Sáng 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và Chỉ số xanh (PGI) cấp tỉnh 2023. Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tham dự lễ công bố.
Đặc biệt, báo cáo năm nay truyền tải đánh giá của DN về nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc quản lý, bảo vệ môi trường và thúc đẩy đầu tư xanh, thực hành xanh của doanh nghiệp tại địa phương, qua đó, khuyến nghị các địa phương thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đây là năm thứ 19 liên tiếp VCCI công bố bộ Chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Và là năm thứ 2 liên tiếp công bố bộ Chỉ số Xanh cấp tỉnh.
Kết quả PCI năm 2023 ghi nhận tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì vị trí quán quân. Cả 6 vùng trên cả nước đều có đại diện xuất hiện trong Top 30 của chỉ số PCI 2023. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có 7/11 địa phương; vùng Trung du miền núi phía Bắc có 5/14 tỉnh, thành; vùng Duyên hải miền Trung có 6/14 đại phương; Tây Nguyên 1/5 địa phương; vùng Đông Nam Bộ có 3/6 địa phương; vùng Đồng bằng sông Cửu Long 8/14 địa phương.
Với vị trí thứ 8, Thừa Thiên Huế tiếp tục nằm trong Top 10 các tỉnh, thành có thứ hạng cao nhất cả nước. Điều này minh chứng cho những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian vừa qua.
Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Chỉ số PCI và Chỉ số PGI năm 2023 dựa trên kết quả điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp (DN) trên cả nước. Đây là một bức tranh sống động về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm vừa qua dưới góc nhìn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, những cải cách được doanh nghiệp đánh giá cao, các khó khăn mà DN đang gặp phải.
Điển hình như, công tác cải cách hành chính được tỉnh chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã xây dựng chính quyền điện tử với các sáng kiến trong phát triển đô thị thông minh, hướng các hoạt động quản lý và điều hành địa phương trở nên phù hợp và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.
100% TTHC cũng đã được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông;100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 và thực hiện Một cửa liên thông trên môi trường mạng; 100% UBND cấp xã có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng mô hình Một cửa điện tử hiện đại…
Về chỉ số PGI, đây là bộ chỉ số được khởi xướng từ năm 2022 với ý nghĩa góp phần chung tay từ phía cộng đồng DN, chính quyền địa phương vào thực hiện chủ trương chính sách quan trọng của Đảng và Chính phủ về giải quyết những thách thức lớn toàn cầu trong đó có các vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Theo baothuathienhue.vn