ huy tài năng của mặt trận tư tưởng – lý luận. Điều đáng nói là lý luận của anh không phải sao chép từ các tác phẩm kinh điển, mặc dù anh là một trong những người đọc nhiều các tác phẩm đó. Anh kiên định chủ nghĩa Mác-Lê nin nhưng phê phán thái độ giáo điều trong nghiên cứu. Đối với anh, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lê nin đồng nghĩa với sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa đó. Làm công tác lý luận, phải từ thực tiễn cuộc sống, rà soát lại các quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin, khẳng định lại những gì là đúng đắn, khoa học, trước đúng và nay vẫn đúng; những gì trước đúng giờ phải bổ sung; những gì trước đúng nay thực tiễn đã vượt qua và những gì thực tiễn đã và đang diễn ra nhưng Mác-Lê nin chưa đề cập, nay Đảng phải phát triển một cách sáng tạo để chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Từ tổng kết thực tiễn, anh đã viết nhiều cuốn sách có giá trị lý luận sâu sắc như “Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta”, “Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng”, “Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế”…Anh cho rằng việc Đại hội VII của Đảng khẳng định lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam là một thành tựu mới về tư duy của Đảng. Chuẩn bị Đại hội VIII của Đảng, anh viết cuốn “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, góp một tiếng nói quan trọng vào việc tổng kết thực tiễn mười năm đổi mới.
Đồng chí Đào Duy Tùng, do đó, thường bị đặt trong tầm ngắm của những người không ưa thích chủ nghĩa xã hội. Báo chí phương Tây, với trí tưởng tượng của mình, đã nhào nặn Ban lãnh đạo Đảng ta thành dạng hình một tổ chức nhiều phe phái: bảo thủ, ôn hòa, cải cách…Và họ xếp anh vào loại bảo thủ. Vậy thế nào là bảo thủ? Nếu coi việc kiên trì bảo vệ những truyền thống tốt đẹp, những nguyên tắc bền vững của Đảng ta là bảo thủ, thì không phải chỉ có anh mà tất cả chúng ta, những người tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng đều là “bảo thủ”. Còn nếu như bảo thủ là níu giữ những gì đã lạc hậu, đã lỗi thời, kìm hãm sự phát triển của cách mạng thì rõ ràng anh không dính dáng gì đến cái “danh xưng” ấy. Anh là con người của đổi mới. Anh ủng hộ ngay từ đầu những nhân tố đổi mới khi chúng còn đang manh nha. Ủng hộ “khoán 100” trước đây và ủng hộ “khoán 10” sau này. Ủng hộ quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật khi chuẩn bị văn kiện Đại hội VI. Là thành viên của Tổ biên tập Báo cáo chính trị mà anh là Tổ phó, tôi không quên những cuộc thảo luận gay cấn lúc đó. Cái khó của Tổ biên tập không phải là viết như thế nào mà là viết về cái gì và “cái gì” đó được nhận thức ra sao? Không thể đánh giá đúng tình hình kinh tế xã hội nguy nan lúc đó cũng như những nguyên nhân của nó nếu không nhìn thẳng vào sự lãnh đạo của Đảng trên ba mặt: bố trí cơ cấu kinh tế (cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư); tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và công thương nghiệp; thực thi cơ chế quản lý (kế hoạch hóa tập trung, bao cấp hay kế hoạch hóa kết hợp với thị trường). Đồng chí Đào Duy Tùng đã cùng Tổ biên tập chuẩn bị văn bản kiến nghị với Tiểu ban Văn kiện trình Bộ Chính trị thảo luận và có kết luận dứt khoát về ba vấn đề đó. Và như chúng ta đã biết, “Kết luận của Bộ Chính trị Trung ương khóa V (ngày 20/9/1986) về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế”, sau này vẫn quen gọi là Kết luận về ba quan điểm (đổi mới) đã thực sự mở một khâu đột phá cho việc sửa chữa bản dự thảo Báo cáo chính trị để Trung ương thông qua trình Đại hội.
Sau Đại hội VI, trong cương vị Ủy viên dự khuyết rồi Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương, lại được giao nhiệm vụ Thường trực Ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược kinh tế xã hội trình Đại hội VII, anh đã góp phần tích cực của mình vào việc xây dựng những văn kiện trọng yếu đó của Đảng, và một lần nữa tỏ rõ là con người của đổi mới. Báo cáo chính trị tại Đại hội VII của Đảng đã nêu lên những bài học chủ yếu, trong đó bài học đầu tiên là: “Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nội dung của bài học là: “Xác định rõ đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là quan niệm đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và thực hiện mục tiêu ấy bằng những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp. Kết hợp sự kiên định về nguyên tắc và chiến lược cách mạng với sự linh hoạt, sáng tạo trong sách lược, nhạy cảm nắm bắt cái mới”. Bài học đó còn nêu rõ: “Đổi mới phải được thực hiện trên cơ sở bảo vệ, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và những thành tựu cách mạng đã đạt được. Phê phán nghiêm túc sai lầm, khuyết điểm phải đi đôi với khẳng định những việc làm đúng, không phủ nhận sạch trơn quá khứ, không hoang mang, mất phương hướng, từ thái cực này chuyển sang thái cực khác”.
Tôi ghi lại bài học này, không có ý đề cao những đóng góp của anh vào việc đúc kết những bài học mà là để qua đó mỗi chúng ta có thể phân biệt được thế nào là đổi mới, thế nào là bảo thủ.
Cùng làm việc với đồng chí Đào Duy Tùng nhiều năm, tôi cảm nhận ở anh một con người trung thực, khiêm tốn, làm việc hết mình và sống bình dị, nghĩa tình, dễ gần, dễ bộc bạch với nhau những điều suy nghĩ riêng tư. Anh biết lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, thân sơ, cùng chính kiến hay khác chính kiến, miễn là những ý kiến đó chứa đựng cái mới, cái hay, trong tinh thần xây dựng.
Để minh chứng, tôi xin dẫn lại lời anh: “Trong quá trình hình thành các quan niệm mới, phải phát hiện được các vấn đề quan trọng có những nhận thức không thống nhất, thẳng thắn vạch ra các quan điểm khác nhau, nêu một cách khách quan lập luận của mỗi quan điểm để thảo luận. Trong sinh hoạt của một cấp ủy, một tập thể cán bộ lý luận,v.v.. phải phát huy tự do tư tưởng, thảo luận dân chủ, nói thẳng, nói thật, không định kiến. Phải lắng nghe những ý kiến khác mình. Ngay những ý kiến cho là sai cũng gợi ý cho mình nhiều suy nghĩ, hoặc ngay những ý kiến mình cho là không đúng cũng cần bình tĩnh xem có nhân tố gì hợp lý. Đó là sinh hoạt bình thường trong Đảng. Nhưng mặt khác, phải thấy rõ chúng ta đứng trước tình hình là các thế lực thù địch, cơ hội chủ nghĩa trong nước và ngoài nước đang tiến công về tư tưởng, lý luận, nhằm làm cho ta đi chệch khỏi con đường đã lựa chọn. Cho nên trong quá trình bảo đảm sinh hoạt tư tưởng, lý luận theo nguyên tắc của Đảng, không thể buông lỏng cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm thù địch, cơ hội”.
Đây là đoạn viết cuối cùng trong tác phẩm lý luận cuối cùng của Anh “Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998).
Phải chăng đây cũng là lời nhắn gửi cuối cùng của Anh với những người làm công tác tư tưởng - lý luận của Đảng chúng ta hiện nay?
HÀ ĐĂNG
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương
Theo tuyengiao.vn